Những chú robot đang được phát triển cho Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) sẽ được nghiên cứu thêm để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống tên lửa như Topol-M và Yars – những thành phần chủ chốt trong RVSN.
Thậm chí những chú robot này sẽ được thiết kế để có thể điều khiển phóng tên lửa trong tương lai, nhưng hiện tại các nghiên cứu khoa học đang tập trung phát triển các điều kiện cần thiết để chế tạo một “lính gác thực thụ” bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của quân đội Nga.
Chỉ huy RVSN tướng Sergei Karakayev cho biết hệ thống robot mới có thể cung cấp giải pháp giải quyết nhiều thách thức phức tạp trong tương lai, từ hoạt động do thám các khu vực triển khai đơn vị phòng không cho đến yểm trợ binh lính.
‘Sói hoang” bảo vệ tên lửa
Hiện việc phát triển và thử nghiệm đang được tích cực nghiên cứu trên hệ thống robot tự động “Wolf-2” của RVSN. Được đặt trên tháp canh phía dưới có gắn 2 bánh xích, chú robot này thực sự là một chiến binh đa năng, uy lực, có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu từ việc tuần tra, do thám khu vực được lập trình, cho đến canh giữ bảo vệ các mục tiêu quan trọng và phối hợp yểm trợ tác chiến.
“Răng” của những chú robot Wolf thực chất là những khẩu AK 47 và súng máy hạng nặng Kord và Utes. Thế mạnh chính của Wolf-2 là khả năng có thể vừa nhả đạn và vừa di chuyển đạt vận tốc 32 km/h. Tuy nhiên yếu điểm của chúng là tầm nhìn hạn chế, đặc biệt là không thể sử dụng trong đêm tối.
Bên cạnh đó, robot Wolf được trang bị bộ thu ảnh cảm ứng nhiệt, máy định tầm laser và thiết bị con quay hồi chuyển để có thể phóng hỏa trúng mục tiêu.
Ngoài ra, tướng Karakayev nhấn mạnh không loại trừ khă năng sẽ sử dụng robot từ các đơn vị chiến đấu khác. Như robot Platform-M, với kích thước nhỏ hơn nhưng có thể triển khai các tính năng giống như Wolf-2. Cỗ máy này được trang bị lựu đạn, súng máy Malysh và tham gia chiến đấu mà không cần liên lạc.
Tập trung đầu tư trí thông minh nhân tạo
Tướng Karakayev cho biết hệ thống robot điều khiển thế hệ thứ 4 và thứ 5 mới, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tên lửa và hỗ trợ lực lượng binh sĩ RVSN, trong tương lai, có thể đảm đương nhiệm vụ “truyền lệnh trực tiếp từ cơ sở chỉ huy tới hệ thống phóng, bỏ qua các kết nối trung gian, bao gồm điều kiện hoạt động hạt nhân và tác chiến điện tử”.
Điều này đồng nghĩa với việc khi đối mặt với mối đe dọa trực tiếp (như hệ thống cảnh báo sớm phát hiện đối phương phóng tên lửa), robot có thể tự quyết định thực hiện các cuộc phản công hay không.
Hiện tại, các robot của Nga phục vụ quân sự hoặc quân sự - dân sự) chưa thể đảm đương nhiệm vụ quan trọng như vậy, và phần lớn các hệ thống vẫn đang được điều khiển từ xa. Chính vì vậy, theo ông Karakayev, “trước khi đưa hệ thống robot mới về sử dụng trong các lực lượng vũ trang, cần phải tiến hành các nghiên cứu và thử nghiệm sâu và rộng hơn”.
Xem robot tự động Nga tham gia buổi tập chiến thuật:
Theo TTXVN