Loạt 'đại gia' thép bị ngân hàng rao bán nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép bị ngân hàng rao bán nợ trong thời gian gần đây, trong đó có cả doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Ngân hàng Agribank vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá xấp xỉ 361 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy (một doanh nghiệp có cùng hệ sinh thái với Thép KDG).

Giá trị sổ sách của hai khoản nợ tính đến 31/3 là 360,904 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 250,480 tỷ đồng, nợ lãi 110,424 tỷ đồng. Khoản nợ của Thép KDG có giá trị ghi sổ tạm tính là 182,595 tỷ đồng, khoản nợ của Khang Duy tạm tính đến 31/3 là 178,308 tỷ đồng.

Các khoản nợ được hai doanh nghiệp vay tại Agribank Chi nhánh An Phú trong giai đoạn 2018-2020. Trong lần thông báo đấu giá đầu tiên, Agribank mong muốn thu về bằng đúng giá trị của khoản nợ tại ngày 31/3.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép KDG gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và máy móc thiết bị của nhà xưởng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khang Duy gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư Nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô.

Hai doanh nghiệp trên đăng ký trụ sở tại Bình Dương và TP.HCM, cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang và các cấu kiện kim loại.

Ngoài ra, Agribank đang chào bán khoản nợ của một doanh nghiệp trong ngành thép là CTCP Thép Nguyên Phát (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Khoản nợ phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng từ năm 2012. Giá trị khoản nợ tính đến tháng 1/2024 là 2,769 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 1,607 tỷ đồng. Ngân hàng không tiết lộ thông tin về tài sản đảm bảo của khoản nợ, giá khởi điểm là 1,820 tỷ đồng.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp thép khác cũng bị các ngân hàng rao bán tài sản để thu hồi nợ xấu. Trong đó, BIDV đã có trên 20 lần rao bán khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật. Khoản nợ của Thép Việt Nhật lên tới 447 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 194 tỷ đồng. Sau nhiều lần hạ giá, mức giá khởi điểm của khoản nợ này chỉ còn hơn 80 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên gồm bất động sản, xe ô tô các loại như Toyota Camry GLI, xe Mercedes E240, Toyota Hiace và dây chuyền sản xuất thép.

Còn Ngân hàng VietinBank cũng đã nhiều lần rao bán khoản nợ trị giá 183 tỷ đồng (nợ gốc 132 tỷ đồng) của CTCP Thép Úc SSE và khoản nợ 306 tỷ đồng (nợ gốc 267 tỷ đồng) của CTCP Thép Nam Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều do ông Lâm Văn Hùng làm Tổng Giám đốc. Giá khởi điểm của hai khoản nợ chỉ tương đương với dư nợ gốc của từng khoản nợ.