Vay vốn ODA: Việt Nam học được gì từ Trung Quốc, Malaysia?

Malaysia đã chọn lọc kỹ lưỡng các dự án được sử dụng vốn vay ODA, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể nền kinh tế và chỉ tiếp nhận những dự án có quy mô lớn.
Vay vốn ODA: Việt Nam học được gì từ Trung Quốc, Malaysia?

Trung Quốc từng "bất chấp" vay ODA

Sau hơn 20 năm, hiện nay ở Việt Nam có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động, cung cấp 80 tỷ USDvốn ODAcho hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) quá trình sử dụng vốn ODA tại Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Các thủ tục phê duyệt dự án còn rườm rà, bộ máy cồng kềnh, trách nhiệm của các cấp thực hiện dự án không rõ ràng gây lãng phí.

Việc thẩm định và phê duyệt dự án cũng được vị này chỉ ra là mất thời gian quá dài, chất lượng thẩm định chưa cao, nhiều hạng mục được thẩm định lạc hậu.

Ngoài ra, sự phối hợp thẩm định giữa Việt Nam và các nước tài trợ cũng được ông Đô chỉ ra là chưa đồng bộ dẫn đến tốn kém chi phí chuẩn bị và thời gian.

Ông Đô dẫn chứng trường hợp Trung Quốc và cho biết, quốc gia này đã từng cho phép phần lớn các dự án được nhanh chóng sử dụng vốn ODA mà không đề cao hiệu quả do đó nguồn vốn ODA cho vay đã làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia, đưa nền kinh tế vào giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên để khắc phục, Trung Quốc đã chuyển đổi chiến lược cải cách, hiện đại hoá nền kinh tế, quản lý ODA hiệu quả hơn. Theo đó, việc chấp nhận khoản vay chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn tất thiết kế kỹ thuật và đánh giá tình hình tài chính, trách nhiệm trả nợ, nguồn tiền và kế hoạch trả nợ.

TS. Độ cho biết, sử dụng vốn ODA tại địa phương của Trung Quốc được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, địa phương lập danh mục chung trình Uỷ ban cải cách phát triển Nhà nước sau đó trình Quốc vụ phê chuẩn.

Thậm chí cơ chế tài chính và trách nhiệm trả nợ vốn ODA cũng được quy định rõ ràng với 3 loại dự án ODA. Chẳng hạn, dự án nhà nước vay - trả là dự án do Trung ương thực hiện, chính quyền địa phương vay chịu trách nhiệm trả nợ làm theo quyết định của Trung ương và dự án do các thành phần kinh tế vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ Chính phủ không tham gia.

Trường hợp Malaysia, theo ông Đô, trong 15 năm trở lại đây Malaysia hầu như chỉ tiếp nhận ODA dưới hình thức hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các nhà tài trợ song phương. Nợ nước ngoài của Malaysia luôn ở giới hạn an toàn.

ODA ký cam kết theo ngành và lĩnh vực vào Việt Nam thời kỳ 1993-2012

Ông Đô cho biết, Malaysia chọn lọc kỹ các dự án được sử dụng vốn vay ODA, chỉ tiếp nhận những dự án có quy mô lớn.

Đồng thời, Malaysia không gặp nhiều vướng mắc do sự khác biệt về thủ tục trong nước và các thủ tục của các nhà tài trợ vì dự án của nhà tài trợ nào được phép áp dụng thủ tục quy định và hướng dẫn của nhà tài trợ đó.

Phía Chính phủ đảm bảo cung cấp đầy đủ vốn đối ứng cho các dự án đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Bài học cho Việt Nam

Từ những tồn tại trong huy động và sử dụng vốn ODA trong thời gian qua, dẫn chứng trường hợp của Trung Quốc và Malaysia, TS. Nguyễn Thành Đô nêu 7 bài học rút ra cho Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam tránh chạy theo số lượng, cần sử dụng vốn gắn với khả năng tạo nguồn thu để trả nợ, từ chối những dự án nếu xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng.

"Về lâu dài, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa mức tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, tăng tỷ lệ vốn đối ứng trong cơ cấu đầu tư của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA", ông Đô đề xuất.

Thứ 2, cần chủ động đề xuất, chuẩn bị dự án và sử dụng ODA.

Thứ 3, đổi mới phương thức sử dụng vốn ODA, tăng mạnh việc sử dụng ODA như nguồn vốn mồi để thực hiện dự án theo phương thức PPP, mở rộng diện vay với chính quyền địa phương để nâng cao trách nhiệm của địa phương sử dụng vốn vay.

Thứ 4, cần tạo môi trường pháp lý minh bạch và có tính cưỡng chế cao thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án.

Thứ 5, thực hiện các biện pháp chống lãng phí tại các dự án ODA như không đầu tư dàn trải, phân tán không hiệu quả, quy định rõ vai trò thẩm định của cơ quan cho vay lại trước khi đề xuất dự án với nhà tài trợ…

Thứ 6, quy trách nhiệm giữa các cơ quan tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng vốn đồng thời nâng cao năng lực cơ quan và người thẩm định dự án tại các Bộ ngành.

Thứ 7, tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra của Bộ chủ quản, kiểm toán Nhà nước, Ban quản lý dự án...

TÂM AN