Vì sao các "đại gia" công nghệ thế giới đang dần rút khỏi Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc Samsung Electronics của Hàn Quốc rút dần khỏi thị trường Trung Quốc gần đây đã được xác nhận. Một báo cáo cho thấy số công ty con và nhân viên người Hàn Quốc của Samsung ở Trung Quốc đều giảm.

Samsung đang rút dần khỏi thị trường Trung Quốc (Ảnh: Creaders).
Samsung đang rút dần khỏi thị trường Trung Quốc (Ảnh: Creaders).

Samsung giảm số công ty con và rút nhân viên cốt cán

Theo báo cáo kinh doanh do Samsung Electronics công bố ngày 9/8, kết hợp với số liệu của những năm trước, tổng số người lãnh đạo và nhân viên không phải người Trung Quốc của Samsung tại Trung Quốc đã giảm từ 599 năm 2020 xuống còn 527 vào năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 477 vào năm 2022.

Ngược lại, tổng số nhân viên người Hàn của Samsung Electronics ở Đông Nam Á, Tây Nam Á và Nhật Bản đã tăng từ 3.590 năm 2020 lên 4.305 năm 2021 và 4.583 vào năm 2022.

Từ góc độ doanh số bán hàng của Samsung Electronics tại Trung Quốc, sau khi tăng từ 37,8 nghìn tỉ won (28,7 tỉ USD) năm 2020 lên 45,6 nghìn tỉ won (34,7 tỉ USD) vào năm 2021, đã giảm mạnh xuống còn 35,6 nghìn tỉ won (27 tỉ USD) vào năm 2022. Tỷ lệ 16% trước đó của tổng lượng tiêu thụ trên thị trường đã giảm xuống chỉ còn 12%.

Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu CXO Hàn Quốc, một tổ chức phân tích doanh nghiệp chuyên nghiệp, năm 2018, Samsung Electronics có 87 công ty con tại Trung Quốc, nhưng năm nay đã chỉ còn 65, tức đã giảm 22 công ty con trong 5 năm.

Marvell rut khoi Trung Quoc.jpg
Marvell Electronics bất ngờ tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc
(Ảnh: NetEasy).

Chưa hết, Samsung Display hiện đang đệ đơn kiện lên Tòa án Quận phía Đông Texas, Mỹ với lý do Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ Kinh Đông Phương (BOE) của Trung Quốc đã vi phạm bằng sáng chế màn hình OLED (đi-ốt phát sáng hữu cơ) dùng cho điện thoại thông minh.

Samsung cáo buộc BOE đã chiếm đoạt 5 bằng sáng chế màn hình OLED do công ty phát triển cho điện thoại iPhone 12. Đây là vụ kiện bằng sáng chế đầu tiên mà Samsung đệ đơn chống lại BOE, mà theo họ công ty này trước đây đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để đánh cắp công nghệ của Samsung.

Theo họ, Hàn Quốc, một cường quốc trong ngành công nghiệp điện tử, là một trong những nạn nhân của việc các công ty Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh cắp công nghệ. Samsung Electronics, công ty dẫn đầu thế giới về các công nghệ như chất bán dẫn và tấm nền màn hình OLED, đã nhiều lần bị đánh cắp công nghệ.

Micron la nan nhan bi tra thu.jpg
Trung Quốc cấm bán sản phẩm của Micron vì lý do an ninh (Ảnh: NetEasy).

Nhiều doanh nghiệp Mỹ tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc

Với sự phát triển của thời đại thông tin, lớn như hàng không vũ trụ đến nhỏ như các thiết bị gia dụng đều cần sử dụng chip. Do công nghệ cốt lõi của chip nằm trong tay Mỹ nên họ có thể tùy ý sửa đổi các quy tắc chip, sử dụng ưu thế công nghệ này để áp chế đối thủ cạnh tranh và kiếm được rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, sự ra đời của chip HiSilicon Kirin của Huawei đã làm lung lay địa vị của Mỹ trong lĩnh vực chip. Để phản ứng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với các công ty Trung Quốc như Huawei, thậm chí còn có ý đồ hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Trong tương lai gần, Mỹ có kế hoạch đưa 31 công ty Trung Quốc vào "danh sách thực thể", trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Haijixin Thượng Hải, v.v. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 1.200 công ty Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào "danh sách thực thể", và ngay cả những công ty nổi bật như Shanghai Microelectronics và Inspur cũng không được tha.

Jensen Huang.jpg
Jensen Huang tuyên bố Nvidia sẽ tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc
 (Ảnh: NetEasy)

Trước sự áp chế của Mỹ, Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động “phản công”. Trước hết, Trung Quốc đã đưa đất hiếm và tấm silicon quang điện vào danh sách hạn chế xuất khẩu. Thứ hai, các đại gia công nghiệp quân sự Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ đã bị Trung Quốc ban hành "lệnh trục xuất". Cuối cùng, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra đánh giá an ninh đối với Micron.

Sau một loạt đánh giá, phía Trung Quốc tuyên bố phát hiện các sản phẩm của Micron có rủi ro về an ninh mạng, sau đó sản phẩm Micron đã bị cấm bán tại thị trường Trung Quốc khiến giá trị thị trường của nó bốc hơi 2 tỉ USD.

Trước tình hình đó, nhiều công ty Mỹ đang phát triển tại thị trường Trung Quốc bắt đầu lo lắng về việc bị Trung Quốc trừng phạt. Đặc biệt, Apple từ năm ngoái đã lên kế hoạch di dời hoạt động sản xuất và xưởng đúc sang Việt Nam và các khu vực khác, đồng thời loại bỏ 47 nhà cung cấp thuộc sở hữu của Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng, có thể nói ý định rời khỏi Trung Quốc đã rất rõ.

Điều bất ngờ là mới đây, Marvell Electronics cũng tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc. Gã khổng lồ chip này có kế hoạch chuyển trọng tâm kinh doanh sang Việt Nam.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng động thái của Marvell có thể liên quan đến va chạm thương mại Trung-Mỹ và sự kiện Micron. Mặt khác, một số người trong ngành cho rằng có thể Marvell Electronics đang tìm kiếm nhiều lợi nhuận và cơ hội thị trường hơn. Xét cho cùng, lao động giá rẻ của Việt Nam có thể giảm bớt giá thành vận hành của công ty.

Vấn đề đặt ra là Marvell có thực sự buộc phải rời đi để tìm kiếm lợi nhuận? Trên thực tế không phải tất cả. Nên biết rằng Marvell, với tư cách là nhà cung cấp giải pháp bán dẫn hàng đầu thế giới, từ lâu đã có danh tiếng và hoạt động tốt tại thị trường Trung Quốc, 42% doanh thu của họ đến từ thị trường Trung Quốc đại lục.

Vì vậy, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài đã bày tỏ rằng nguyên nhân chính khiến Marvell rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc là vì họ lo sợ sẽ không thể vượt qua sự kiểm tra an ninh của Trung Quốc.

Elon Musk tham Trung Quoc.jpg
Elon Musk tới thăm Trung Quốc, tuyên bố phản đối việc Mỹ tách rời Trung Quốc
(Ảnh: NetEasy).

Bên nào thiệt hại hơn?

Trái ngược với những gì mà Apple và Marvell đã làm, vẫn còn nhiều gã khổng lồ chip của Mỹ tiếp tục ưu ái thị trường Trung Quốc. Ví dụ, Giám đốc điều hành Nvidia Jenssen Huang đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn và Nvidia sẽ tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc. Cách đây không lâu, Elon Musk cũng đã tới thăm Trung Quốc bằng chuyên cơ và nói rõ rằng ông phản đối việc Mỹ "tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng" với Trung Quốc.

Nhìn chung, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường không thể bỏ qua đối với các nhà sản xuất chip toàn cầu. Theo các báo, thị trường Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50% nhu cầu chip của thế giới trong vài năm tới. Điều này có nghĩa là nếu các nhà sản xuất chip muốn có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu, họ vẫn phải coi trọng thị trường Trung Quốc.

Theo NetEasy, Creaders