Vinachem, Sabeco, Vicem, Veam... bị truy thu hàng nghìn tỷ đồng

Từ kết quả báo cáo tài chính của 40 tập đoàn, Tổng công ty Kiểm toán Nhà nước đã xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 1.619,8 tỷ đồng. Các bộ, cơ quan trung ương cũng buộc phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 158,9 tỷ đồng.
Vinachem, Sabeco, Vicem, Veam... bị truy thu hàng nghìn tỷ đồng

 Báo cáo kiểm toán về việc chấp hành ngân sách năm 2013 được Kiểm toán Nhà nước mới công bố cho thấy tình trạng thất thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách nhà nước tại các đơn vụ hành chính sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa khắc phục được nhiều, còn không ít đơn vị hạch toán thuế số thu, hạch toán các khoản chi phí không đúng chế độ, định mức. 

Đồng thời, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, chưa nộp chênh lệch thu chi nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất…

Kiểm toán Nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của 40 tập đoàn, tổng công ty, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của 75 doanh nghiệp nhà nước, 198 đơn vị sự nghiệp, hồ sơ kê khai thuế của 1.221 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 35 địa phương, 19 doanh nghiệp nhà nước, 251 đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 3.284,5 tỷ đồng.

Trong đó, tập đoàn, tổng công ty 1.619,8 tỷ đồng. Cụ thể, Vinachem phải nộp thêm 414,1 tỷ đồng; Vicem 78,5 tỷ đồng; Sabeco 467,4 tỷ đồng; VTC 42,45 tỷ đồng; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn 87,4 tỷ đồng; Veam 80,5 tỷ đồng; Tổng công ty quản lý bay Việt Nam 49,2 tỷ đồng;…

Các địa phương cũng phải nộp thêm 1.505,8 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM đứng đầu danh sách với số tiền lên đến 346,8 tỷ đồng; tiếp sau đó là tỉnh Long An 237,8 tỷ đồng, Trà Vinh 168,7 tỷ đồng; Bến Tre 120,3 tỷ đồng; Tây Ninh 96,5 tỷ đồng;  Sóc Trăng 90,5 tỷ đồng; Hà Nội 77,6 tỷ đồng; Cà Mau 52,8 tỷ đồng; Đà Nẵng 43,2 tỷ đồng. 

Cụ thể, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch 14 tỷ đồng; Bộ Y tế 12,4 tỷ đồng; Bộ Giao thông Vận tải 8,1 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 6,6 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên & Môi trường 3,3 tỷ đồng; Bộ Xây dựng 3,1 tỷ đồng…

Kết quả kiểm toán về dự toán chi thường xuyên cũng cho thấy, dự toán của một số bộ, cơ quan trung ương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài nguyên Môi trường lập cao hơn số kiểm tra của Bộ Tài chính. 

Chưa sát thực tế như Bộ Y tế khi dự toán chi sự nghiệp khoa học công nghệ chưa thuyết minh đầy đủ, chưa có danh mục đề tài, dự án cấp Nhà nước. 

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch dự toán chi thường xuyên lập quá cao so với số được giao.

Theo Bizlive