Vì sao Nga bất ngờ “nhe mọi nanh vuốt”?

Gần như mọi đơn vị, từ lực lượng nhảy dù đến lực lượng chống tàu ngầm, đều được Nga tung ra để phô diễn sức mạnh. Vì sao Nga lại bất ngờ "nhe mọi nanh vuốt" ra như vậy?
Vì sao Nga bất ngờ “nhe mọi nanh vuốt”?

Màn phô diễn sức mạnh chưa từng có của Moscow được cho là nhằm nhiều mục đích, không chỉ để đáp trả việc NATO rầm rộ “dương oai diễu võ” ngay sát nách Nga mà còn để răn đe phương Tây về ý định tung thêm đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Máy bay ném bom chiến lược được triển khai đến bán đảo Crimea, tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander được tung vào Kaliningrad, và những cuộc tập trận chưa từng có ở vùng viễn bắc của Nga: Gần như tất cả các đơn vị, từ lực lượng nhảy dù đến lực lượng chống tàu ngầm, dường như đều được tung ra để phô diễn sức mạnh trong sự kiện mà Bộ Quốc phòng Nga gọi là “cuộc tập trận đột xuất” để thử thách khả năng sẵn sàng đối phó, đương đầu với một loạt “thách thức mới”.
 
Điện Kremlin nhấn mạnh, sự huy động lực lượng của họ - lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đơn giản chỉ là một cuộc kiểm tra nội bộ nhằm đảo bảo rằng chương trình tái vũ trang kéo dài suốt thời gian qua của Nga đang đem lại kết quả. Thậm chí đang trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cắt giảm lớn chi tiêu ngân sách của chính phủ, ngân sách dành cho quân đội Nga dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở mức 30% trong năm nay.
 
Tuy nhiên, một số lãnh đạo Châu Âu tin rằng, màn phô diễn sức mạnh rầm rộ chưa từng có đợt này của Nga có thể là nhằm để doạ dẫm họ khi các nước thành viên Liên minh Châu Âu đang bàn việc liệu có nên mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cái mà họ miêu tả là sự can dự của Nga vào cuộc nội chiến ở Ukraine.
 
“Tôi chắc chắn là Nga đang tung ra những động thái đó... nhằm để gây ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định của Hội đồng Châu Âu”, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz đã nói như vậy với báo giới.  
 
Một số chuyên gia cho rằng, thông điệp chính trị chắc chắn là một phần của màn phô diễn sức mạnh hoành tráng của Nga. Tuần này, Nga đang ăn mừng lễ kỷ niệm 1 năm ngày bán đảo  Crimea xinh đẹp sáp nhập vào nước này và Moscow đang thể hiện một lập trường thách thức rằng không có gì có thể làm thay đổi thực tế là Crimea đã trở thành một phần của Nga.  
 
Nga đáp trả các cuộc tập trận của NATO
 
Ngoài những lý do trên, đợt phô trương sức mạnh hoành tráng của Nga cũng là nhằm để trả đũa những cuộc tập trận sát nách họ của NATO.
 
Bộ Ngoại giao Nga tuần này đã thể hiện sự “quan ngại” trước số lượng các cuộc tập trận ngày càng gia tăng của NATO ở sát biên giới của nước này.  
 
"Những hành động của NATO dẫn tới việc gây bất ổn cho tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực đông bắc Châu Âu", hãng tin Itar-Tass dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov cho biết.
 
"Giới chức Nga có thể nói rằng những cuộc diễn tập quân sự của chúng tôi không có liên quan gì đến các hành động của NATO nhưng làm sao quân đội của chúng tôi có thể thờ ơ trước tất cả những cuộc tập trận như vậy đang diễn ra ở sát các đường biên giới của mình. Đây là sự thể hiện sức mạnh của cả hai phía”, ông Viktor Litovkin -  biên tập viên lĩnh vực quân sự của hãng tin Itar-Tass, đã nói như vậy.
 
Các hành động của NATO, hầu hết ở những quốc gia thành viên mới của NATO và cũng chính là các nước láng giềng của Nga, cũng diễn ra ở mức chưa từng có, ít nhất là tính từ thời Chiến tranh Lạnh.
 
"NATO đang chủ động, tích cực hơn gấp 10 lần so với quá khứ. Họ tiếp tục đưa ra những tuyên bố đầy hoang tưởng về điều mà họ nghĩ là Nga phải có nhiệm vụ tuân theo” để làm cái cớ cho các hoạt động triển khai ngày càng gia tăng ở miền đông Ukraine, ông Viktor Baranets – một cựu phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga và cũng là một chủ bút của mục quân sự, đã đưa ra nhận định như vậy.  
 
Về phần diện mạo, tính chất mới của quân đội Nga, mọi người nên quen với điều đó, ông Baranets nói. "Quân đội Nga cần phải mạnh và cần phải sẵn sàng cho bất kỳ bước ngoặt nào trong các sự kiện vào bất kỳ thời điểm nào. Vì thế, giống như một vận động viên giỏi, quân đội Nga cần phải tập luyện, rèn rũa hàng ngày”.
 
Vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
 
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Đồng thời, Nga cũng tiến hành những cuộc tập trận rầm rộ để đáp trả loạt cuộc phô trương sức mạnh quân sự của NATO ngay sát nách họ. Ngoài ra, Moscow cũng tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu để phát đi thông điệp cảnh báo với NATO.

Máy bay ném bom