Việt Nam chuẩn bị phòng vệ biển đảo và chiến thắng

VietTimes -- Tại biển Đông, Việt Nam là mục tiêu số một của lòng tham bá quyền. Việt Nam chọn chiến lược của kẻ yếu đối với kẻ mạnh. Trong thế trận này, Việt Nam biết mình biết người và chuẩn bị “cơ bắp” để có thể trả đòn và chiến thắng, nếu như bị tấn công như trường hợp năm 1979, Le Figaro nhận xét.
Lực lượng đổ bộ đường không quân đội Việt Nam
Lực lượng đổ bộ đường không quân đội Việt Nam

Người đưa ra nhận định trên là nhà phân tích địa chính trị Pháp Renaud Girard trên báo Pháp Le Figaro. Ông Girard phân tích, trong khi mối đe dọa hòa bình, theo giới chuyên gia địa chính trị, phải xuất phát từ vòng cung khủng hoảng Hồi giáo từ Maroc đến Pakistan, thì mầm chiến tranh lại đến từ châu Á trù phú. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thấy bên trên “công xưởng thế giới” là đám mây mù chiến tranh.

Tổng thống Mỹ hiểu rõ nguy cơ này và đã đi công du Việt Nam và Nhật Bản từ 21 đến 28/5. Tại Hà Nội, ông thông báo bỏ cấm bán vũ khí cho Việt Nam, trong khi lệnh cấm này vẫn còn hiệu lực với Trung Quốc. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, 78% người Việt mến mộ nước Mỹ. Bởi vì chính sách bá quyền của Trung Quốc làm Việt Nam hết sức lo ngại.

Theo Le Fagaro, hành động xâm lấn biển đảo của Bắc Kinh làm cho khu vực và thế giới cực kỳ quan ngại, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ có thể làm cho giới lãnh đạo nước này,  có thể vì muốn củng cố quyền lực bên trong, sẽ sử dụng chiến thuật đánh lạc hướng dư luận trong nước bằng hành động hung hăng ở bên ngoài.

Tờ báo Pháp nhận định, trong tình thế căng thẳng hiện nay, Mỹ được Việt Nam xem là một đồng minh tự nhiên. Hà Nội biết rằng Washington không tìm cơ hội gây chiến với Việt Nam, trong khi không có gì bảo đảm là Trung Quốc không gây sự với Việt Nam một lần nữa như đã từng xảy ra năm 1979, Le Figaro nhận định.

Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam tuần tra tại quần đảo Trường Sa
Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam tuần tra tại quần đảo Trường Sa

Thái độ thực tế của tổng thống Mỹ đã xóa tan những lời chỉ trích là ông không có chính sách ngoại giao. Đúng là ông đã làm ngơ trước những khó khăn kinh tế của châu Âu. Đúng là ông thất bại trong các hồ sơ Ả rập. Nhưng tổng thống Mỹ đã gặt hái thành công trong ba hồ sơ quốc tế khác, bao gồm hoà giải giữa Bắc Mỹ với châu Mỹ la tinh, giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và kéo cường quốc vùng Trung Đông vào bàn cờ khu vực.

Và quan trọng là ông Obama đã thành công đưa nước Mỹ vào vai trò chủ động tại châu Á. Tổng thống Obama biết phối hợp cương nhu với Trung Quốc. Đối với quần đảo Senkaku/Điếu ngư, tổng thống Mỹ tuyên bố bảo vệ đồng minh Nhật Bản. Ông cũng tỏ thái độ rõ ràng khi tuyên bố hãy để cho Toà án Trọng tài La Haye phân xử vụ kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Le Figaro đánh giá, các nước châu Á hiện nay đang tìm sự trợ giúp của Mỹ. Washington đã thật sự lãnh đạo một liên minh bán chính thức chống Trung Quốc gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore, Đài Loan, Philippines, Úc (mới mua 12 chiếc tàu ngầm của Pháp), New Zealand…

Theo báo Pháp, Việt Nam là cột trụ trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Tại biển Đông giàu tài nguyên, Việt Nam là mục tiêu số một của lòng tham bá quyền. Ở thế yếu, Việt Nam chọn chiến lược của kẻ yếu đối phó với kẻ mạnh. Trong lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam dựa vào hai cường quốc là Nga và Mỹ. Le Figaro cho rằng Hà Nội dựa vào Nga để “giảm nhiệt” Trung Quốc, vì Matxcơva hiện nay quan hệ gần gũi với Bắc Kinh. Hải quân Việt Nam cũng bắt đầu tập luyện chung với Mỹ. Về quân sự Việt Nam tăng cường vũ trang, nhập khẩu vũ khí tăng 700% chỉ trong vòng 4 năm từ 2011 đến 2015.

Trong thế trận này, Việt Nam biết mình biết người và chuẩn bị “cơ bắp” để có thể trả đòn và chiến thắng, nếu như bị tấn công như trường hợp năm 1979, Le Figaro kết luận.