Trung Quốc tiến hành phân hóa các nước ASEAN nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thoả hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông
Từ hơn 60 năm qua, Trung Quốc lúc âm thầm, lúc trắng trợn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bằng nhiều thủ đoạn, chiến thuật. Bài viết làm rõ một số chiến thuật mà Trung Quốc áp dụng đối với ASEAN, hòng độc chiếm Biển Đông, đồng thời kiến nghị một số giải pháp ASEAN cần và có thể thực hiện nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Chiến thuật của Trung Quốc đối với các nước ASEAN
Chia rẽ các nước ASEAN
Trung Quốc tiến hành chia rẽ, phân hóa các nước ASEAN, nhất là chia rẽ ASEAN với Việt Nam, nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thoả hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông. Nhằm mục tiêu ấy, Trung Quốc đã lợi dụng sự bất đồng về lợi ích, về quan điểm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền để gây chia rẽ, không để các nước này đoàn kết thành một khối để đối trọng với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sử dụng con bài “viện trợ” để các nước này vì lợi ích quốc gia trước mắt mà không ủng hộ các nước ASEAN khác trong “hồ sơ Biển Đông”; chủ trương đàm phán riêng rẽ đối với các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông để đạt lợi ích riêng, tạo nghi ngờ giữa các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với các nước ASEAN khác nhằm tách họ khỏi các vấn đề Biển Đông, tập trung bao vây, cô lập Việt Nam với các nước ASEAN, vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là lực cản lớn nhất đối với chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Điều đó giải thích vì sao có những nước có quan hệ rất tốt với Việt Nam, nhưng không dám bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, thậm chí coi đây là chuyện riêng giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với Phi-líp-pin, hoặc né tránh bày tỏ quan điểm bằng lý do “không can thiệp công việc nội bộ nước khác”.
Trung Quốc đưa ra các sáng kiến “Vịnh Bắc Bộ mở rộng” với chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, muốn biến Biển Đông thành “con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 21, để lôi kéo các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và chứng tỏ với ASEAN là Trung Quốc muốn giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông,
Phản đối đàm phán đa phương với ASEAN về vấn đề Biển Đông
Trung Quốc chủ trương đàm phán song phương với từng nước ASEAN, không đàm phán chung với cả Hiệp hội về vấn đề Biển Đông. Chủ trương của Trung Quốc là chủ quyền ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc và hạ thấp vai trò, sức mạnh tập thể của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, dùng sức mạnh của nước lớn để giải quyết riêng rẽ với từng nước thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền, qua đó làm tăng vai trò nước lớn của Trung Quốc.
Cùng với việc phản đối đàm phán về vấn đề Biển Đông với ASEAN, Trung Quốc đồng thời vô hiệu hóa các nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) mà hai bên phải mất 12 năm đàm phán mới đi đến ký kết năm 2002. Trung Quốc luôn nói tuân thủ DOC, nhưng thực tế Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1/5/2014, đưa các tàu, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự chủ động đâm va, dùng vũ lực đối với các lực lượng chấp pháp dân sự, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đe dọa an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, bất chấp phản đối của Việt Nam và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.
Hành động này không chỉ vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), mà còn vi phạm DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc còn công bố một tấm bản đồ “đường 10 đoạn” dựa trên cơ sở “đường 9 đoạn” phi lý, phi pháp, ngang ngược ghi chú các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản vào lãnh thổ của Trung Quốc.
Mấy năm trước, Trung Quốc đã từng có hành động tương tự khi vẽ bản đồ "đường lưỡi bò" (đường 9 đoạn) phi pháp lên hộ chiếu của công dân nước này. Hành động đó đã bị nhiều nước liên quan phản đối kịch liệt. Nếu “đường 10 đoạn” đó thành hiện thực, các nước ven bờ Biển Đông chỉ cần “bước chân” ra khỏi nhà là xâm phạm vào “vùng biển” của Trung Quốc.
Trung Quốc tìm lý do trì hoãn bàn và ký kết với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC). Trong khi chưa ký được COC, Trung Quốc đã tự mình từ bỏ DOC.
Lôi kéo ASEAN ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực
Trung Quốc vận động để ASEAN không ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông và sử dụng vấn đề này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Trung Quốc luôn coi Đông Nam Á là “khu vực ảnh hưởng truyền thống” của mình. Trước việc Mỹ thực hiện chính sách “tái cân bằng” ở khu vực, lấy Biển Đông làm khâu đột phá để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc, nước này đã tìm cách phản công lại bằng cách quy kết lập trường của Mỹ về Biển Đông chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, không có lợi cho ASEAN.
Trung Quốc ban hành các quy định về vùng đặc quyền kinh tế, cấm các nước khác khảo sát, đo đạc trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc; phản đối hoạt động của các tàu do thám Mỹ, mưu toan đẩy hải quân Mỹ ra khỏi Biển Đông nhằm phá thế bao vây về quân sự của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc mưu toan dùng quân sự để khống chế các đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và hạn chế khả năng Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan khi có tình huống xảy ra.
Việc Trung Quốc mới công bố bản đồ “đường 10 đoạn” một lần nữa khẳng định âm mưu độc chiếm Biển Đông, để từ đây Hải quân Trung Quốc tiếp cận Thái Bình Dương, giáp với Mỹ cũng như tiến ra Ấn Độ dương. Với mục tiêu trở thành “cường quốc biển”, Trung Quốc sẽ cạnh tranh quyết liệt với Mỹ về địa vị "lãnh đạo thế giới".
Mưu toan kiểm soát, “gặm nhấm” Biển Đông bằng sức mạnh
Trung Quốc chủ trương dùng sức mạnh tổng hợp để uy hiếp ASEAN, buộc các nước ASEAN phải nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông; chủ trương kiểm soát thực tế trên biển, khiến thế giới phải thừa nhận Biển Đông nằm trong phạm vi lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân sự, quyết tâm thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng (mạnh về Hải quân để trở thành cường quốc biển; chạy đua trên vũ trụ; giành ưu thế về công nghệ thông tin, chiến tranh mạng), tạo ra cục diện có lợi cho Trung Quốc, quyết đoán, mạnh mẽ, sử dụng vũ lực trắng trợn hơn trong khẳng định yêu sách chủ quyền. Kể từ năm 1998 đến nay, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên 13 lần, do đó hải quân Trung Quốc đã thành hải quân hùng mạnh nhất châu Á.
Việc các lực lượng hải quân, không quân, chấp pháp biển của Trung Quốc liên tục mở rộng phạm vi, cường độ hoạt động tại các vùng biển tranh chấp và tư duy sẵn sàng sử dụng vũ lực của Trung Quốc, nhất là sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, đang làm gia tăng nguy cơ va chạm với các nước. Hải quân và kiểm ngư Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực “đường 10 đoạn” để gây sức ép với các nước ASEAN, tạo sự lo ngại va chạm của các nước có liên quan để các nước này không dám phản đối Trung Quốc. Nước này đã sử dụng các tàu thăm dò, tàu đánh cá hoạt động ở những vùng tranh chấp và tiến hành các biện pháp nhằm dân sự hóa sự hiện diện của họ.
Song song với việc áp đặt chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ngang nhiên đưa nhiều tàu đánh cá vào hoạt động ở ngư trường truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc còn phái một đoàn tàu đánh cá đến Trường Sa. Khi dựa trên một đoàn tàu “dân sự” ngày càng hùng mạnh của Cục Quản lý Đại dương hay của cơ quan Ngư chính, với tàu thuyền được trang bị vũ khí nặng, Trung Quốc đang dùng chính sách “sự đã rồi” để áp đặt chủ quyền của họ. Năm 2010, Trung Quốc đã nâng Biển Đông lên hàng lợi ích cốt lõi, ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, điều này có nghĩa là Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào.
Chưa hết, Trung Quốc trắng trợn san lấp biển, mở rộng đảo tại 5 đảo, bãi đá ở Biển Đông, nhằm xây dựng ở đây một đường băng, kho chứa dành cho máy bay phản lực, một cầu tàu, trạm phát điện tua-bin gió v.v… Nếu kế hoạch này được thực hiện, Trung Quốc sẽ có đường băng đầu tiên tại Trường Sa. Cách thức mà Trung Quốc luôn áp dụng trong quá trình xâm lấn ở Biển Đông đầu tiên là lấy cớ xây dựng nơi trú ẩn tạm thời cho ngư dân ở khu vực tranh chấp, sau đó, biến những nơi “trú ẩn tạm thời” ấy thành các cấu trúc bê tông và nơi đồn trú của quân đội như những gì Trung Quốc đã làm ở bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa), đẩy các nước Đông Nam Á rơi vào tình thế thực sự nguy hiểm, bởi đây có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km).
Nếu lấy bãi đá Gạc Ma làm trung tâm, mở ra xung quanh bán kính khoảng hơn 1.600 km sẽ khống chế toàn bộ Việt Nam, Philippines, một phần lãnh thổ Malaysia. Có được căn cứ quân sự ở bãi đá này, sẽ là tiền đề để Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phi cơ bay trên khu vực này để yểm trợ cho các hạm đội bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa.
Nói cách khác, Trung Quốc có thể phát triển các hòn đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự để dành quyền kiểm soát Biển Đông. Nhưng bất luận thế nào, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự là trái với tinh thần bản DOC, trong đó quy định rõ: các bên tranh chấp không được biến các đảo không người ở thành nơi có người ở, không được làm tăng bất ổn trong khu vực.
Phản đối “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, tránh đưa tranh chấp ra tài phán quốc tế
Trung Quốc luôn phớt lờ yêu cầu đàm phán với Việt Nam giải quyết vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, luôn yêu cầu đàm phán song phương với từng nước tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, khước từ bên thứ ba can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông vì muốn dùng áp lực nước lớn “nói chuyện” với các nước nhỏ; phản đối Phi-líp-pin, Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA). Trung Quốc né tránh sử dụng Luật pháp Quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, chứng tỏ Trung Quốc yếu thế về cơ sở pháp lý trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
Trung Quốc còn chủ động yêu cầu Tổng Thư ký LHQ cho lưu hành bức thư vu khống Việt Nam cản trở hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, dùng tàu chủ động đâm các tàu công vụ của Trung Quốc v.v…đến tất cả 193 quốc gia thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Khỏi phải nói Trung Quốc “đổi trắng thay đen”, ngược đời và nực cười đến mức nào khi vu cáo Việt Nam như vậy (!).
Thử hỏi: nếu đã gửi công hàm “phản đối” Việt Nam lên Tổng Thư ký LHQ thì liệu Trung Quốc có chấp thuận để tổ chức này phân xử tranh chấp không? Chắc chắn là không. Sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trước những hành động của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và việc Trung Quốc gửi “thư phản đối” lên Tổng Thư ký LHQ không chỉ để che giấu sự thật đã bị Việt Nam vạch trần trước đó, mà còn là một nỗ lực làm giảm bớt sự phản đối Trung Quốc trong dư luận thế giới. Phải chăng, Trung Quốc gửi thư này là muốn LHQ sẽ “hợp thức hóa” việc họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam? Kháng thư gửi LHQ cho phép người ta hiểu rằng, Trung Quốc sẽ có những bước leo thang mới trên Biển Đông và tìm cách xoa dịu trước những tác động tiêu cực tiềm tàng do hành động của họ gây nên.
(còn nữa)
* Tác giả PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân là Thiếu tướng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (100), tháng 3/2015.