Ngày 10/8, Moody's Investors Service (Moody’s) đã công bố về việc nâng xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ dài hạn và nợ “được ưu tiên trả trước” không có tài sản bảo đảm (long-term issuer and senior unsecured ratings) được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam từ mức B1 lên Ba3, thay đổi triển vọng từ “tích cực” thành “ổn định”.
Mức xếp hạng tín nhiệm Ba3 thể hiện các loại chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu) vẫn còn một số yếu tố đầu cơ nhưng rủi ro tín dụng ở mức ổn định, là sự ghi nhận của hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế cho những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Moody’s cũng nâng xếp hạng trần trái phiếu kỳ hạn dài bằng đồng ngoại tệ (FC) của Việt Nam lên mức Ba1 từ Ba2 và mức trần cho các khoản tiền gửi dài hạn bằng FC từ B2 lên B1. Trái phiếu và các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn bằng đồng FC vẫn được giữ nguyên ở mức “không trong phân loại” (Not Prime). Các khoản trái phiếu bằng đồng nội tệ (VND) vẫn giữ nguyên mức trần ở mức Baa3.
Theo Moody’s, việc nâng hạng lên Ba3 củng cố bởi tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự gia tăng hiệu quả sử dụng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế. Kỳ hạn bình quân của các khoản nợ Chính phủ dài và sự giảm thiểu phụ thuộc vào nợ nước ngoài đã giúp cho gánh nặng nợ công được giữ ổn định, đặc biệt là khi mức độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì.
Cấu trúc nợ Chính phủ (có nhiều khoản vay nợ kỳ hạn dài hơn) sẽ giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực khi xảy ra cú sốc tài chính. Nâng hạng tín nhiệm cũng thể hiện mức độ cải thiện trong sức khỏe của hệ thống ngành Ngân hàng tại Việt Nam, nhân tố mà Moody’s kỳ vọng vẫn sẽ được duy trì mặc dù vẫn đang tiệm cận ở mức yếu.
Trong phần diễn giải, Moody’s đã thể hiện một bức tranh cụ thể hơn.
Moody’s nâng hạng tín nhiệm lên Ba3, thay đổi triển vọng của Việt Nam thành “ổn định”
|
Tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng cải thiện được nhiều bài toán
Việt Nam hiện có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và sự tiếp tục đi lên trong chuỗi giá trị đã hỗ trợ cho sức khỏe của nền kinh tế. Cụ thể, Moody’s dự báo rằng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam ở mức tốt, khoảng 6,5%. Moody’s dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,4% giai đoạn 2018-2022, cao hơn mức trung bình các nước có xếp hạng B1 (3,7%) và Ba (3,5%).
Sức mạnh nền kinh tế Việt Nam là kết hợp của tăng trưởng mạnh và sức cạnh tranh cao, thể hiện ở nền kinh tế đang chuyển hướng sang các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, một điều không thường thấy trên quy mô toàn cầu. Theo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam có sức cạnh tranh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia có cùng xếp hạng Ba hoặc B khác.
Do đó, Moody's kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì khả năng cạnh tranh khi việc dịch chuyển chuỗi giá trị mang lại “room” cho sự tăng lương và thu nhập.
Một nhân tố quan trọng trong sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam, được Moody’s đề cập tới, là sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn tín dụng.
Xu hướng nhân khẩu học, bao gồm phần lớn dân số trong độ tuổi lao động (có chỉ số tiêu dùng cao hơn) và sự gia tăng đô thị hóa, đã tạo nên sức tiêu dùng mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều này cũng được ghi nhận đối với các doanh nghiệp, khi các khoản nợ cũng đang ở mức cao và đang tăng lên trong những năm gần đây.
Đối với Chính phủ, mức tăng trưởng GDP tốt cũng giúp cho gánh nặng nợ công được giữ ở mức ổn định theo thời gian, cấu trúc nợ cũng đã có được kỳ hạn bình quân dài hơn và giảm được tỷ lệ của nợ nước ngoài. Các yếu tố này đã giúp cho Việt Nam cải thiện được khả năng phục hồi sau cú sốc tài chính, đây cũng là căn cứ để Moody’s xếp hạng Ba3.
Triển vọng "ổn định" do sự cân bằng của nhiều yếu tố tác động
Về xếp hạng triển vọng, mức “ổn định” phản ánh kỳ vọng của Moody rằng các chỉ số tín dụng của Việt Nam sẽ ổn định trong vài năm tới, những thay đổi bất ngờ mang tính tích cực hay tiêu cực không làm thay đổi đáng kể tình hình.
Rủi ro tiêu cực đến từ các điểm yếu còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, khả năng sinh lời và nguồn vốn còn ở mức “yếu” của một số ngân hàng, cũng như việc tăng trưởng tín dụng nhanh chóng có khả năng ảnh hưởng tới ổn định tài chính vĩ mô.
Ngoài ra, rủi ro cũng xuất phát từ sự suy giảm đáng kể trong thương mại toàn cầu và sự gián đoạn của chuỗi sản xuất trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, một kịch bản mà Moody hiện đang nhận định ở mức xác suất thấp.
Các rủi ro này được cân bằng bởi sự cải thiện sức mạnh tài khóa và sự gia tăng mức độ tin cậy nhờ cải thiện khả năng trả nợ, tác động tích cực từ sự tăng trưởng tốt hơn so với dự kiến của Moody's./.