Vì sao Đại hội Đảng bộ TP HCM chưa bầu Bí thư Thành ủy?

Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, thành phố là trung tâm có vị trí quan trọng nhất cả nước, việc chờ Bộ Chính trị phân công Ủy viên Bộ Chính trị về làm Bí thư là đúng quy định, quy trình của Đảng.
Ông Võ Văn Thưởng
Ông Võ Văn Thưởng

Kết quả bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ban thường vụ Thành ủy TP HCM có đến ba trong số bốn Phó bí thư đều từng là Bí thư Thành đoàn thành phố, đại diện cho thế hệ trẻ của TP HCM, là ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thành Phong và Tất Thành Cang.

Trao đổi với báo chí về việc Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 không bầu chức danh Bí thư, ông Võ Văn Thưởng cho biết, trước khi diễn ra đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX đã báo cáo nhân sự về Bộ Chính trị và được đánh giá rất cao về phương án nhân sự của Đảng bộ thành phố.

Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM cho biết thêm, theo yêu cầu về công tác nhân sự, Đảng yêu cầu phải bảo đảm có ba độ tuổi là dưới 40, từ 40 đến 50 và trên 50. "Tuổi cao có thế mạnh của tuổi cao, tuổi trẻ cũng có mạnh của tuổi trẻ nhưng người trẻ sẽ có nhiều điểm yếu của cán bộ trẻ. Vì vậy, trong một tập thể có đủ 3 độ tuổi là cần thiết để bổ sung cho nhau và đảng bộ thành phố đã làm đúng theo quy định", ông Thưởng nói.

Theo ông Thưởng, mục tiêu không phải là có cán bộ ngày càng trẻ, mà mục tiêu là trong một tổ chức đảng phải có 3 độ tuổi và tỷ lệ cán bộ trẻ tăng dần lên, có nhiều người dưới 50 nhưng trên 40 tuổi. Đây là sản phẩm của tầm nhìn dài hạn. 

"Tôi, anh Phong, anh Cang đều gắn với TP HCM trên 20 năm, có thể không rành từng góc phố con hẻm nhưng đều rất gắn bó, hiểu địa bàn thành phố. Nên nếu nói có lạ không thì xin thưa là không có gì lạ cả", ông Võ Văn Thưởng, người từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Quãng Ngãi, chia sẻ.

Phó bí thư thường trực thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020 trả lời báo chí. Ảnh: Trung Sơn

Phó bí thư thường trực thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020 trả lời báo chí. Ảnh: Trung Sơn

Trong khi đó, Phó bí thư Nguyễn Thành Phong cho hay, sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp hơn nữa. Đó là đòi hỏi từ cuộc sống của người dân, Thành ủy sẽ có chủ trương đột phát hơn, cụ thể hóa hơn trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị.

"Đặc biệt là xoay quanh vấn đề chỉnh trang, giải tỏa các căn nhà lụp xụp ở các vùng ven kênh rạch, giải tỏa các chung cư xuống cấp, phát triển các khu đô thị ngoại vi... Làm sao để tổ chức cuộc sống cho người dân đàng hoàng hơn, nâng cao hơn", ông Phong cho biết.

Trong thời gian này ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy TP HCM. Ông Võ Văn Thưởng điều hành hoạt động của Thành ủy TP.

TP HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của vùng, của cả nước, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước, việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị khóa XII của Đảng. Do vậy, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Bộ Chính trị sẽ phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy TP HCM là đúng quy định, quy trình công tác nhân sự của Đảng.

Theo VnE