Việt Nam và Singapore hướng tới thỏa thuận song phương về kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng hai nước nhất trí thúc đẩy sớm lập Nhóm Công tác kỹ thuật về nền tảng cho đối tác số, hướng tới một thỏa thuận song phương về kinh tế số.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan và các đại biểu tại Lễ ký Biên bản Thỏa thuận giữa bộ Ngoại giao hai nước về Chương trình Nghiên cứu theo chuyên đề dành cho cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2021-2023.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan và các đại biểu tại Lễ ký Biên bản Thỏa thuận giữa bộ Ngoại giao hai nước về Chương trình Nghiên cứu theo chuyên đề dành cho cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2021-2023.

Đây là thông tin được đưa tại tại buổi hội đàm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) từ ngày 20-23/6/2021 của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore.

Tại cuộc làm việc, hai Bộ trưởng khẳng định vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore ngày càng sâu sắc, thực chất, tin cậy.

Hướng tới phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch, hai Bộ trưởng khẳng định cần triển khai hiệu quả Hiệp định kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore; có các sáng kiến hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như logistics, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm chế biến...; phát triển các khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) theo mô hình đổi mới đổi mới sáng tạo, thân thiện môi trường.

Để đảm bảo thương mại hai nước phát triển cân bằng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Singapore mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dệt may, giầy dép; tăng cường liên kết hợp tác theo chuỗi trong sản xuất, chế biến để khai thác các lợi thế của từng bên, thúc đẩy thương mại song phương và xuất khẩu sang các nước khác.

Khẳng định kinh tế số là một trong những động lực phát triển quan trọng của các quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hai Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy sớm lập Nhóm Công tác kỹ thuật về nền tảng cho đối tác số, hướng tới một thỏa thuận song phương về kinh tế số.

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Hai Bộ trưởng đã trao đổi sâu về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Tiểu vùng Mekong, cũng như trong quá trình phê chuẩn và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Thỏa thuận hợp tác về đào tạo cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2021-2023, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cao cấp của Việt Nam.

Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về tình hình ở Biển Đông; đề cao hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982.