VICEM Hà Tiên 1 đã “phù phép” 22.000 tấn clinker phế phẩm thành xi măng ?

Viettimes -- Trong thời gian  từ 26/6/2010 đến 11/11/2013, tại trạm nghiền clinker Thủ Đức của Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (VICEM Hà Tiên 1) có 22.000 tấn clinker bị đóng cục, đông cứng. Tuy nhiên, số clinker phế phẩm này sau đó đã “biến mất”, mà không rõ đã được tiêu hủy, hay đưa về đâu.
Trạm nghiền clinker Thủ Đức của VICEM Hà Tiên 1
Trạm nghiền clinker Thủ Đức của VICEM Hà Tiên 1

Lần theo manh mối của vụ việc, có thông tin VICEM Hà Tiên 1 đã thuê một doanh nghiệp “tái chế” số số clinker phế phẩm này ngay tại Trạm nghiền Thủ Đức, theo cách đập nhỏ và trộn với clinker mới, tăng phụ gia bổ trợ rồi đưa vào máy nghiền để sản xuất thành xi măng đóng nhãn VICEM, đem đi tiêu thụ.

Tìm hiểu tại Công ty Minh Long, ông Đinh Đức Lành - Giám đốc Công ty - xác nhận doanh nghiệp ông chủ yếu xử lý clinker phế phẩm của VICEM Hà Tiên 1 từ trước tới nay.

Tuy nhiên, ông Lành cho biết, Công ty Minh Long cũng không trực tiếp tiến hành tái chế clinker. Mà, Công ty Minh Long chỉ ký hợp đồng nhận tái chế với VICEM Hà Tiên 1, sau đó ký tiếp hợp đồng giao lại cho ông Nguyễn Thanh Liêm xử lý tái chế.

Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Thanh Liêm “khoe” là người chuyên xử lý các vấn đề có liên quan đến vấn đề clinker phế phẩm cho VICEM Hà Tiên 1 - một trong số công ty xi măng lớn nhất ở khu vực phía Nam.

“Tôi đã hợp tác, làm việc chung với ông Lành từ 7, 8 năm nay. Tôi là người chuyên đi thực hiện các công việc, còn ông Lành là người xuất hóa đơn, ký tên trên hợp đồng, do ông Lành có tư cách pháp nhân là công ty” – ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Ngoài ra, ông Liêm còn ký một số hợp đồng hợp đồng nhận tái chế clinker phế phẩm với Hợp tác xã dịch vụ vận tải Liên Minh, mà nguồn gốc clinker cũng từ VICEM Hà Tiên 1.

Giá cả phá dỡ, đập nhỏ clinker phế phẩm được ông Liêm, ông Lành ký dao động trong khoảng từ 65.000 - 75.000 đồng/m3, tùy theo mức độ hư hỏng của clinker. Toàn bộ máy móc, nhân công thực hiện đều được ông Liêm chuẩn bị, việc thanh toán công tái chế theo khối lượng được nghiệm thu.

Đáng lưu ý, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Liên Minh do ông Trần Việt Vũ làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Ông Trần Việt Vũ là anh ông Trần Việt Thắng - Tổng Giám đốc VICEM Hà Tiên 1 từ 26/6/2010 đến 11/11/2013, giai đoạn xảy ra tình trạng hư hỏng clinker lên tới 22.000 tấn, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty này.

Theo một chuyên gia trong ngành xây dựng tại TP.HCM, về nguyên tắc việc tái chế clinker là không được phép thực hiện trong ngành sản xuất xi măng. “Chất lượng sản phẩm xi măng đương nhiên sẽ giảm sút nếu dùng clinker phế phẩm được tái chế bằng chất phụ gia bổ trợ” – ông này nói

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàn Cầu – Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Clinker để ở các bãi ngoài trời chỉ 2-3 tháng rồi đưa vào sử dụng, còn nếu để hàng năm trời thì chất lượng sẽ kém. Thí dụ, xi măng đạt tiêu chuẩn có cường độ 30 N/mm2, 40 N/mm2, 50 N/mm2, thậm chí một số loại xi măng đặc biệt thì cường độ lên tới 60 N/mm2. Nếu clinker kém chất lượng đưa vào sản xuất xi măng mà lại trộn với tỷ lệ lớn thì cường độ có thể chỉ đạt 20 N/mm2”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàn Cầu, xi măng đã kém chất lượng thì dứt khoát không được đưa vào sử dụng ở các công trình xây dựng, “chất lượng xi măng có đảm bảo hay không trong trường hợp này phụ thuộc vào việc clinker đã để quá lâu như vậy được trộn với tỷ lệ bao nhiêu ? Nếu sử dụng với tỷ lệ lớn thì chất lượng không đảm bảo và sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình”.

Như vậy là, do nguyên nhân bảo quản không tốt, VICEM Hà Tiên 1 đã làm hỏng một khối lượng clinker để sản xuất xi măng trị giá cả chục tỷ đồng. Và để cứu vãn thiệt hại do clinker thành phế phẩm, công ty này lại bỏ thêm không ít tiền thuê tái chế. Nhưng lại không công bố rõ ràng thông tin xi măng thành phẩm có sử dụng nguyên liệu clinker tái chế.

Trong giai đoạn 2008 -2012, Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM) đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên bán “chịu” clinker cho VICEM Hà Tiên, với giá quanh quẩn ngưỡng 525.000 đồng/tấn, mức giá thấp hơn cả giá thành sản xuất thời điểm đó.

Nhưng điều lạ lùng là, dù đã được mua clinker dưới giá thành sản xuất, thì không hiểu kinh doanh bằng cách nào mà VICEM Hà Tiên lại… vẫn lỗ. Theo giải thích của doanh nghiệp này, việc lỗ có nguyên nhân từ thị trường xây dựng sụt giảm kéo theo lượng tiêu thụ clinker, xi măng của công ty giảm theo.

Áp lực thoát hàng nhanh cắt lỗ đã khiến VICEM Hà Tiên phải bán tháo lượng clinker và xi măng này với giá bèo, dưới giá thành mua chịu của các thành viên VICEM.

Sau nhiều năm, tổng số nợ của Xi măng Hà Tiên với các chủ nợ là thành viên của VICEM đã lên tới 1.261 tỷ đồng. Số nợ này sau đó đã được VICEM “giải” bằng phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ VICEM Hà Tiên đúng bằng tổng số nợ. VICEM đã mua lại toàn bộ cổ phiếu tăng thêm vốn điều lệ này của VICEM Hà Tiên.

Tuy nhiên, với vụ việc vừa nêu trên, có vẻ như không phải toàn bộ lượng clinker đã được bán rẻ. Mà vẫn còn lượng không nhỏ clinker phế phẩm đã được tái chế và bán ra thị trường với thường hiệu của VICEM