Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi giới lãnh đạo Ukraine điều tra gia đình của ứng viên Tổng thống hàng đầu phe Dân chủ, Joe Biden, dường như đã kéo một đất nước vẫn đang có chiến sự như Ukraine vào tầm ngắm trong bàn cờ chính trị nước Mỹ. Một lần nữa, những diễn biến xảy ra ở Kiev lại mở ra nhiều vận hội chính trị cho các đảng phái ở nước Mỹ. Và cũng một lần nữa, người dân Ukraine lại tự hỏi lòng rằng, tại sao họ lại đang bị kéo vào chiến trận giữa ông Trump và các đối thủ chính trị của ông?
Các diễn biến xảy ra ở Ukraine – như cuộc đối đầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga hay giữa các thế lực Đông, Tây – luôn gây ảnh hưởng nhất định tới Washington dưới thời chính quyền Trump.
Cần nhớ rằng Kiev từng đóng vai trò lớn trong vụ bê bối đã khiến ông Paul Manafort bị sa thải. Vị giám đốc quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump đã nhận hàng triệu USD tiền cố vấn cho Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trước khi ông này bị lật đổ trong các cuộc biểu tình năm 2014. Một cuốn sổ ghi chép chi tiết về các khoản chi của chính phủ Ukraine cho ông Manafort đã xuất hiện vào tháng 8/2016, khiến ông này phải từ chức giám đốc chiến dịch, phải hầu tòa và sau đó bị kết án 7 năm tù vì các cáo buộc gian lận thuế và lừa đao ngân hàng.
Vài năm trước khi ông Yanukovych bị lật đổ, tức trong lúc mà ông Manafort đang giúp khách hàng người Ukraine của ông đạt được sự thành công chính trị nhất định, có một số người đã theo dõi hoạt động của ông. Dù Ukraine nghèo hơn so với người láng giềng Nga, nhưng cũng có đủ tiền mặt để giúp những người muốn đấu đá chính trị có cuộc sống sung túc.
“Ở Ukraine, nhiều người có rất nhiều tiền, nhiều người có tai tiếng và muốn xóa bỏ nó, và nhiều người muốn cải thiện mối quan hệ giữa họ với phương Tây” – Anders Aslund, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nói – “Ukraine được xem là cởi mở hơn Nga. Và khi bạn cởi mở, bạn cũng tiếp nhận thêm những kẻ tội phạm đến từ Mỹ”.
Giới phân tích cùng các nhà hoạch định chính sách nói rằng, Ukraine luôn nhận được sự chú ý bởi nước này luôn có một nguồn tiền mặt bất thường đổ vào (nhờ là mắt xích quan trọng trong tuyến đường vận chuyển khí đốt của Nga), một lịch sử về vấn nạn tham nhũng và các kỳ bầu cử cạnh tranh khốc liệt. Những người Mỹ như ông Manafort và luật sư riêng của ông Trump, Rudolf W. Giuliani, bởi vậy luôn tìm thấy rất nhiều khách hàng sẵn sàng chi tiền ở Ukraine, nơi mà người ta nghĩ rằng sự thông thái chính trị đến từ nước Mỹ sẽ mang lại hiệu quả cho họ.
“Ở Ukraine, chính trị là thứ đen tối nhưng vẫn đầy tính cạnh tranh” – Andrew Wilson, chuyên gia nghiên cứu chính sách thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho hay – “Thế nên tất cả các phe phái đều phải tự trang bị cho mình một số kỹ năng nhất định”.
Tổng thống Trump cùng đội ngũ của ông đang ra đòn nhằm vào ứng viên phe Dân chủ Joe Biden (Ảnh: NY Times)
|
Ở Ukraine, ông Manafort bị công chúng xem như người có quan hệ sâu sắc tới vấn nạn tham nhũng dưới thời Tổng thống Yanukovych. Khi cuốn “sổ đen” ghi lại các khoản chi cho ông Manafort xuất hiện năm 2016, các nhà ngoại giao ở Kiev đã chỉ ra rằng, cuốn “sổ đen” này xuất hiện là do sự phẫn nộ của người dân Ukraine trước sự can thiệp của ông Manafort vào hệ thống chính trị nước họ.
Tổng thống Trump thì ít được ủng hộ bởi Kiev do ông ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng rất ít người tin vào giả thuyết Ukraine công bố “sổ đen” trên nhằm gây tổn hại chiến dịch tranh cử của ông Trump bởi vào thời điểm bấy giờ không ai tin rằng ông Trump lại đắc cử.
Nhưng tại Washington, những người ủng hộ ông Trump lại nghĩ rất khác, họ cho rằng đó là một âm mưu của chính phủ Ukraine nhằm can thiệp vào chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.
Ông Giuliani – người sở hữu một công ty tư vấn có nhiều khách hàng chính trị tiềm năng ở Ukraine – tin rằng cựu nghị sỹ Ukraine Serhiu Leshchenko là người đã tung ra cuốn “sổ đen” khiến ông Manafort bị hạ bệ. Trong một lần xuất hiện trên kênh Fox News hồi tháng 5 năm nay, ông Giuliani liệt tên ông Leshchenko như một người nằm trong nhóm “những kẻ thù của Tổng thống, và trong một số trường hợp là kẻ thù của nước Mỹ”, và cũng là người thân cận với Tổng thống mới của Ukraine là ông Volodymyr Zelensky.
Ông Leshchenko thì nói rằng hành động của ông đã bị xuyên tạc.
“Thay vì tung hô tôi bởi tôi đã tống một kẻ tội phạm vào tù – đó là ông Manafort, người bị các thẩm phán và bồi thẩm đoàn Mỹ tuyên có tội – thì họ lại quay say công kích tôi” – ông Leshchenko nói.
Ông Leshchenko từng là cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Zelensky. Nhưng ông nói rằng, đòn công kích của ông Giuliani đã buộc ông phải rời khỏi đội ngũ tranh cử của lãnh đạo Ukraine để tránh gây tổn hại tới mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ. Trong một bài bình luận mà tờ Washington Post đăng tải hồi cuối tuần trước, ông Leshchenko còn đề nghị được điều trần trước Quốc hội.
Hunter Biden – con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: VanityFair)
|
Dù cho thời kỳ của Tổng thống Yanukovych chấm dứt đã quét sạch các vị cố vấn chính trị người Mỹ như ông Manafort khỏi Ukraine, nhưng bê bối liên quan tới những cá nhân có quan hệ mật thiết với Washington vẫn trỗi dậy.
Một công ty năng lượng ở Ukraine có tên Burisma đã thuê về làm việc một số nhân vật có liên hệ với đảng Dân chủ của Mỹ, trong đó có ông Hunter Biden – con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người hiện đang là ứng viên Tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ. Ông Hunter Biden còn lọt vào ban giám đốc của công ty này vào năm 2014.
Vào thời điểm đó, ông Joe Biden là Phó Tổng thống Mỹ và cũng là người dẫn dắt chính quyền Obama đưa ra phản ứng của nước Mỹ trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo New York Times, ông Hunter Biden không trực tiếp ủng hộ giới chính trị gia ở Ukraine. Ông được nhận mức lương 50.000 USD/tháng cho công việc trong ban lãnh đạo công ty Burisma, khiến cho nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cảm thấy khó chịu, bởi khả năng xảy ra xung đột lợi ích. Bản thân ông Joe Biden khẳng định ông chưa từng nói chuyện với con trai mình về công việc ở Burisma.
Giới công tố Ukraine bắt đầu mở cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động trái phép ở công ty Burisma vào năm 2014, trong đó có cáo buộc rửa tiền và lạm quyền nhằm vào chủ công ty là Mykola Zlochevsky. Cả ông Zlochevsky và Burisma đều bác bỏ mọi cáo buộc. Một số cáo buộc – như trốn thuế - được dàn xếp bằng hình thức phạt tiền, trong khi các cáo buộc khác không đi đến tuyên án.
Giới công tố Ukraine nói rằng họ không có đủ bằng chứng cho thấy ông Hunter Biden có hành động phi pháp. Thế nhưng, ông Trump và ông Giuliani vẫn tìm cách công khai các thỏa thuận làm ăn ngầm của ông Hunter Biden tại Ukraine trước công chúng.
Tờ Washington Post mới đây đưa tin, một quan chức tình báo đã công khai một thông tin mật trong đó nói về cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa ông Trump và ông Zelensky. Trong cuộc điện đàm đó, ông Trump yêu cầu ông Zelensky mở cuộc điều tra nhằm vào ông Hunter Biden.
“Cuộc điện đàm tôi thực hiện lúc đó phần lớn là điều đáng hoan nghênh, là về nạn tham nhũng, là về thực tế rằng chúng ta không muốn người của chúng ta, như Phó Tổng thống Biden và con trai ông ta, gây ra tình trạng tham nhũng ở Ukraine” – ông Trump nói trước báo giới.
Hiện giờ thì ông Hunter Biden không còn trong danh sách được trả lương của công ty Burisma. Dưới thời Trump, một loạt những nhân vật mới được nhận các hợp đồng béo bở ở Ukraine, thay vì lớp người cũ. Và một trong những số đó lại chính là ông Giuliani. Các khách hàng ở Ukraine của vị luật sư này có cả Thị trưởng thành phố Kharkiv, Gennady Kernes, từng là một đồng minh của Tổng thống Yanukovych.
Theo Washington Post