Theo Cimsec (Trung tâm Quốc tế về An ninh Hàng hải Mỹ) ngày 23/5, chuyến thăm Cam Ranh của tàu hải quân Singapore không có gì ngạc nhiên bởi ASEAN vẫn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khối này làm việc miệt mài nhằm chống lại những hành động của Trung Quốc hòng chia rẽ ASEAN, đặc biệt trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế sắp ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam và Singapore đã cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ và đã đề cập các cuộc tập trận song phương và đa phương.
Ngay sau đó, tàu hải quân Việt Nam và các binh sĩ đặc công đã tham gia vào một cuộc diễn tập chống khủng bố và cướp biển khu vực cùng với Singapore, Brunei, Thái Lan và Indonesia. Điều thú vị theo Cimsec là Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa HQ-381 lớp BPS-500 tham gia chứ không phải chiến hạm Gepard .
Tàu HQ-318 là tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ lần đầu tiên được đóng nội địa tại Việt Nam vào năm 1999 và sau đó đã được nâng cấp năm 2014. Việt Nam cũng đã tăng cường tham gia các cuộc diễn tập đa phương, bao gồm điều tàu bệnh viện 561 tham dự cuộc tập trận hải quân Komodo 2016 tại Indonesia hồi tháng 4/2016. Việt Nam đã mở rộng hợp tác hàng hải với nhiều đối tác hoàn toàn mới.
Chuyến thăm của chiến hạm Pháp đã đánh dấu sự trở lại của Pháp như một tay chơi trong nền an ninh châu Á, với thỏa thuận trên nguyên tắc cung cấp cho Úc 12 tàu ngầm Barracuda, đánh bại tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.
Nhưng điều quan trọng theo Cimsec, chính là sự hiện diện của chiến hạm lớn nhất của hải quân Pháp cũng gợi nhắc khả năng tiềm tàng những thương vụ mua sắm quốc phòng với Việt Nam. Hà Nội bóng gió rằng muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga đối với các vũ khí tối tân. Việt Nam đã sẵn sàng mua cács chiến đấu cơ của tập đoàn Airbus do Pháp lãnh đạo.
Theo thông tin từ SIPRI, Việt Nam đã mua các tên lửa chống hạm Exocet và tên lửa phòng không MICA của Pháp để trang bị cho các chiến hạm SIGMA-9814 mua của Hà Lan. Cũng có thông tin về việc thương vụ này dường như đã bị đình hoãn và do đó số phận về các tên lửa Pháp chưa rõ ràng. Hãng Reuters cũng đưa tin quân đội Việt Nam hiện đang đàm phán với tập đoàn Dassault về các chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale như giải pháp thay thế cho đội máy bay tiêm kích MiG-21 đã loại biên.
Tuy nhiên, quan hệ với Nhật Bản mới hứa hẹn tiềm năng lớn nhất. Hiện nay Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức được 6 cuộc đối thoại chiến lược cấp cao, tàu hải quân Nhật đã 9 lần cập cảng Việt Nam, chủ yếu diễn ra trong vòng 5 năm gần đây. Mặc dù Nhật chưa bán vũ khí cho Việt Nam , nhưng năm 2014 Tokyo đã cam kết cung cấp 6 tàu tuần tra hàng hải và chiếc cuối cùng đã được bàn giao cho Việt Nam tháng 11/2015.
Khả năng tăng cường sâu rộng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ở đây rất rõ ràng. Một cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao hồi đầu tháng 5/2016 đã kêu gọi thắt chặt quan hệ quốc phòng cũng như cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam. Trong khi Nhật Bản đánh mất hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc, Tokyo vẫn cần một thương vụ bán vũ khí lớn nhằm đột phá vào thị trường công nghiệp vũ khí toàn cầu. Tuy rằng các thiết bị của Nhật Bản rất đắt đỏ và công nghệ không được chuyển giao, quan hệ quốc phòng, bao gồm các chiến dịch diễn tập gần đây lại đang gia tăng nhanh chóng.
Cả hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đã kêu gọi một hệ thống dựa trên luật pháp ở Biển Đông. Mỗi nước đều tăng cường các hoạt động của mình ở Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có những nỗ lực hiệu quả ở Biển Đông.
Và trong khi nhiều nước kêu gọi Nhật Bản tham gia tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với Mỹ, điều này khó có khả năng diễn ra đơn giản vì Trung Quốc có thể leo thang các hoạt động tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Chỉ riêng phi đoàn phụ trách khu vực tây nam Nhật Bản chặn đuổi máy bay Trung Quốc đã chiếm hơn 50% số vụ chặn máy bay nước ngoài xâm nhập. Trong năm 2015, máy bay Nhật đã xuất kích 571 lần chặn máy bay Trung Quốc, tăng 23% so với năm 2014.
Theo Cimsec, mặc dù Việt Nam tăng cường cải thiện và hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác quốc phòng mới, quan hệ song phương với Nga vẫn mạnh mẽ nhất. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nga, nơi ông nhắc lại rằng Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào Nga trong rất nhiều các loại vũ khí cũng như huấn luyện hiện đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chọn Nga là nước đầu tiên tới thăm hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, trước chuyến thăm Việt Nam của ông Obama.
Chiến hạm Gepard thứ 3 và thứ 4 Nga đóng cho Việt Nam mới được hạ thủy gần đây, trong khi có thông tin Việt Nam và Nga đang thỏa thuận đóng thêm hai chiếc nữa, nâng tổng số chiến hạm tàng hình Gepard lên 6 chiếc. Việt Nam cũng đang tự đóng tàu tên lửa tấn công nhanh Molnyia theo giấy phép của Nga.
5 trong 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga đã được bàn giao, và Nga cũng giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm tại Cam Ranh như một phần thỏa thuận hợp đồng. Việt Nam gần đây đã di dời nhà máy đóng tàu Ba Son tới địa điểm mới, tăng cường năng lực đóng tàu loại 2.000 tấn, cũng cho thấy Việt Nam tăng cường đóng tàu nội địa theo giấy phép của Nga.
Khi Việt Nam dường như có ý định mời Nga trở lại Cam Ranh, điều đó không có nghĩa mở lại căn cứ hải quân của Nga thời chiến tranh lạnh vốn đã bị đóng năm 1991, mà đơn giản chỉ là với tư cách một bên sử dụng thương mại cảng quốc tế Cam Ranh, theo Cimsec.
Tuy nhiên vào năm 1993, Moscow và Hà Nội đã ký một hiệp ước 25 năm, theo đó cho phép Nga tiếp tục sử dụng một cơ sở ở vịnh Cam Ranh để thu thập hạn chế các tin tức tình báo. Gần đây hơn, Nga đã triển khai máy bay tiếp dầu tại Cam Ranh để tiếp liệu cho các máy bay ném bom bay gần căn cứ không quân Mỹ ở Guam. Hơn nữa, vào năm 2014, thủ tục đối với các tàu Nga vào cảng Cam ranh đã được đơn giản hóa: chỉ cần thông báo trước cho chính quyền Việt Nam.
Trong khi Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn cung các loại vũ khí tân tiến, thực tế là vũ khí Nga đã được thử thách qua thực tế, chứng tỏ độ tin cậy cũng như cực kỳ hiệu quả và Việt Nam từ lâu đã tập luyện quen với các loại vũ khí, trang bị Nga.
Quan trọng hơn cả là Nga đã chuyển giao nhiều công nghệ cho Việt Nam, nhờ đó sản xuất hàng loạt tên lửa và tàu chiến theo giấy phép của Nga. Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng cho phép tiếp cận loại tên lửa chống hạm Brahmos phát triển cùng với Nga. Đây thực sự là một mối quan hệ quốc phòng bền vững.
Tuy nhiên, có một chút bất mãn trong tâm lý người Việt Nam với Nga nổi lên, đặc biệt gần đây về sự ủng hộ của Moscow đối với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp Biển Đông và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế. Tháng 4/2016, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được tự giải quyết với nhau và không cố quốc tế hóa vấn đề.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lập tức phản ứng phát biểu của ông Lavrov, tuyên bố rằng tranh chấp nên được giải quyết bởi tất cả các nước liên quan, chứ không chỉ thông qua đàm phán song phương. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch chỉ hai tuần sau sự kiện này, đã không hề có tác động tiêu cực nào tác động tới quan hệ quốc phòng Việt-Nga, Cimsec ghi nhận.
Theo Cimsec, kể từ Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi tháng 1/2016 và cuộc bầu chọn nhân sự vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trước chuyến thăm của ông Obama, Việt Nam đã tiếp tục trung thành chính sách quốc phòng của mình: Nỗ lực thận trọng tăng cường các mối quan hệ quốc phòng với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đồng thời dần dần đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và tham gia các cuộc diễn tập chung.
Trong khi việc đó mang lại nhiều vũ khí, trang bị mới, tạo điều kiện cho đất nước năng lực phòng thủ, Việt Nam cần phát triển một học thuyết tương xứng. Không một ai nên đánh giá thấp ý chí và khả năng của Việt Nam trong hành động tự phòng vệ, Cimsec nhấn mạnh.
* Bài của hai tác giả: giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Hải chiến Mỹ và Nguyen Nhat Anh thuộc khoa Kinh tế chính trị quốc tế Đại học Texas.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu