Trong 10 năm nữa, khoảng 30% hỏa lực chiến đấu Nga sẽ bao gồm các phương tiện điều khiển từ xa và các robot. Đó là mục tiêu của một chương trình nghiên cứu phát triển đầy tham vọng do quân đội Nga tiến hành và đã được Ủy ban công nghiệp quân sự Nga phê chuẩn.
Lĩnh vực phương tiện bay không người lái và robot chiến đấu của Nga đã cất cánh từ hai năm qua, khi Nga thừa nhận họ đã tụt hậu so với phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực trên. Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp quân sự Nga đã trình làng một loạt các robot chiến đấu, một số đang được phát triển tại Phòng thí nghiệm robot quân sự.
Phòng thí nghiệm này được thành lập năm 2014. Mặc dù một số dự án kết quả còn nằm ở tương lai và trong giai đoạn lý thuyết, nhưng một số khác đã chín muồi và chúng được dành cho những chức năng chuyên biệt như canh gác các khu vực khắc nghiệt xung quanh các căn cứ tên lửa đạn đạo, phá mìn và yểm trợ chiến đấu có thể sẽ sớm đi vào hoạt động. Các đơn vị đặc nhiệm được thành lập trong lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược sẽ vận hành một số các robot chiến đấu. Và các đơn vị robot đầu tiên sẽ tác chiến vào năm 2017-2018.
Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của hệ thống robot là thiết lập các tiêu chuẩn cho các robot trong ứng dụng quân sự. Chúng đòi hỏi các kỹ năng chiến đấu cơ bản, bao gồm di chuyển, điều khiển và phối hợp tác chiến với các binh sĩ. Quân đội Nga sẽ tiếp nhận một số lượng hạn chế các robot chiến đấu để đánh giá vào năm 2016.
Nga đang phát triển nhiều loại robot khác nhau. Có những loại robot cỡ nhỏ có bánh xe cũng như các loại robot mini bánh xích lắp đặt các thiết bị trinh sát có hoặc không mang theo súng máy hoặc tên lửa. Một số loại robot khác cỡ lớn như xe bọc thép chở quân được biến thành xe chiến đấu chiến trường không người lái (UGCV), thích hợp với trang bị các tháp pháo lắp súng và tên lửa điều khiển từ xa có nhiệm vụ dọn đường cho xe chở quân theo sau ở khoảng cách an toàn. Một mẫu robot như vậy là BMP-3, được trang bị tháp pháo lắp pháo 30 mm 2A42 tự động và 4 tên lửa Kornet-EM.
Một số loại robot khác sử dụng các cơ sở và hệ thống vũ khí chuyên biệt. Các robot này thường tác chiến theo cặp, được điều khiển từ phương tiện chỉ huy và kiểm soát. Chúng có thể giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau như quét mìn và phá vật cản, hỗ trợ hỏa lực, trinh sát và rà phá bom tự chế.
Robot chống mìn Uran-6 là một phiên bản Nga của robot quét mìn MV-4 Dok-Ing của Croatia, có khả năng phát hiện, xác định và phá hủy loại mìn lớn tới 60kg TNT. Robot này đi kèm với Uran-14 có nhiệm vụ phá vật cản và và robot hỏa lực. Cả hai loại có thể được kiểm soát từ khoảng cách 1.500m. Hai loại robot trên sẽ được biên chế vào các đơn vị chiến đấu Nga vào năm 2016.
Cuối cùng là mẫu robot Uran-9, một robot chiến đấu bánh xích được trang bị nhiều hệ thống vũ khí. Robot này sử dựng tháp pháo thiết kế đặc biệt mang một pháo tự động 2A72 và một súng máy 7.62mm, 10 tên lửa riêng gồm 4 tên lửa chống tăng dẫn đường 9S120 Ataka và hai hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets MANPADS, mỗi hệ thống lắp 3 quả tên lửa 9K33 Igla.
Một loại robot khác là hệ thống robot tự hành (MARS) có khả năng chở 6 binh sĩ vũ trang đầy đủ hoặc 500kg vũ khí trang bị cho một kíp chiến đấu. Được lắp động cơ diesel 65 mã lực, nó có thể vượt đoạn đường 200km với tốc độ 32 km/giờ không cần tiếp liệu. Robot này được trang bị hệ thống điều khiển tự động bao gồm máy quét laser, radar và các thiết bị tinh vi khác.
Được phát triển từ năm 2010, robot A800 có thể tiến cùng một người lính mang thiết bị dẫn đường chủ động. Hệ thống điều khiển tương thích với bộ trang phục người lính tương lai ‘Ratnik’ của Nga. Robot có khả năng quét thực địa để phát hiện các vật cản và xác định đường di chuyển, lập lộ trình hành động. Nó cũng có thể tự động di chuyển theo cách đặc biệt tới một điểm định trước hoặc theo một lộ trình đã được lên kế hoạch, kiểm tra các điểm đặc biệt, tuần tra, quan sát và đánh chiếm mục tiêu.
T.N (theo Defense UD)