Ngày 12 tháng 2, Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 về biển Nhật Bản. Vụ phóng này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn với Bắc Triều Tiên, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.
Vụ phóng tên lửa này thực ra là một phản ứng của Triều Tiên đối với Mỹ và đồng minh khu vực Đông Bắc Á, khẳng định Triều Tiên có đủ khả năng quân sự để gây thiệt hại cho đối phương, cho thấy Triều Tiên không khuất phục trước bất cứ sức ép nào từ bên ngoài.
Đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thề sẽ ngăn chặn Bắc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ.
Mặc dù vậy, sau vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phản ứng rất kiềm chế, được tờ Thời báo New York Mỹ cho là một "bất ngờ".
Trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê phán Triều Tiên phóng thử tên lửa là điều "tuyệt đối không thể chấp nhận".
Trong khi đó, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nói: "Tôi hy vọng mỗi người đều hiểu và biết đầy đủ rằng, Mỹ 100% ủng hộ đồng minh vĩ đại Nhật Bản".
Trong tuyên bố 23 chữ này của ông Donald Trump chỉ cho thấy Mỹ cam kết ủng hộ Tokyo, nhưng lại không hề đề cập một chữ nào đến tên của Bắc Triều Tiên. Điều này khác hẳn với phản ứng trước đó của ông Donald Trump đối với việc Iran phóng thử tên lửa.
Jefferey Baader, người từng làm cố vấn vấn đề châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, chính quyền Donald Trump vẫn chưa có chiến lược xác định, vì vậy ông Donald Trump tốt nhất là giữ im lặng, cho dù có ngoài dự đoán của mọi người.
So với sự lên án mạnh mẽ của hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, phản ứng của ông Donald Trump đã gây bất ngờ và đi ngược lại lẽ thường. Điều này gây suy đoán về lý do ông Donald Trump lựa chọn cách không trực tiếp tiến hành lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Có chuyên gia cho rằng, sự kiềm chế này có thể nhằm giữ tất cả mọi phương án lựa chọn về chính sách đối với Triều Tiên của ông, bao gồm cả đối thoại.
Chuyên gia K. Coase từ Công ty CNA Mỹ cho rằng: "Ông Donald Trump đã làm việc đúng đắn. Làm theo dư luận điển hình ở Mỹ là điều dễ dàng. Nhưng, làm như vậy sẽ làm mất đi khả năng lựa chọn. Hiện nay, Tân Chính phủ Mỹ có quyền chủ động trong quan hệ với Bắc Triều Tiên, bởi vì Bình Nhưỡng không biết ông Donald Trump sẽ làm gì".
Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Stephen Miller ngày 12 tháng 2 cho rằng, phản ứng của ông Donald Trump với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là không đáng ngạc nhiên. Mỹ cần tránh để sự thù địch của Bắc Triều Tiên tiếp tục tăng lên. Mỹ cũng thúc giục Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn hơn để ngăn chặn các hành vi của Triều Tiên.
Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ xác nhận, vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên không tạo ra mối đe dọa cho Bắc Mỹ.
Thông cáo báo chí của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cho biết: "Toàn bộ nhân viên của Bộ Tư lệnh chiến lược, Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Mỹ, Bộ Tư lệnh phương bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ vẫn giữ cảnh giác với sự khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để bảo vệ an ninh".