Tặng quà vốn đã khó, tặng quà trong lĩnh vực đối ngoại lại càng khó hơn khi cần chuyển tải tình cảm, thông điệp và cả văn hóa trong đó. Trong buổi gặp gỡ với các nữ doanh nhân nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chia sẻ những câu chuyện tặng quà vô cùng thú vị trong lĩnh vực ngoại giao.
"Phải tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, những điều cấm kỵ để tránh khi tặng quà", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
|
Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump và là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên bước vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ của ông Trump. Trước đó, trong số lãnh đạo Châu Á mới chỉ có Tổng Bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là khách mời của Tổng thống Trump.
Đây là chuyến thăm quan trọng và có rất nhiều thứ phải chuẩn bị như nội dung, thông tin… nhưng có một điểm quan trọng nữa là lễ tân, trong đó quà tặng cũng mất nhiều công chuẩn bị, bà Hằng nhớ lại. Trong số những quà tặng được mang đi lần đó có cây đèn Hoa Kỳ hay còn gọi là đèn dầu hàm ý câu chuyện giao lưu Việt - Mỹ đã có từ lâu.
Trong lĩnh vực ngoại giao, tặng quà là văn hóa, là nghệ thuật vô cùng công phu và nhất định phải chuyển tải một thông điệp đối ngoại. Món quà còn mang giá trị văn hóa truyền thống, là cơ hội quảng bá cho đất nước, văn hóa con người Việt Nam. Bà Hằng cho rằng một trong những món thích hợp nhất để chọn làm quà tặng chính là lụa, bởi đó là chất liệu, sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
"Đằng sau món quà tặng mà còn kể được một câu chuyện thì giá trị hơn nhiều. Ví dụ tặng chiếc khăn lụa Việt DeSilk và câu chuyện phía sau là về nhà thiết kế, một người Thụy Sỹ gốc Việt thì sẽ tôn vinh giá trị quà tặng lên nhiều", bà nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tờ báo mà ông Trump đã gửi lại Thủ tướng khi hai người gặp nhau vào năm 2017, trong lần đầu tiên ông Trump đến thăm Hà Nội - Ảnh VGP
|
Cũng liên quan đến chiếc khăn lụa, gần đây nhất khi công chúa Vương quốc Thụy Điển sang thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bà 1 cái khăn lụa tơ tằm dài 2m, vẽ phong cảnh đặc trưng của Thụy Điển.
Đặc biệt bức tranh trên khăn đó do nữ họa sĩ Việt đã có nhiều năm sinh sống ở Thụy Điển Văn Dương Thành vẽ. Họa sĩ Văn Dương Thành là người say mê nghệ thuật, quan tâm tới đối ngoại và là người bạn của ngành ngoại giao VN. Món quà tuy đơn giản nhưng lại chuyển thông điệp lớn về văn hóa Việt Nam cũng như mối bang giao giữa hai nước.
"Trong các hoạt động ngoại giao của VN thì quà tặng vô cùng quan trọng. Rất nên tặng quà nhưng tặng quà phải có thông điệp thì mới hiệu quả. Khi tổ chức các hoạt động đối ngoại của đất nước chúng tôi muốn bao giờ quà tặng cũng phải là sản phẩm của VN, có thể là 1 gói chè, 1 gói cà phê, 1 cái khăn hay 1 sản phẩm thủ công mỹ nghệ", bà nói.
Tuy nhiên cũng có những "kinh nghiệm đau thương" mà những người làm ngoại giao từng gặp phải khi tặng quà. “Có những quà tặng mình nghĩ đơn giản là một bức tranh bằng đá nhưng người ta xác định đó là bức tranh đá quý nên không được giữ lại mà phải nộp ngay vào kho. Quà tặng được chấp nhận là không vi phạm vào nguyên tắc giá trị để không bị liệt vào quà hối lộ.
Thứ 2 là làm sao quà tặng không vi phạm những điều cấm kỵ trong văn hóa, đặc biệt là tôn giáo. Điều này cực kỳ tế nhị. Nếu quà tặng trái với nguyên tắc tôn giáo thậm chí là phản cảm, đi đến phản tác dụng. Người đạo Hồi tặng rượu là tối kỵ, sản phẩm làm từ da lợn cũng không được. Khi tặng quà phải đưa bằng tay phải hoặc cả hai tay, không thể đưa bằng tay trái.
Đối với người Hindu, không được tặng sản phẩm từ da bò. Người Á đông nếu tặng màu sẫm hay vật sắc nhọn cũng kiêng. Với người Trung Quốc thì nguyên tắc là không tặng đồng hồ vì đồng hồ nghĩa là thời gian, nhắc nhở điều gì đó trôi qua. Người Việt chúng ta không tặng nhau dao kéo, vì nó có nghĩa là cắt đứt mối quan hệ. Với các nước Mỹ La tinh cũng không tặng những bông hoa có màu sắc giống để ở nghĩa trang như tím, đỏ sẫm...
Phải tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, những điều cấm kỵ để tránh khi tặng quà", bà Hằng chia sẻ.
Một lưu ý nữa khi tặng quà đối ngoại là chất liệu món quà có phù hợp với khí hậu nước đó không. Đây là kinh nghiệm mà nhiều đại sứ quán ở nước ngoài từng gặp phải. Ở những nước khí hậu khô mà mang tới sản phẩm gỗ chưa được xử lý tốt, lại thêm khảm trai nữa thì một thời gian món quà sẽ nứt toác ra, khảm trai bị bong, không thể xử lý được.
"Hoặc có sản phẩm mang đi quá to, như những bức tranh bằng đồng vừa to vừa nặng. Mà phòng các chính khách thường nhỏ, tranh to không biết treo vào đâu. Do vậy sản phẩm mang tặng nên nhỏ gọn, tinh xảo, phù hợp với thời tiết, khí hậu, mà dùng được lại càng tốt. Tặng khăn lụa Việt Nam cho ông bộ trưởng mà biết rõ họ có vợ hay con gái rồi nói nhờ ông mang về tặng phu nhân hay con gái thì họ sẽ rất trân trọng", bà Hằng chia sẻ.
Khăn lụa Việt Nam cũng là món quà kỷ niệm được ưa chuộng- Ảnh internet.
|
Mặc dù vậy có khi món quà bất đắc dĩ bị lợi dụng bóp méo gây bất lợi. Như câu chuyện mới đây khi món quà Tết truyền thống hàng năm của một Đại sứ quán lại bị thổi lên thành quà hối lộ do chiêu trò của một người không có thành ý.
“Đó chỉ là 1 chai rượu giá trị không đáng là bao, là truyền thống thể hiện tình cảm của người Việt Nam, có quý nhau mới tặng quà. Đó là phong tục của người Việt chúng ta mỗi dịp năm mới nhưng rất tiếc lại bị biến thành câu chuyện mang màu sắc chính trị".
Đây là chuyện ngoài ý muốn trong số vô vàn những câu chuyện ngoại giao bằng quà tặng hiệu quả của ngành ngoại giao Việt Nam.