Việt Nam điều tra chống bán phá giá tôn mạ nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV), Tập đoàn Hoa Sen sẽ được hưởng lợi lớn nhất nếu tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, nhờ thị phần mảng tôn mạ và thép ống chiếm lần lượt 28,4% và 12,4%.

Hoa Sen và 4 doanh nghiệp ngành thép khác đã có đơn yêu cầu yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc từ ngày 11/5/2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hoa Sen và 4 doanh nghiệp ngành thép khác đã có đơn yêu cầu yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc từ ngày 11/5/2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 14/6, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2023. Thời gian điều tra xác định thiệt hại là từ 1/4/2018 đến 31/3/2024.

Nội dung điều tra được Cục Phòng vệ Thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 32 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP. Phạm vi hàng hóa đề nghị điều tra bao gồm các sản phẩm thép mạ (tôn mạ), mã vụ việc AD19.

Cụ thể, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra được mô tả là một số sản phẩm thép carbon cán phẳng ở dạng cuộn và không phải dạng cuộn, chứa hàm lượng carbon dưới 0,60% tính theo khối lượng, có tráng, mạ hay phủ kim loại chống ăn mòn như kẽm hoặc nhôm, hoặc các hợp kim gốc sắt theo tất cả các phương pháp phủ kẽm hợp kim gốc sắt, bất kể độ dày và chiều rộng.

Các doanh nghiệp yêu cầu đã cung cấp được các cơ sở hợp lý để chứng minh về hành vi bán phá giá của hàng hoá được đề nghị điều tra và cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc ở mức 69,23% và từ Hàn Quốc ở mức 3,41%.

thép tôn mạ.png
Nguồn: Báo cáo của Chứng khoán KB.

Trước đó, ngày 11/5/2023, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên yêu cầu gồm 5 công ty là Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Ngày 19/4/2024, cơ quan điều tra nhận được hồ sơ hoàn thiện của các doanh nghiệp, trong đó bổ sung đầy đủ các thông tin theo yêu cầu. Căn cứ quy định của Hiệp định chống bán phá giá của WTO, ngày ngày 6/5/2024, cơ quan điều tra đã có thư gửi tới Trung Quốc và Hàn Quốc thông báo về việc nhận được hồ sơ yêu cầu đầy đủ, hợp lệ.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, cơ quan điều tra tiến hành thẩm định, có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ một số thông tin, nội dung về phạm vi sản phẩm, căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

mã.png
Mã các sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc bị điều tra chống bán phá giá.

Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Mã vụ việc ER01.AD02.

Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. Đến năm 2023, các doanh nghiệp thép tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại khởi xướng điều tra lại vụ việc AD02.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán KB (KBSV), Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) - doanh nghiệp hàng đầu ngành thép này sẽ được hưởng lợi lớn nhất nếu tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá (AD02). Chứng khoán KB cho rằng, điều này có được nhờ vào thị phần số 1 và số 2 trong mảng tôn mạ và thép ống mà Hoa Sen đang nắm giữ, chiếm lần lượt 28,4% và 12,4%.