Vì sao cuộc gặp giữa Obama và Putin là bước đột phá?

Cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama được dự kiến là bước ngoặt trong quá trình phục hồi quan hệ bình thường giữa hai nước.
Tổng thống Nga chạm vai ông Obama khi tham dự phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bắc Kinh ngày 11/11/2014. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga chạm vai ông Obama khi tham dự phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bắc Kinh ngày 11/11/2014. Ảnh: AFP

Tổng thống Putin và Obama sẽ gặp nhau vào ngày 28/9 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ). Đây là cuộc gặp thứ 7 giữa Putin và Obama trong 6 năm qua và lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ.

Theo Sputnik, cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Nga – Mỹ là một trong những sự kiện quan trọng nhất năm 2015 vì hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về đề xuất của Moscow trong việc tạo liên minh mới ở Trung Đông chống khủng bố Hồi giáo.

Trong khi đó, theo nhận định của tờ Washington Post, cuộc gặp tới giữa Obama và Putin sẽ là lần gặp hiếm hoi giữa hai lãnh đạo quyền lực nhất thế giới trong gian đoạn này. Dù vẫn duy trì các cuộc điện đàm với tần suất tương đối, họ không gặp nhau trong một thời gian dài. Nhiều cuộc họp cá nhân trước đó diễn ra chóng vánh và khá lạnh nhạt.

Các lần gặp của hai lãnh đạo quyền lực

Ông Putin lần đầu gặp Obama khi người đứng đầu Nhà Trắng thăm Moscow vào năm 2009. Putin, lúc đó là thủ tướng Nga, nói với Obama khi ấy vừa nhậm chức tổng thống Mỹ, rằng Moscow kỳ vọng vào sự phát triển của mối quan hệ hai nước. Cuộc đối thoại giữa hai lãnh đạo kéo dài 2 giờ đồng hồ.

3 năm sau, ông Putin và Obama gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tại Los Cabos của Mexico tháng 7/2012. Đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc chính thức trên cương vị là người đứng đầu đất nước. Hai lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Syria.

Lần thứ 3, lãnh đạo Nga – Mỹ gặp mặt vào ngày 17/6/2003 trong Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu (G8) ở Anh. Họ đã nói chuyện trong 2 giờ, với gần một phần ba thời gian của cuộc thảo luận xoay quanh cuộc xung đột ở Syria. Đây là lần trò chuyện chính thức cuối cùng giữa hai lãnh đạo kể từ năm 2009 cho tới nay.

Sau cuộc gặp lần đó, quan hệ giữa Moscow và Washington xấu dần.

Thất vọng

Tổng thống Mỹ Obama (quay lưng) và Thủ tướng Nga (cầm ly trà) trò chuyện trên sân thượng tư dinh của ông Putin bên ngoài thủ đô Moscow ngày 7/7/2009. Ảnh:AFP
Tổng thống Mỹ Obama (quay lưng) và Thủ tướng Nga (cầm ly trà) trò chuyện trên sân thượng tư dinh của ông Putin bên ngoài thủ đô Moscow ngày 7/7/2009. Ảnh:AFP

Putin và Obama cũng có cuộc trò chuyện riêng 20 phút nhân Hội nghị thượng đỉnh 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại thành phố St. Petersburg năm 2013. Hai nhà lãnh đạo đạt thỏa thuận về giải trừ vũ khí sinh học ở Syria.

Cũng trong năm 2013, Putin và Obama gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về hai lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đã ra đời tại buổi chụp hình trong khuôn khổ sự kiện. Cả hai rõ ràng không thể che giấu sự thất vọng ngay cả khi chụp ảnh.

Thất vọng đó là sự thật khi Obama và các thành viên khác của G8 muốn kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức để kết thúc cuộc xung đột trong nước, nhưng việc chính phủ của Putin hỗ trợ ông Assad đã làm kế hoạch lệch hướng. Như mô tả của Reuters, ông Obama và Putin gặp nhau trong tâm thế "cáu kỉnh".

Lần gặp tiếp theo của lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra tại Normandy (Pháp) vào tháng 6/2014 trong lễ kỷ niệm lần thứ 70 cuộc đổ bộ D-Day. Ông Putin và Obama cũng tổ chức một cuộc họp dài 15 phút với lãnh đạo Ukraine.

Tháng 11/2014, ông chủ Nhà Trắng và Điện Kremlin gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Trung Quốc. Họ đã bàn về các vấn đề ở Syria, Iran và Ukraine trong 15 – 20 phút.

Rạn nứt và khôi phục

Nét mặt của ông Obama và Putin cho thấy rõ những bất đồng trong quan hệ hai nước tại cuộc họp bên lề Hội nghị G8 ở Bắc Ireland năm 2013. Ảnh:EPA
Nét mặt của ông Obama và Putin cho thấy rõ những bất đồng trong quan hệ hai nước tại cuộc họp bên lề Hội nghị G8 ở Bắc Ireland năm 2013. Ảnh:EPA

Quan hệ giữa Moscow và Washington suy giảm nghiêm trọng sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014. Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, phương Tây cho rằng Moscow đã “thôn tính” khu vực và áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với nước này. Nga phủ nhận mọi cáo buộc.

Căng thẳng Nga - Mỹ đạt đỉnh điểm kể từ thời Chiến tranh Lạnh khi Washington khôi phục chính sách răn đe đối với Moscow.

Trong khi đó, một số vấn đề cấp bách của toàn cầu, đặc biệt là liên quan tới Iran, Syria và mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đòi hỏi Moscow tham gia tích cực và thúc đẩy sự hợp tác với Washington. Đồng thời, Mỹ bắt đầu nhận ra rằng, mọi nỗ lực nhằm cô lập Nga đều thất bại.

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Nga hồi tháng 5, nhiều ý kiến cho rằng Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài thiết lập tiến trình để dần khôi phục quan hệ với Moscow. Đặc biệt, một liên minh chống IS có vẻ là khởi đầu thuận lợi cho việc làm ấm dần mối quan hệ Mỹ - Nga.

Do vậy, rõ ràng cuộc gặp giữa Obama và Putin ngày 28/9 là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước và có thể là "bước đột phá" cho nền chính trị thế giới. 

Theo Sputnik, Zing