Nếu thực sự như vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ, nhà mạng. Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Hồng Nga - Khoa Kinh Tế (ĐH Kinh tế TP.HCM) lo ngại luật chơi khó thay đổi, Viettel vẫn nắm cương.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Nga,khi chỉ có một mình Viettel có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet, lúc đó chỉ có họ mới bị điều tiết của nhà nước, còn các DN còn lại như MobiFone hay Vinaphone không chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Theo qui định quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là SMP nếu có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Vỉ vậy đề xuất của lãnh đạo Viettel yêu cầu được giữ nguyên 3 nhà mạng SMP bị bác bỏ do các DN còn lại đều có thị phần nhỏ hơn 30% và không có khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh.
Việc Viettel trở thành nhà mạng độc quyền, thực ra trong trường hợp này Viettel không phải là nhà độc quyền mà là nhà cung cấp có vị trí thống lĩnh thị trường, là một thách thức lớn đối với Viettel vì các DN còn lại không bị quản lý chặt chẽ về giá cước, khuyến mãi hay ban hành giá cước thấp hơn giá thành.
Điều này buộc Viettel cần quản lý tốt hơn về chi phí, về chất lượng dịch vụ. Nếu không sẽ bị mất nhiều khách hàng, thị phần và lợi nhuận sẽ giảm. Việc Viettel trở thành DN viễn thông duy nhất có vị trí thống trị thị trường là một tín hiệu không tốt cho thị trường và năng lực cạnh tranh của thị trường, tính cạnh tranh của thị trường vẫn bị bỏ ngỏ.
PV:- Ông vừa nói tới đây là tín hiệu không tốt cho thị trường, tính cạnh tranh vẫn bị bỏ ngỏ, xin ông nói cụ thể hơn?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Với bộ máy nhân lực và hệ thống quản lý như hiện nay thì theo quan điểm của cá nhân tôi, hai mạng này sẽ không có lý do gì để phá giá. Thứ nhất, nếu phá giá mà không giảm chi phí và gia tăng chất lượng dịch vụ thì sẽ dẫn tới lợi nhuận giảm và thị phần giảm luôn.
Thứ hai, giả định phá giá làm tăng lợi nhuận thì Viettel cũng có chiến lược như vậy, cho dù phải xin phép cơ quan quản lý cạnh tranh, thì lợi nhuận của cả 3 anh chàng “ngự lâm pháo thủ” trong ngành viễn thông đều giảm, điều này không ai muốn.
Thứ ba, ba DN này đều là DNNN nên việc câu kết không chính thức hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ tư, Viettel là DN dẫn đầu nên thường có vị thế thượng phong trong việc “phát tín hiệu” giá, để các DN khác lấy làm thước đo để định giá cho sản phẩm của mình.
Vì vậy, theo phân tích ở trên thì cạnh tranh giữa 3 mạng lớn nhất là Viettel, Vinaphone và Mobifone sẽ vẫn không có gì thay đổi nhiều so với hiện nay. Viettel vẫn thống lĩnh thị trường, 2 anh em kia đi theo sau với lực bất tòng tâm tuân thủ luật chơi của Viettel và thị trường.
Nhân đây tôi cũng đề nghị chính phủ phải có cách thức nào đó để thị trường viễn thông trở nên cạnh tranh hơn, nhất là phải có sự tồn tại các DN tư nhân mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với các DNNN. Nếu mạnh dạn hơn, nên CPH toàn bộ các DNNN trong lính vực viễn thông. Hiện nay các DNNN có quá nhiều lợi thế để loại trừ các DN tư nhân trong lĩnh vực viễn thông.
PV:- Nghĩa là người dùng vẫn chưa thể hi vọng vào một thị trường viễn thông cạnh tranh, giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Vể nguyên tắc, cạnh tranh lành mạnh sẽ dẫn tới giá giảm/và chất lượng tăng vì trong ngành viễn thông chi phí biên (chi phí tăng thêm để phục vụ thêm 1 cuộc gọi, nhắn tin) gần bằng không. Nếu ngành này là cạnh tranh hoàn hảo thì giá sẽ xấp xỉ bằng không, điều này có lợi cho người tiêu dùng và dĩ nhiên công nghệ cao sẽ làm gia tăng giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ kèm theo.
Tuy nhiên xin nhắc lại ở VN hiện nay thị trường viễn thông không manh tính cạnh tranh lành mạnh mà là thị trường độc quyền nhóm, trong đó Viettel là DN dẫn dắt thị trường. Do vậy chỉ có một cú hích nào đó từ bên ngoài thì giá cước mới có thể giảm được, còn chất lượng dịch vụ hiển nhiên là sẽ không giảm nếu không tăng theo sự thay đổi như vũ bão của công nghệ. Chừng nào còn có DN thống lĩnh thị trường thì sự giảm giá sẽ còn đợi dài dài, trừ khi có sự đột phá về công nghệ.
PV:- Trong bối cảnh giá xăng tăng liên tục ngược xu hướng thế giới, tính minh bạch của EVN luôn bị dư luận đặt dấu hỏi, liệu có thể kỳ vọng, kịch bản cước viễn thông sẽ được lặp lại ở những ngành này hay không và vì sao?
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Kịch bản cước viễn thông sẽ không như bên EVN vì, EVN là DN độc quyền hoàn toàn nên mới xảy ra xu hướng ngược với thế giới. Còn thị trường viễn thông là thị trường độc quyền nhóm, có 1 số DN chiếm đa số thị phần và kiểm soát thị trường. Nếu Viettel tăng giá thì các DN khác mặc kệ (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi), thị phần và lợi nhuận của Viettel sẽ giảm và thị phần và lợi nhuận của các DN khác sẽ tăng. Điều này Viettel không mong muốn.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đất Việt