Thông báo của Vietnam Airlines không nêu rõ số lượng tàu bay muốn cho thuê cụ thể là bao nhiêu mà chỉ cho biết: “Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP có nhu cầu cho thuê (thuê khô, thuê ẩm hoặc thuê ướt) các tàu bay thân hẹp (A321) hoặc tàu bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10) với thời gian thuê là 06 tháng (hoặc theo nhu cầu), dự kiến bắt đầu từ Tháng 4/2020”.
Với thời gian cho thuê dự kiến là 6 tháng và bắt đầu từ tháng 4/2020, có nghĩa, Vietnam Airlines đã chấp nhận giảm quy mô đội tàu bay của mình trong mùa cao điểm – mùa hè và mùa thu – khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ lên cao do hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.
Việc rao cho thuê cả tàu bay thân rộng – vốn thường được sử dụng cho các chặng bay dài – cho thấy HVN khả năng sẽ cắt giảm cả tần suất bay quốc tế.
Với vị thế của hãng bay lớn nhất Việt Nam, có số lượng đường bay đa dạng nhất, tần suất vận chuyển nhộn nhịp nhất Việt Nam, Vietnam Airlines là doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bậc nhất lớn nhất bởi dịch viêm phổi cấp Covid-19 vốn đang “ăn mòn” ngành lữ hành và du lịch.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng hôm 12/2 đã dẫn báo cáo sơ bộ từ các hãng hàng không cho biết tác động khủng khiếp từ Covid-19: “Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10.000 tỷ đồng”.
Mà nên nhớ, số liệu này mới chỉ tạm tính đến ngày 10/2. Đồng nghĩa, con số thiệt hại thực tế mà các hãng – trong đó lớn nhất là Vietnam Airlines – gánh chịu sẽ còn lớn hơn nhiều lần, theo diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo đó, các hãng hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như: tạm dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam - Trung Quốc, dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày và do ảnh hưởng dây chuyền của các thị trường quốc tế (đặc biệt là Hong Kong, Đài Loan và Macau) và nguồn khách quốc tế trên thị trường nội địa.
Khi lợi thế thành gánh nặng?
Cuối tháng 10/2019, Vietnam Airlines đã đón chiếc máy bay thứ 100 gia nhập đội bay, đó là chiếc Boeing 787-10 (loại tàu bay lớn nhất Việt Nam hiện nay) thứ 3 trong tổng số 8 chiếc Hãng tiếp nhận từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2021.
“Vietnam Airlines là hãng hàng không có đội tàu bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 lớn thứ hai tại Đông Nam Á, thuộc top đầu châu Á - Thái Bình Dương với 14 chiếc Airbus A350-900, 11 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner và 3 chiếc Boeing 787-10 Dreamliner. Trong khi đội tàu thân rộng là đôi cánh chủ lực của Hãng trên các đường bay trục nội địa và quốc tế, đội tàu thân hẹp gồm 52 chiếc Airbus A321, 14 chiếc Airbus A321neo và 6 chiếc ATR-72 đã phát huy hiệu quả trên các đường bay có dung lượng thấp, tầm bay ngắn hoặc khai thác đến các sân bay có cơ sở hạ tầng hạn chế” – đại diện HVN tuyên bố tại sự kiện khi ấy.
Tuy nhiên, “tai họa” bất ngờ từ Covid-19 hiện tại sẽ khiến thế mạnh về quy mô đội bay trở thành gánh nặng - dù nhất thời - với hãng bay lớn nhất Việt Nam, với các khoản chi phí khổng lồ về duy trì, bảo dưỡng, bến bãi và các dịch vụ mặt đất kèm theo… Trong khi đó, các tàu bay lại không phát huy được năng lực vận tải để mang về doanh thu tương xứng, bởi việc đóng các đường bay để phòng chống dịch bệnh cũng như nhu cầu đi xuống từ thị trường.
Lợi thế đội bay trăm chiếc bất ngờ lại trở thành một gánh nặng khó giải với Vietnam Airlines lúc này... (Ảnh: VNA)
|
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng cho biết, đường bay Trung Quốc chiếm 10% thị phần bay của Vietnam Airlines. Do đó, việc tạm dừng các chuyến bay của hãng đến/đi từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc.
Các kế hoạch khai thác cũng phải thay đổi liên tục. Không chỉ dừng đường bay giữa Việt Nam –Trung Quốc, hãng phải hoãn khai thác cả đường bay giữa Hà Nội và Ma Cao, Hong Kong. Chưa kể, để phòng ngừa dịch, hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không, gây tốn kém chi phí.
“Nếu thị trường phục hồi vào tháng 7/2020, tổng thiệt hại tài chính do virus corona có thể gây ra cho hãng lên tới 196 triệu USD”, ông Thành chia sẻ với một từ báo.
Trong cuộc trao đổi với báo chí, CEO Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ tìm ra những biện pháp tiết giảm chi phí và tối đa hóa hiệu quả hoạt động để đối phó với những tổn thất dự kiến, đạt được kết quả tài chính tích cực cho năm 2020.
Việc HVN đăng thông báo cho thuê các tàu bay mới đây có thể hiểu là một nỗ lực tiết giảm chi phí mà ông Thành đã nói. Tuy nhiên, trong bối cảnh đi xuống của ngành hàng không toàn cầu, việc cho thuê các máy bay của Vietnam Airlines hẳn không dễ và tất nhiên, là mức giá cho thuê cũng khó có thể cao.
Đáng nói là, từ này tới tháng 3/2021, Vietnam Airlines sẽ còn liên tiếp nhận thêm các tàu bay mới theo kế hoạch đặt mua đã ký với các nhà cung cấp. Theo CAAV, Vietnam Airlines dự kiến tăng quy mô đội bay lên 107 máy bay vào năm 2020 và 135 máy bay vào năm 2025 (so với 100 chiếc tại năm 2019).
Mà không chỉ riêng Vietnam Airlines, các hãng hàng không nội địa còn lại như Vietjet Air hay Bamboo Air cũng đang phải chịu những áp lực tương tự, với các hợp đồng bổ sung đội bay tỷ đô được ký liên tiếp gần đây. Và cùng chung cảnh ngộ, họ cũng đang khốn khổ với Covid-19./.