Tàu ngầm Kilo của quân chủng hải quân Việt Nam |
Ngày 24/5 trong cuộc gặp ở TP Hồ Chí Minh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng việc loại bỏ lệnh cấm vận vốn kéo dài nhiều năm về cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam không nhằm chống Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác và được thúc đẩy bởi trước hết là lợi ích kinh tế.
Nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga, GS-TSKH Vladimir Kolotov Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Đông Á thuộc ĐHTH quốc gia Saint-Peterburg nhận xét: Hủy bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí có ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như trong phát triển an ninh ở Đông Á nói chung. Lệnh cấm vận này ban hành từ 41 năm về trước và là chứng cớ về nỗi bực dọc của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, đã giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước mình.
Đây là điển hình duy nhất của việc thống nhất các quốc gia từng bị chia cách ở Đông Á. Cả Thái Lan, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều không làm được như vậy. Tình hình đã thay đổi. Sức mạnh của Trung Quốc gia tăng, và Washington cố gắng kiềm chế Bắc Kinh. Và bởi đây là hai cường quốc hạt nhân, cuộc đụng đầu trực tiếp giữa hai nước này là không mong muốn, do đó Washington chọn lối chống Bắc Kinh bằng bàn tay của người khác, ông Kolotov nhận định.
Theo ông Kolotov, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mạnh nhất về quân sự, có sức mạnh mà cả người Mỹ, người Nhật và người Trung Quốc đều từng phải nếm trải. Chính sách hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang buộc các nước Đông Nam Á tìm kiếm một đối trọng ở bên ngoài khu vực. Và họ thấy Mỹ đại diện cho sự đối trọng ấy, Mỹ sẽ không chỉ tăng cường hợp tác với Việt Nam, mà còn trên cơ sở đó tạo lập một liên minh rộng lớn hơn.
Kolotov chủ quan cho rằng, có thể người ta đang cố gắng hồi sinh một liên minh đã chấm dứt sự tồn tại vào năm 1975 là khối SEATO. Nếu như thiếu Việt Nam, khối này chẳng có nghĩa lý gì, còn bây giờ ý tưởng đó đã xuất hiện. Mỹ bắt đầu giai đoạn mới của trò chơi địa chính trị, với mục đích trong đó là kiềm chế Trung Quốc bằng bàn tay các nước Đông Nam Á, theo ông Kolotov.
Hiện nay 90% trang bị vũ khí của quân đội Việt Nam là các sản phẩm của Liên Xô và Nga. Nhưng Việt Nam cũng đang bắt đầu đa dạng hóa thị trường vũ khí của mình chẳng mấy chốc tại thị trường sẽ xuất hiện cả vũ khí Mỹ. Ông Vladimir Kolotov nhắc nhở:
Thời Việt Nam còn chia cắt miền Bắc và miền Nam, miền Bắc được trang bị vũ khí của Liên Xô, còn miền Nam dùng vũ khí Mỹ. Tất cả chúng ta đều biết ai là người chiến thắng. Cũng là vũ khí của Mỹ trang bị cho quân miền Nam, vào năm 1974 đã để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc. Trong thế kỷ 20, quân đội Việt Nam dùng vũ khí của Liên Xô đã đánh bại các thế lực quân Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Khmer Đỏ. Ngay cả những khẩu tiểu liên Israel hiện nay được sản xuất tại Việt Nam, cũng là làm theo mẫu súng trường Kalashnikov lừng danh.
Những khả năng độc đáo của vũ khí Nga hiện đại đã chứng tỏ rõ rệt trong chiến dịch ở Syria. Thành tựu chiến dịch đó đã cho thấy những vũ khí này có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực như thế nào. Nga quan tâm đến cân bằng lực lượng, đến hòa bình và ổn định ở Đông Á, và để đạt được như vậy sẽ cung cấp cho Việt Nam loại vũ khí tiên tiến, mạnh và chính xác, giúp đập tan và vô hiệu hóa những mưu toan, tham vọng của các kẻ địch tiềm ẩn.
Ông Kolotov cho rằng, các cường quốc bên ngoài khu vực đang chơi trò chơi của họ, có phương cách riêng của họ để so kè với nhau, và họ hành xử rất tàn nhẫn. Nhưng Việt Nam là một cầu thủ giàu kinh nghiệm trên đấu trường quốc tế. Ban lãnh đạo của Việt Nam tính toán rõ ràng những động thái đối ngoại của mình và đang thi hành những giải pháp có lợi nhất cho đất nước, ông Kolotov kết luận.
Theo Sputnik