Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – Mã CK: VBB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023).
Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) VietBank đề xuất mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 ở mức 960 tỉ đồng, tăng 46% so với thực hiện năm 2022.
Đồng thời, nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 12% trong năm 2023, lên mức 125.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay dự kiến đạt 75.600 tỉ đồng. Huy động từ khách hàng (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi) dự kiến tăng trưởng 17%, lên mức 95.000 tỉ đồng.
Vì sao VietBank chưa lên sàn HOSE?
Ban lãnh đạo VietBank còn muốn trình AGM 2023 thông qua việc tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
Nội dung tờ trình cho hay, VietBank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành theo quy định để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, về quy định hành chính, VietBank ‘chưa đảm bảo’.
Cụ thể, ngày 13/5/2022, VietBank bị Đoàn thanh tra (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với hành vi ‘Không báo cáo đúng thời hạn đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử’. Do đó, nhà băng này chưa đáp ứng điều kiện để tiến hành niêm yết cổ phiếu trong năm 2022.
“Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu VietBank có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho việc VietBank ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là Công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023 – 2025”, văn bản nêu.
Cổ phiếu VBB của VietBank được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 7/2019. Sàn UPCOM được thành lập bởi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), là thị trường giao dịch chứng khoán của những công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn, phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng chưa được niêm yết.
VietBank từng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào năm 2020. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2020 – đầu năm 2021, HOSE liên tục chứng kiến tình trạng quá tải, nghẽn lệnh chứng khoán. Hồ sơ đăng ký niêm yết mới tại HOSE của các công ty đại chúng cũng bị hoãn lại, chưa giải quyết cho đến khi khắc phục sự cố.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE của VietBank tiếp tục bị trì hoãn trong năm 2021. Nguyên nhân đến từ yếu tố bên ngoài, cụ thể là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 làm cho thị trường chứng khoán biến động ‘rất mạnh’ và ‘việc niêm yết cổ phiếu VietBank trên thị trường chứng khoán thời điểm năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và bảo đảm quyền lợi của Cổ đông’.
Tòa nhà Lim 2 (Tp. HCM) cũng là nơi đặt trụ sở chính của VietBank |
Nhận lại 1.808 tỉ đồng tiền cọc từ Lương Thạch
Đối với việc đầu tư tài sản là Tòa nhà Lim 2, ban lãnh đạo VietBank cho biết Công ty TNHH Lương Thạch (Lương Thạch) đã hoàn trả tiền cọc 1.808 tỉ đồng cho ngân hàng vào ngày 4/1/2023.
Trước đó, AGM 2020 của VietBank chấp thuận mua một phần tòa nhà Lim II tại số 62A Cách mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM, gồm 3 tầng hầm, tầng lửng, tầng 1 – 11.
Ngày 10/8/2020, VietBank ký kết hợp đồng đặt cọc với Lương Thạch để nhận một phần tòa nhà Lim II, với giá chuyển nhượng là 1.340 tỉ đồng. Ngay hôm sau, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỉ đồng cho Lương Thạch. Ở hướng ngược lại, Lương Thạch sẽ trả cho VietBank số tiền 8,25 tỉ đồng/tháng, với thời gian thực hiện tối đa 12 tháng. Tuy nhiên tới ngày 10/8/2021, VietBank và Lương Thạch ký phụ lục hợp đồng, gia hạn thời gian thực hiện đến 10/8/2022.
Ngày 13/5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II, với giá chuyển nhượng 944 tỉ đồng. VietBank sau đó đã chuyển 708 tỉ đồng tiền đặt cọc cho Lương Thạch.
Tổng cộng số tiền đặt cọc của VietBank cho thương vụ mua lại Tòa nhà Lim 2 sau 2 lần chuyển là 1.808 tỉ đồng.
Dù bỏ ra số tiền ‘khủng’, nhưng như đã nêu, VietBank vẫn chẳng thể mua lại tòa nhà Lim 2. Trong khi đó, Lương Thạch được quản lý số tiền cọc của VietBank trong nhiều năm với ‘chi phí’ phải chăng so với mặt bằng chung của thị trường.
Lưu ý rằng, VietBank và Lương Thạch đều có mối liên hệ tới một tập đoàn lớn ở khu vực phía Nam./.