Như vậy, Myanmar là thị trường nước ngoài có số vốn đầu tư lớn nhất của Viettel từ trước đến nay. Bởi trước đó, ở thời điểm khai trương mạng di động Halotel tại Tanzania (quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Phi) tháng 10/2015, Viettel cho biết, Tanzania là thị trường có vốn đầu tư lớn nhất (gần 1 tỷ USD) trong số 8 thị trường nước ngoài mà Viettel đã triển khai.
Theo Viettel, với số vốn trên, cùng với đối tác liên doanh, hãng sẽ xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp toàn đất nước Myanmar, phủ tới gần 95% dân số trong vòng ba năm.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển nhanh về dữ liệu data và công nghệ thông tin tại Myanmar, Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G tần số 900Mhz và 2100 Mhz.
Mạng di động thứ tư này cũng sẽ nhanh chóng cung cấp dịch vụ 4G trên dải tần 1800Mhz nếu được chính phủ Myanmar cấp phép bổ sung vào cuối năm nay.
Mạng viễn thông Quân đội cũng cho biết, trong công bố của chính phủ Myanmar trong thư chào thầu, thì tỉ lệ sử dụng smartphone hiện tại tại đất nước này đã đạt trên 60%. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt, tăng trưởng GDP trên 8%/năm, Myanmar sẽ có tốc độ phát triển về data tương ứng, đặc biệt có tới 80% người dân lựa chọn máy điện thoại thông minh smartphone khi mua máy.
Chính phủ Myanmar quy hoạch tất cả 4 giấy phép viễn thông, trong đó hai giấy phép dành cho công ty tư nhân nước ngoài và 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước. Tập đoàn Viettel đã được lựa chọn để tham gia liên doanh cho giấy phép viễn thông thứ 4, và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar.
Hai đơn vị được chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel, sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty trung gian địa phương (SPV) là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited.
“Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar”, Viettel cho biết.
Theo VnEconomy