Vén màn những cú tăng vốn “thần sầu” của hàng hải Vsico

Hàng hải Vsico là tâm điểm thị trường vì liên tục thực hiện các phi vụ làm ăn lớn. Những thông tin về doanh nghiệp này đang được dư luận hết sức quan tâm.

Điểm tựa từ cơ cấu cổ đông

Công ty Cổ phần Hàng Hải Vsico (viết tắt là Công ty Vsico) là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển container tại Việt Nam. Tiền thân của Công ty Vsico là Công ty Hàng hải và Đầu tư công nghiệp Vinashin trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy), thành lập năm 2007, có trụ sở tại phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Gần 3 thập kỷ lênh đênh cùng sóng biển, Công ty Vsico đã phát triển thành công đội tàu container hùng mạnh, đa dạng cả chục chiếc từ tàu chở hàng rời, tàu container với sức chở vài nghìn TEUS, khai thác triệt để các tuyến vận tải Bắc chí Nam. Hãng tàu có gốc nhà nước còn không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái logistics thông qua hoạt động đầu tư, mở rộng tuyến vận chuyển đường sắt, hệ thống kho bãi, xây dựng ICD, cảng tại vị trí huyết mạch trên toàn quốc.

Screenshot 2024-10-11 145526.png
Hàng hải Vsico là tâm điểm thị trường vì liên tục có các phi vụ làm ăn lớn. Ảnh: VSICO

Giai đoạn thịnh vượng nhất của Công ty Vsico bắt đầu khi được cổ phần hóa. Trái ngược với tình trạng khủng hoảng và trượt dài của Vinashin, sự tham gia của nhân tố nhà đầu tư - cổ đông chiến lược mang đến làn sóng hy vọng mới cho Công ty Vsico trong những ngày tháng khó khăn và ngặt nghèo nhất.

Với những gì doanh nghiệp thể hiện hôm nay, có thể nói công sức của các cổ đông lớn như: ông Lê Bằng An (sinh năm 1975), ông Nguyễn Hữu Hưng (sinh năm 1959), ông Vũ Hoàng Bảo (sinh năm 1970)... và đội ngũ lãnh đạo đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Thị Vân Hà (sinh năm 1975) đã được đền đáp xứng đáng.

Những con người này đều có tiếng tăm, đồng hành cùng ngành giao thông vận tải suốt mấy mươi năm qua. Chẳng hạn ông Lê Bằng An là Chánh văn phòng, Thành viên Hội đồng thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR. Kinh nghiệm và các mối quan hệ sâu rộng của ông An tạo nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho Công ty Vsico thiết kế các tuyến vận chuyển đường sắt.

VNR.jpg
Ông Lê Bằng An là Chánh văn phòng, Thành viên Hội đồng thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR đã góp phần giúp Vsico thiết kế các tuyến vận chuyển đường sắt.

Những phi vụ nghìn tỷ

Điểm lại quá trình "phất" lên của Công ty Vsico, 2021 có lẽ là năm đáng nhớ nhất của họ. Ngày 9/4/2021, việc doanh nghiệp tăng vốn thành công từ 36 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng là món quà sinh nhật quý báu nhất dành tặng cho Tổng giám đốc Nguyễn Thị Vân Hà.

Niềm hân hoan hứng khởi chưa vơi, thì ngày 29/6/2021, Công ty Vsico tiếp tục tăng vốn lên 200 tỷ đồng và nâng lên 282 tỷ đồng vào ngày 17/9/2021 cùng năm. Như vậy, chỉ trong một năm, số tiền các cổ đông góp vào nơi đây đã tăng gấp 8 lần.

Trước một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra thì chẳng có lý do gì để cổ đông chần chừ nộp thêm vài trăm tỷ đồng giúp Công ty Vsico củng cố nguồn lực, kịp thời nắm bắt cơ hội lớn. Công ty Vsico năm ấy bày tỏ với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị... về mong muốn đầu tư dự án cảng container, cảng tổng hợp tại khu kinh tế Chân Mây và khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Đề xuất của Công ty Vsico nhanh chóng được chính quyền địa phương hoan nghênh và đánh giá cao. Chỉ ít lâu sau, doanh nghiệp nhận về tấm giấy chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng Vsico Chân Mây (bến số 4 và 5) có tổng kinh phí gần 1.700 tỷ đồng; dự án khu cảng cạn Vsico Quảng Trị tổng mức đầu tư hơn 236 tỷ đồng.

Ở góc độ tài chính, vốn điều lệ tăng gấp 8 lần đã nghịch đảo hệ số nợ trên vốn của Công ty Vsico trong thoáng chốc. Báo cáo tài chính rực rỡ giúp doanh nghiệp không chỉ thỏa mãn các yêu cầu nhà đầu tư dự án, còn chiếm được lòng tin của các cơ quan chức năng địa phương.

Screenshot 2024-10-11 144113.png
Vsico là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển container tại Việt Nam. Ảnh: VSICO

Theo tài liệu của VietTimes, nếu như vốn chủ sở hữu của Công ty Vsico (công ty mẹ) năm 2020 chỉ đạt 45 tỷ đồng, trong khi số nợ phải trả lên tới 243 tỷ đồng (nợ cao hơn 5,4 lần, được xem là có rủi ro về khả năng thanh toán), thì sang năm 2021 vốn chủ sở hữu đã vượt lên 314 tỷ đồng (nợ phải trả ở mức 235 tỷ đồng).

Chưa hết, sang năm 2022, chủ dự án cảng Vsico Chân Mây của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục nâng vốn chủ sở hữu lên 908 tỷ đồng, cao gấp 20 lần so với thời điểm hai năm về trước. Ngoài việc huy động cổ đông góp tiền, Công ty Vsico còn sử dụng khoản lợi nhuận sau thuế 621 tỷ đồng để gia cố bộ đệm vốn, gây choáng ngợp cho giới tài chính.

Choáng ngợp là bởi Công ty Vsico bỗng dưng trở thành một doanh nhân hoàn toàn khác, sở hữu khả năng kiếm tiền vượt bậc khó đoán định. Dẫn chứng là năm 2019, doanh nghiệp công bố doanh thu đạt 624 tỷ đồng, có lãi 6,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu là 1%.

Đến năm 2021, doanh thu 1.154 tỷ đồng đã chuyển đổi thành 166 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tương ứng hệ số sinh lời là 14% Sang năm 2022, công chúng bất ngờ hơn khi 1.926 tỷ đồng doanh thu lại mang về 621 tỷ đồng, nôm na là cứ 10 đồng có lãi hơn 3 đồng (32%).

Càng bất ngờ hơn vào năm 2023, doanh thu của Công ty Vsico sau cú "cực thịnh" suy giảm xuống 1.126 tỷ đồng (giảm 41% cùng kỳ). Cùng lúc đó, lợi nhuận sau thuế nay còn đạt 71,5 tỷ đồng, thấp hơn 88% con số kỷ lục xác lập năm trước. Kết quả kinh doanh thăng giáng quá mạnh liên tục đang gây ra nhiều băn khoăn lớn.

Screenshot 2024-10-11 145830.png
Vsico không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái logistics thông qua hoạt động đầu tư, mở rộng tuyến vận chuyển đường sắt, hệ thống kho bãi, xây dựng ICD. Ảnh: VSICO

Các công ty khác trong mạng lưới của Vsico cũng đặt trụ sở ở phố Ngọc Khánh hoạt động khá ổn định, không tăng giảm thất thường như công ty mẹ. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ hàng hải Hà Nội - ra đời năm 2004 ghi nhận doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên vẫn giữ mức lợi nhuận "ổn định" trên dưới 1 tỷ đồng, duy trì hệ số lợi nhuận trên doanh thu chưa nổi 1%. Năm 2022, doanh thu lập "đỉnh" 285 tỷ đồng chỉ biến ra 1,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế khấu trừ các chi phí.

Sự chênh lệch to lớn giữa công ty mẹ và công ty con không đến từ ngành nghề kinh doanh vì đều liên quan đến logistics. Dàn lãnh đạo cũng có nhiều điểm tương đồng. Đơn cử ông Lê Bằng An là người giữ đến 80% cổ phần, từ năm 2021 trở đi mới nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Vân Hà làm chủ của doanh nghiệp.

Qua quan sát của VietTimes, nhìn chung tình cảnh doanh thu cao - lợi nhuận "lìu tìu" hoặc "đói vốn" cần sống dựa vào vay mượn hoàn toàn phổ biến ở các đơn vị thành viên của Vsico. Công ty TNHH Alberta Việt Nam, Công ty TNHH Vận tải biển Polaris... cũng không phải ngoại lệ.

Gần đây, Công ty Vsico được nhắc đến nhiều hơn sau giao dịch 120 tỷ đồng để mua hơn 8,8 triệu cổ phiếu PSP của Công ty Cổ phần Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ - PTSC, tương đương 22,1% vốn điều lệ. Đây là công ty con trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (HNX: PVS), do PVS nắm giữ 51% vốn.

Công ty Vsico mua lại cổ phần PTSC từ tay Công ty Cổ phần Container Việt Nam - Viconship. Nhiều người cho rằng, việc bắt tay với Viconship của Công ty Vsico hướng đến mục tiêu tăng sức hiện diện tại cảng Nam Hải Đình Vũ - cảng trung tâm của thành phố Hải Phòng.