Lâm Cương là giáo sư khoa học chính trị, chủ tịch của ủy ban hàn lâm Khoa Công vụ và Ngoại giao - Trường đại học giao thông Thượng Hải, và là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Đài Loan:
Nhìn vào quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai gần, một cuộc cạnh tranh lâu dài có vẻ sẽ không thể tránh khỏi. Với Bắc Kinh, xung đột thương mại với Mỹ có thể gây tổn hại tới nền kinh tế Trung Quốc, nhưng những thiệt hại này có thể ứng phó vì sự phát triển của thị trường tiêu dùng nội địa. Bắc Kinh không muốn có một cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng cũng sẽ không chịu thua.
Với Washington, tổng thống Trump quan ngại sâu sắc về thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc và sự chuyển giao các công nghệ cao sang nước này. Sự cương quyết của chính quyền để đẩy lui Trung Quốc đã bộc lộ trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ, trong đó Trung Quốc được gọi là một trong "những đối thủ chiến lược" chính của Mỹ.
Lần đầu tiên kể từ Thế Chiến II, Mỹ tuyên bố rằng "lợi thế cạnh tranh quân sự của chúng ta đang bị xói mòn". Ông Trump đổ cho Trung Quốc là một "kẻ thù kinh tế" và quyết định gần đây nhất của ông để áp 34 tỷ USD tiền thuế lên các sản phẩm Trung Quốc, cùng với sự di chuyển của tàu chiến Mỹ tới eo biển Đài Loan một cách bất thường trong thời gian căng thẳng đang tăng cao đã truyền đi một thông điệp rõ ràng.
Ông Lâm Cương là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học giao thông Thượng Hải cho rằng Mỹ-Trung có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nên mối quan hệ giữa hai nước không thể quá tồi tệ.
|
Trong khi đó, tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan với Washington đã được nhấn mạnh thêm lần nữa. Kể từ đầu năm 2017, Washington đã gia tăng hợp tác an ninh với hòn đảo này, đặc biệt trong lĩnh vực phi truyền thống như chống chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, việc bán 1,42 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan vào 29.6.2017 là thương vụ vũ khí đầu tiên của chính quyền tổng thống Trump với Đài Loan, điều này chắc chắn che mờ cuộc họp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Donald Trump vào tháng 4 năm đó và đe dọa hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm nữa, Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy những nghị quyết mới để nâng cao quan hệ Washington - Đài Bắc, nâng cao an ninh của Đài Loan và ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế. Những kiến nghị và đề xuất có thể khiến Hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan và gửi đồng phục của thủy quân lục chiến cho Học viện Mỹ tại Đài Loan. Một quyết định khác có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng quan hệ Mỹ-Trung là Đạo luật Du lịch Đài Loan, một bước tiến lớn trong quan hệ không chính thức giữa Đài Bắc và Washington với cái giá là quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng điều này không có nghĩa là những mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc phải chịu số phận bi đát vì hai quyền lực này hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Theo lời của Graham Allison thì hai nước đang trong trạng thái đảm bảo hủy diệt lẫn nhau về mặt kinh tế. Về mặt chiến lược, thiếu đi sự hợp tác của Trung Quốc, Mỹ chỉ có thể đạt được những kết quả rất hạn chế trong những sự vụ của thế giới. Tuy nhiên, việc cần thêm những nỗ lực và đối thoại là không thể thiếu để tạo nên một mối quan hệ khả quan giữa hai nước trong những năm tới.
Kishore Mahbubani là giáo sư môn Thực hiện Chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore và là tác giả của quyển sách "Liệu phương Tây đã đánh mất mình?":
George Orwell từng có câu nói nổi tiếng "để nhìn thấy những gì ngay trước mũi mình cần một nỗ lực không ngừng". Câu nói này mô tả đúng nỗ lực của Mỹ để hiểu quan hệ của mình đang thay đổi với Trung Quốc. Chắc chắn rằng trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới và Mỹ sẽ lui xuống vị trí thứ 2. Bởi vậy, logic cho những nhà hoạch định chính sách Mỹ là phải chuẩn bị để trở thành vị trí số 2.
Nhưng có thể vấn đề tâm lý khiến Mỹ không thể làm vậy. Tôi đã nhận ra điều đó khi tôi làm chủ tọa một diễn đàn tại Davos vào tháng 1.2012 có tên Tương lai của quyền lực Mỹ trong thế kỷ 21. Trong diễn đàn, thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa ông Bob Corker đã giải thích rằng: "Người dân Mỹ hoàn toàn không chuẩn bị tâm lý cho một sự kiện khi thế giới bắt đầu tin rằng Mỹ không phải là đất nước vĩ đại nhất trên trái đất".
Giáo sư Kishore Mahbubani có quan điểm ủng hộ Trung Quốc, ông cho rằng Mỹ-Trung cần tìm cách "chung sống".
|
Và khi người Mỹ không đủ tâm lý để chuẩn bị cho một thế giới như vậy, họ sẽ thức tỉnh với một cơn sốc dữ dội khi một ngày IMF thông báo rằng Mỹ đã trở thành nền kinh tế số 2 trên thế giới. Trong quá trình đó, chắc chắn người Mỹ sẽ phản ứng một cách giận dữ và cảm thấy mình bị Trung Quốc lừa. Cú sốc về chính trị là có thể đoán trước nhưng không thể tránh khỏi.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tuyệt vọng. Không giống như Mỹ, Trung Quốc không nhắm tới vị trí số 1 toàn cầu. Họ chỉ muốn đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho 1,4 tỷ người dân của mình. Và kết quả là, ngay cả sau khi Trung Quốc trở thành số 1, Trung Quốc cũng sẽ không đánh bật Mỹ khỏi những tuyên bố của mình là ông chủ thế giới. Trung Quốc vui lòng ủng hộ trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp mà Mỹ và phương Tây đã tặng cho thế giới. Như ông Tập Cận Bình đã nói tại Davos năm 2017: "Chúng tôi tôn trọng triệt để chủ nghĩa đa phương, tán thành quyền và hiệu lực của các thể chế đa phương. Chúng tôi tôn trọng những cam kết và trung thành với pháp luật".
Với quan điểm như vậy, rõ ràng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một cách thức làm việc mới với triết lý "cùng chung sống", trong đó cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không thách thức những lợi ích cốt lõi của nhau. Trung Quốc sẽ không cố thay thế Mỹ ở những khu vực mà Mỹ coi là có giá trị với mình như Trung Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ mong Mỹ phải nhạy cảm với những lợi ích cốt lõi của mình như vấn đề Đài Loan. Tất cả những sự điều chỉnh này cần phải có các cuộc đàm phán ngoại giao nhạy cảm. Đây đang là thời điểm để chuẩn bị cho chúng.
Robert Ross là giáo sư về khoa học chính trị tại trường Boston và là hội viên tại Trung tâm John King Fairbank nghiên cứu Trung Quốc thuộc đại học Harvard:
Hiện tại, quan hệ Mỹ-Trung tồi tệ nhất kể từ năm 1971 khi Henry Kissinger có chuyến thăm Trung Quốc. Và nó sẽ còn tệ hơn nữa.
Các học giả và những nhà hoạch định chính sách đã quan sát trong một thời gian dài và đưa ra kết luận rằng các quyền lực đang trỗi dậy và sự chuyển tiếp quyền lực góp phần gây nên bất ổn quốc tế và sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ gây mất ổn định. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách hàng hải với Mỹ một cách ấn tượng tại Đông Á, thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ.
Vì thế, không lạ khi sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc đang leo thang; sự chuyển tiếp quyền lực đang diễn ra trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn về mặt an ninh với cả hai cường quốc. Hơn nữa, nếu xu thế này tiếp tục tiếp diễn và khoảng cách giữa hai nước càng thu hẹp thì căng thẳng Mỹ-Trung sẽ gia tăng.
Ông Robert Ross nghĩ rằng sự chuyển tiếp quyền lực Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi.
|
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng góp phần khiến Bắc Kinh nôn nóng thúc đẩy an ninh trên các vùng biển Đông Á. Bị bao vây bởi các đồng minh Mỹ và các căn cứ quân sự, Trung Quốc đãng thách thức trật tự an ninh khu vực. Trung Quốc cũng đang nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân, bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo (phi pháp) và cố tìm cách khoan dầu trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng đưa ra những chính sách ép buộc Hàn Quốc và Philippines để trả đũa việc liên minh hợp tác với Mỹ và thách thức chủ quyền trên biển của Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.
Các chính sách Trung Quốc đưa ra có vẻ đã có hiệu quả. Các đồng minh của Mỹ bắt đầu rời xa khỏi những đề xuất của Mỹ thách thức lợi ích cùa Trung Quốc. Không hài lòng để Trung Quốc làm xói mòn sự thống trị trên biển của Mỹ, Mỹ đã đáp trả bằng một loạt các biện pháp, bao gồm việc xoay trục sang Đông Á, trao nhiệm vụ nhiều hơn cho các tàu hải quân tại Đông Á, thường xuyên thách thức Trung Quốc tại những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền và phát triển chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Có thể dự đoán trước những sáng kiến của Mỹ sẽ không ngăn chặn được nỗ lực của Trung Quốc để tái định hình trật tự chiến lược sự trỗi dậy của mình, cũng không ổn định được các đồng minh của Mỹ. Sự hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc và tỷ lệ sản xuất tàu biển tiếp tục rút ngắn khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc, góp phần tích cực cho Trung Quốc và khiến các quan ngại tăng cao giữa các đồng minh của Mỹ về sự hiệu quả trong những cam kết bảo vệ của Mỹ.
Sự thống trị của hải quân Mỹ tiếp tục bị xói mòn và hệ thống đồng minh của nước này cũng phải nhận một áp lực lớn hơn. Và Mỹ sẽ đáp trả với những sáng kiến chiến lược mạnh mẽ hơn được tạo ra để chế ngự Trung Quốc và tái khẳng định với các đồng minh về sự kiên quyết của mình để cân bằng lại sự trỗi dậy của nước này. Sự chuyển tiếp quyền lực sẽ tiếp diễn, và khi Trung Quốc có lực lượng hải quân ngang hàng với Mỹ, những căng thẳng sẽ tiếp tục tăng cao.
Sự chuyển tiếp quyền lực là chắc chắn và nó sẽ khiến xung đột tăng cao. Cái giá phải trả rất đắt và về mặt an ninh đây là một cuộc xung đột vô nghĩa. Nhưng quá trình và kết quả của việc chuyển tiếp quyền lực Mỹ-Trung vẫn chưa được định trước. Quá trình xung đột, có thể sẽ diễn ra chiến tranh, sẽ được xác định bởi những quyết định thận trọng của các lãnh đạo với ảnh hưởng bởi tính cá nhân, chính trị nội địa, chủ nghĩa dân tộc và những động lực quốc tế. Mang tầm quan trọng không kém là kết quả của sự chuyển tiếp này sẽ bị tác động bởi các xu hướng về kinh tế và chính trị trong nhiều thập kỷ qua tại Trung Quốc và Mỹ. Ở phương diện đó, mặc cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ có nhiều lợi thế hơn có thể giúp ích cho mình lâu dài.