Vén một phần ngành công nghiệp quần áo từ thiện

Rất nhiều người đã từng ủng hộ quần áo cũ cho mục đích từ thiện. Họ tin rằng chúng sẽ được trao cho những người cần đến hay bán trong các cửa hàng từ thiện để gây quỹ.
Vén một phần ngành công nghiệp quần áo từ thiện

Tuy nhiên, hầu hết trong số này lại được xuất khẩu ra nước ngoài, đóng góp vào ngành thương mại hàng thùng trị giá chừng 4,5 tỷ USD trên toàn cầu. Để hiểu đường đi của quần áo cũ, chúng ta có thể ngó qua nước Anh với người tiêu dùng tích trữ hàng năm hơn một triệu tấn quần áo.

Từ thiện cũng có giá

“Bản tính” của thời trang vốn đã rất ngắn hạn do nhu cầu thay đổi và thói quen “có mới nới cũ” của người tiêu dùng. Đã vậy, không thiếu các nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác nhảy vào giành thị trường. Có nghĩa là, hàng năm, con người tiêu thụ và thải đi một số lượng khổng lồ quần áo.

Dưới sự khuyến khích của các tổ chức từ thiện và công ty tái chế, người Anh ngày càng bán hay quyên tặng nhiều quần áo cũ đến các cửa hàng hay “ngân hàng” thu mua để được tái sử dụng bởi người chủ mới.

Gần một nửa số quần áo bị tống khứ có hành trình kế tiếp là một ngôi nhà mới, chứ không phải trong bãi rác hay nhà máy xử lý rác, theo ước tính của Cơ quan Quản lý Chương trình Xử lý Vật thải và Chất thải Anh Quốc (WRAP). Rất nhiều người cho rằng đây là một điều tốt, nó sẽ mang đến hạnh phúc cho những người khác.

Nhưng Tiến sĩ Andrew Brooks, Giảng viên Địa lý học của Đại học King (London), tiết lộ trong một cuốn sách rằng: phần lớn những quần áo được đưa đi vì mục đích từ thiện lại không đi làm nhiệm vụ từ thiện, mà trở thành hàng xuất khẩu kiếm lợi nhuận.

Oxfam - một chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ từ thiện

WRAP ước tính mỗi năm, hơn 70% quần áo cũ ở Anh tham gia vào một hệ thống thương mại toàn cầu, trở thành mặt hàng được mua đi bán lại ở những nước thứ hai, thứ ba… cho đến khi không thể sử dụng nổi nữa.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Anh là nước xuất khẩu quần áo cũ lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với trị giá 612 triệu USD hàng năm, tương đương 351.000 tấn hàng (số liệu năm 2013). Những nơi đón nhận nhiều nhất số hàng này có Ba Lan, Poland, Ghana, Pakistan và Ukraine. Còn với Mỹ là 687 triệu USD đến Canada, Chile, Guatemala và Ấn Độ. Ngoài Mỹ và Anh, top 10 nhà xuất khẩu hàng thùng lớn nhất toàn cầu còn có Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Canada, Ba Lan, Ý và Nhật Bản.

Hành trình của quần áo từ thiện

Vậy làm thế nào để áo sơ mi, quần âu, quần jeans, váy các loại của người dân các nước này lại có mặt ở một cửa hàng hàng tiết kiệm ở Ba Lan hay trên đường phố Ghana?

Đầu tiên, sẽ phải có hệ thống từ thiện và những con người làm từ thiện. Hành trình quốc tế của những bộ đồ bị “bỏ rơi” sẽ bắt đầu khi không thể bán được hết số từ thiện ở 10.000 cửa hàng từ thiện.

Hiệp hội Từ Thiện Anh Quốc khẳng định 90% quần áo được đưa thẳng tới cửa hàng và sau đó đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Brooks, chỉ có chừng 10-30% số quần áo từ thiện có thể chễm chệ trên quầy hàng để người dân Anh ngó nghiêng và mua.

Tỷ lệ này cũng tương tự ở Mỹ và Canada. Số còn lại sẽ được chuyển đến các nhà máy dệt may, được phân loại và xuất khẩu dưới dạng “sản phẩm thừa” của công ty. Như vậy, chúng đã không còn là hàng từ thiện và nghiễm nhiên trở thành hàng bán thông thường một cách hợp pháp.

Qua hệ thống này, quần áo thậm chí có thể không còn ở dạng hàng thùng. Điểm ma thuật nằm ở đây. Khi trở thành hàng sản xuất thừa (chứ không phải hàng cũ), giá trị của mặt hàng sẽ tăng lên rất nhiều.

Khi đến các nước khác, chúng sẽ được đưa vào cửa hàng giá rẻ. Người tiêu dùng nước đó sẽ tưởng mình “trúng số” khi có thể săn được hàng hiệu mới, hay “mới 99%” với cái giá bất ngờ. Họ tưởng các nhà bán lẻ thời trang dùng những thủ thuật nho nhỏ như sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, giảm được chi phí vận chuyển, ngã giá được với nhau,… hay chỉ đơn giản có những người mặc không hết, để rồi có thể bán hàng với giá “phải chăng” hơn. Nhưng sự thực thì khác xa một trời một vực.

Một trong những nhà máy chuyên gia trong lĩnh vực cải danh cho hàng từ thiện có thể kể đến công ty dệt tái chế LMB Textile Recycling. Giám đốc Ross Barry và nhân viên thu thập từ các ngân hàng quần áo - đôi khi thay mặt cho tổ chức từ thiện - và kiểm tra xem chúng còn chất lượng như thế nào. Số vượt qua các bài kiểm tra sẽ được đóng kiện và xuất khẩu cho các khách hàng Đông Âu và châu Phi - nơi mà các sản phẩm may mặc ngoại được đánh giá cao.

Thường thì quần áo châu Âu đến Việt Nam sẽ không nhiều. Bởi người dân châu Âu với tính quý tộc khi đã làm từ thiện thì quần áo cũng sẽ không tệ. Số hàng này sẽ hay đến Đông Âu và châu Phi.

Chỉ một lượng cực nhỏ mới có thể đến Việt Nam, phân thành lô xịn và các chủ cửa hàng hàng thùng phải cực kỳ nhanh tay mới có thể chiếm được. Còn chủ yếu vẫn là những lô kém phẩm chất hơn thường đến từ các nguồn lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia… hay thu mua nội địa.

Cuộc hành trình của quần áo từ thiện còn phụ thuộc vào loại quần áo. Theo Brooks, áo sơ mi trắng hay đến Pakistan bởi nơi đây có nhóm khách hàng luật sư với nhu cầu đông đảo. Áo khoác hay được vận chuyển tới Đông Âu vì khí hậu giá lạnh, còn áo cộc tay, quần soóc rất hay được tập kết ở châu Phi nóng nực.

Như vậy, phần lớn quần áo cũ từ các nước phương Tây sẽ được bán ra ở các nước đang phát triển. Chắc chắn đây là nguồn lợi của các nước bán đi, còn với các nước tiếp nhận thì có thể ngược lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, như ông chủ Barry trên chẳng hạn, người tiêu dùng các nước này sẽ được lợi khi có thể mua quần áo với giá rẻ. Nhưng đó chỉ là ngụy biện. Những người này đã không lờ đi tác động tiêu cực lên ngành dệt may, lên số lao động có thể bị mất việc, lên số thuế bị hụt thu, lên những ngành hàng đã có thể bán được nhiều hơn nếu công nhân dệt may có việc làm và được tăng lương…

Điều này đặc biệt đúng ở các nước châu Phi, nơi tiếp nhận 1/3 lượng hàng từ thiện được xuất khẩu. Chỉ tính riêng tại Uganda, 81% lượng quần áo được tiêu thụ là loại hàng này. Ngành công nghiệp dệt may Ghana đã giảm sút tới 80% trong giai đoạn 1975-2000. 200.000 nhân công dệt may ở Nigieria đã “biến mất”.

Các tổ chức từ thiện lý giải ra sao về việc này? Hiệp hội Bán lẻ từ thiện Anh Quốc nói: Tổ chức cần tận dụng mọi đóng góp và cũng cần “sống”, còn những người cần được hỗ trợ đã được hỗ trợ bằng việc có thể mua quần áo với giá rẻ. Ian Falkingham - đang làm việc cho các tổ chức từ thiện ở Senegal - cho rằng: Người dân Anh có thể thoải mái khi biết quần áo của họ đến tay người dân Senegal. Ông còn khẳng định tổ chức và chuỗi cửa hàng vẫn đang nỗ lực để những người nghèo nhất cũng có quần áo mặc.

Tuy nhiên, đây rõ ràng là một lời giải thích thiếu thuyết phục. Ít ra là với Brooks. Ông không cho rằng đây là một hành động từ thiện đúng nghĩa. Ông nhận định kiểu từ thiện ỡm ờ này chỉ càng cho các nước đã nghèo thêm nghèo.

Điều quan trọng hơn cả, các tổ chức từ thiện cần minh bạch hoạt động của mình. Rõ ràng, người dân Anh, cũng như nhiều tấm lòng hảo tâm khác, vẫn đang tưởng quần áo từ thiện của họ sẽ đến người cần được giúp đỡ một cách miễn phí, hay sẽ được bán đi để gây quỹ từ thiện và chỉ có một phần nhỏ dùng cho chi phí hoạt động.

Theo Sống Mới