Việt Nam và AIIB – Cần một cách tiếp cận thận trọng (P.3)

Việc quyết định có liên kết Đông – Tây về cơ sở hạ tầng hay không, lựa chọn điểm nào để liên kết sẽ có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế và an ninh của Việt Nam trong vòng 30 năm tới. 
Việt Nam và AIIB – Cần một cách tiếp cận thận trọng (P.3)

(Tiếp theo phần 1 và phần 2)

Khi trở thành thành viên sáng lập của AIIB và là một trong 20 nước đầu tiên kí kết bản ghi nhớ tại Bắc Kinh năm 2014, hẳn nhiên Việt Nam ý thức được tầm quan trọng của sáng kiến này đối với sự phát triển của khu vực và của mình.

Là một nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn lớn. Mặc dù là quốc gia có chất lượng cơ sở hạ tầng thuộc dạng cao ở Đông Nam Á, nhưng so với xu thế biến đổi của chuỗi sản xuất, sự dịch chuyển các trục về địa-kinh tế của khu vực thì không gian đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có cách tiếp cận thận trọng với AIIB. Đánh giá về rủi ro của mô hình AIIB và các khoản đầu tư của ngân hàng này, có thể nhận thấy, rủi ro lớn nhất là nó được dẫn dắt bởi Trung Quốc – một quốc gia chưa có kinh nghiệm quản trị quốc tế trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nhưng lại dư thừa công suất đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sản lượng công nghiệp. Một số thách thức mà Việt Nam cần nhận thức rõ (khi so sánh AIIB với ADB) bao gồm:

Các vấn đề môi trường và lao động. Rõ ràng, so với việc quản lí dự án của AIIB, các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại hải ngoại luôn vấp phải vấn đề môi trường và sự di cư số lượng lớn của lao động người Trung Quốc. Đây là những vấn đề tiềm tàng đối với tình hình xã hội của khu vực nhận vốn đầu tư.

Các vấn đề về tham nhũng và tính minh bạch của dự án cũng là một trở ngại đặc biệt là đối với Việt Nam. Trong bối cảnh hàng loạt dự án ODA có vốn của Nhật Bản bị buộc phải thanh tra vì liên quan đến tham ô, tham nhũng trong quá trình thực hiện tại Việt Nam, rõ ràng khả năng lobby của các công ty Trung Quốc càng khiến sự chú ý của người dân vào tính minh bạch của các hoạt động đấu thầu, thực hiện lên cao. Không khó để tìm các thông tin về các dự án Trung Quốc đội giá hàng trăm triệu hoặc cả tỉ USD sau khi đã trúng thầu EPC.

Ngoài những thách thức dễ nhận thấy như nêu trên, có một số rủi ro ngầm mà Việt Nam cũng cần nhận diện.

Thứ nhất, nhu cầu cơ sở hạ tầng của mỗi khu vực tại châu Á rất khác biệt, nếu các dự án vay vốn được thực hiện không gắn với khảo sát nghiên cứu kỹ khuynh hướng phát triển của ngành và quốc gia thì hậu quả không chỉ là sự lãng phí nguồn lực. Báo cáo năm 2012 của ADB chỉ ra rằng tại Đông Nam Á, nhu cầu đầu tư vào năng lượng là cao nhất (với hơn 50% vốn trong giai đoạn 2010 - 2020), sau đó mới đến hạ tầng giao thông (với chỉ hơn 25% nhu cầu vốn). Việt Nam hiện đang đầu tư nhiều vào lĩnh vực nhiệt điện với vốn vay lớn từ Trung Quốc hoặc Trung Quốc trúng thầu EPC.

Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đến 2014 (gồm cả EPC). Nguồn: Financial Times
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đến 2014 (gồm cả EPC). Nguồn: Financial Times

Có thể thấy, lĩnh vực nhiệt điện với 25 tỷ USD đầu tư hiện chỉ đứng sau đầu tư vào hóa dầu với 38.2 tỷ USD. Nhiệt điện đang đặt ra bài toán khó cho chính quyền địa phương Việt Nam trong vấn đề môi trường, và bái toán cho chính phủ Việt Nam trong vấn đề địa – chiến lược của đất nước. Bởi chúng ta đều biết, phần lớn các nhà máy điện – như Vĩnh Tân 2 – đều có vị trí địa lí rất đặc thù. 

Thứ hai, trong hàng loạt rủi ro mà AIIB đem lại như rủi ro về tài chính tiền tệ, về kinh tế vĩ mô, về pháp lý và hệ thống quản lí, Việt Nam đều thuộc nhóm nước có tỷ lệ rủi ro cao (với mức rủi ro tổng thể là 56/100 – mức 100 là mức hoàn toàn rủi ro). Một nghiên cứu cũng cho thấy, khi tiếp nhận vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc, Việt Nam thuộc nhóm nước “cơ hội thấp, rủi ro cao”.

Phân nhóm quốc gia theo mức độ rủi ro và cơ hội khi tiếp nhận vốn FDI Trung Quốc.
Phân nhóm quốc gia theo mức độ rủi ro và cơ hội khi tiếp nhận vốn FDI Trung Quốc.

Cuối cùng, việc hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng Đông Nam Á kết nối với Nam Á và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc có thể thúc đẩy sự phát triển của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia nhưng làm suy giảm lợi thế của Việt Nam, nếu như mạng lưới cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ phát triển theo chiều Bắc – Nam mà không có các liên kết Đông – Tây hợp lí. Đây là điều mà chúng tôi gọi là “lý thuyết đòn bẩy cơ sở hạ tầng”.

Việc quyết định có liên kết Đông – Tây về cơ sở hạ tầng hay không, lựa chọn điểm nào để liên kết sẽ có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế và an ninh của Việt Nam trong vòng 30 năm tới.  


(*) Bài viết có sử dụng kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.

Tác giả bài viết: TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Bizlive