Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities – Mã CK: CTS) vừa có quyết nghị vay vốn ngắn hạn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã CK: SIP) với giá trị vay tối đa 2.000 tỉ đồng (bao gồm cả các khoản vay đang còn dư nợ).
SIP là doanh nghiệp bất động sản công nghiệp nổi danh ở khu vực phía Nam. Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quỹ đất còn lại có thể cho thuê của SIP lên tới 1.070ha, cho phép doanh nghiệp này tạo ra dòng tiền 36.533 tỉ đồng trong 10 năm tới.
Tính đến ngày 30/9/2023, SIP có 3.419,5 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn và 401,4 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm 18,7% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, SIP còn ghi nhận khoản phải thu 711,9 tỉ đồng với Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Theo thuyết minh báo cáo tài chính của SIP, đây là khoản phải thu về cho vay tín chấp ngắn hạn, có lãi suất từ 6% - 7,3%/năm.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này còn cho vay CTCP Chứng khoán Cao Su, với số dư tại ngày 30/9 ở mức 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, SIP đã trích lập dự phòng toàn bộ đối với khoản cho vay này.
Mặt khác, tại thời điểm cuối quý 3/2023, SIP còn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI), với giá gốc ở mức 21,2 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, SIP thu về 186,7 tỉ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay. Khoản lãi này chiếm tới 62,3% doanh thu hoạt động tài chính, góp phần giúp công ty báo lãi sau thuế 663,4 tỉ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 87,8% kế hoạch năm).
Ở hướng ngược lại, lãi tiền vay của SIP là 41,3 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối, tính đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của SIP đạt 1.263,4 tỉ đồng, chủ yếu vay tại Vietcombank - Chi nhánh Thủ Đức (810,1 tỉ đồng), VietinBank - Chi nhánh Đông Sài Gòn (434,3 tỉ đồng) và các ngân hàng khác (18,9 tỉ đồng)./.