Ukraine trong ván bài quyền lực: Hiểm họa “Syria thứ hai” giữa lòng châu Âu?

VietTimes -- Khi những đội quân tình nguyện lần đầu xuất hiện vào năm 2014, họ đã được chính phủ hoan nghênh nhiệt tình, cho dù gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng những đạo quân này vô kỷ luật, là những nhóm chính trị cực đoan và chính quyền Ukraine không thể kiểm soát.
Rất nhiều nhóm hoạt động và vũ trang tình nguyện mang tư tưởng phát xít mới đang hoạt động ở Ukraine
Rất nhiều nhóm hoạt động và vũ trang tình nguyện mang tư tưởng phát xít mới đang hoạt động ở Ukraine

Hồi đầu năm nay, những người biểu tình đã sử dụng vũ lực buộc chính phủ Ukraine phải thay đổi chính sách: cấm nhập khẩu than từ khu vực do quân ly khai kiểm soát trong khi nguồn than này hết sức quan trọng đối với nguồn cung năng lượng của Ukraine.

Những người biểu tình là đại diện của lực lượng tình nguyện trước đây từng giúp chính phủ Ukraine tồn tại trong những ngày đầu xung đột với dân quân ly khai ở phía Đông. Sự việc lần này đã cho thấy việc vũ trang và quân sự hóa các nhóm tình nguyện đe dọa ra sao đến nền dân chủ và ổn định của Ukraine.

Khi những đội quân tình nguyện lần đầu xuất hiện vào năm 2014, họ đã được chính phủ hoan nghênh nhiệt tình, cho dù gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng những đạo quân này vô kỷ luật, là những nhóm chính trị cực đoan và chính quyền Ukraine không thể kiểm soát hoàn toàn.

Tuy nhiên theo một nguồn tin thì gần đây những vấn đề này đã biến mất và lực lượng tình nguyện được coi là người chiến thắng ở Ukraine và còn hơn thế. Lực lượng này xuất hiện vào đúng lúc nước này dường như đang cần nhất. Hiện nay, đa phần các đơn vị này theo sự chỉ huy của quốc gia, thuộc Bộ Quốc phòng hoặc các đơn vị an ninh khác.

Nhưng thực tế lại phức tạp hơn. Warontherocks cho biết, một số đội quân tình nguyện vẫn tiếp tục hoạt động tương đối tự do và chính trị hóa các đơn vị  trong lực lượng an ninh nhà nước, tự tuyển quân và xây dựng cơ chế chỉ huy riêng. Hơn nữa, quân tình nguyện sau khi ngừng tham gia đấu tranh vẫn dễ dàng có được vũ khí và nhiều người vẫn trung thành với chỉ huy cũ và những người bảo trợ về tài chính cho họ.

Điều này làm dấy lên những lo ngại về tương lai của Ukraine, mà cả Kiev lẫn những người ủng hộ đều đang phớt lờ. Điều này không có nghĩa là Ukraine đang đứng trước nguy cơ xảy ra nội chiến giữa các lực lượng yêu nước, hay những lực lượng tình nguyện này thách thức quốc gia.

Lính tình nguyện cực hữu Ukraine tham gia chiến dịch thanh trừng ở miền đông
Lính tình nguyện cực hữu Ukraine tham gia chiến dịch thanh trừng ở miền đông

Warontherocks cảnh báo, nếu chính phủ Ukraine không hành động ngay lập tức để chấm dứt bạo lực, nguy cơ sẽ ngày càng tăng cao. Những lực lượng này đã thực hiện một số hành động bạo lực chính trị đáng lo ngại.

Dù chưa kiểm tra nhưng chắc chắn rằng một số lực lượng quân sự tư nhân này đều có nguồn lực và sẵn sàng thực hiện các hành động quân phiệt chính trị. Nếu xem xét các lực lượng tương tự như vậy trên thế giới, ta có thể thấy những đạo quân này có thể điều khiển các cuộc bầu cử và phân phối các nguồn lực quốc gia, quyết định chính sách đối ngoại của nhà nước.

Rõ ràng điều này sẽ khiến Ukraine bất ổn. Nhưng vì Ukraine đang thân cận hơn với châu Âu, sự bất ổn cũng sẽ đe dọa tới nền tài chính, biên giới và các nỗ lực kiểm soát châu Âu. Thậm chí nền an ninh của châu Âu có thể bị đe dọa, nếu như Nga can thiệp nhiều hơn vào Ukraine.

Lực lượng an ninh của Ukraine rõ ràng là không đủ trong những ngày đầu xung đột với quân ly khai mà phương Tây cáo buộc do Nga hậu thuẫn. Nhân lực và vũ khí của nước này đều không đủ sức đối phó vì những cuộc cải tổ thất bại, hoặc do tham nhũng và lơ là. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát lại không kiểm soát được quân ly khai. Do đó lực lượng tình nguyện đã đứng lên để hỗ trợ chính phủ. Một số nhóm được thành lập dựa trên sự hợp tác với chính quyền địa phương, trong khi số còn lại là do một số nhà tài phiệt chính trị lập nên.

Tất nhiên phương Tây cho rằng những lực lượng tình nguyện là biểu tượng cho sự thành công trong việc huy động và tổ chức nhân dân đứng lên bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên chính phủ Ukraine cũng đã nhận ra một số nguy cơ khi phụ thuộc vào các nhóm vũ trang độc lập này. Do đó Kiev đang hành động để đảm bảo rằng các lực lượng tình nguyện này phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, tham gia vào cả chuỗi chỉ huy và kiểm soát.

Chính phủ Ukraine rơi vào tình trạng khó khăn đến nỗi còn chật vật khi tài trợ cho lực lượng vũ trang chính thức. Do đó sự hỗ trợ từ giới kinh doanh và từ phía nhân dân được chính phủ hết sức hoan nghênh. Sau đó, chính phủ Kiev dần lại đủ năng lực chi trả và đảm nhận nhiệm vụ quản lý các đơn vị này. Và đến thời điểm này, khoảng 30 nhóm đã tan rã, chỉ còn một số nhóm vẫn duy trì hoạt động, Warontherocks cho hay.

Các tổ chức dân tộc cực đoan lộng hành

Hiện nay, những đơn vị duy nhất còn sót lại không thuộc các cơ quan của chính phủ mà thuộc Cánh Hữu (Right Sector). Cánh Hữu và các tiểu đoàn khác liên kết với người sáng lập Dmytro Yarosh tiếp tục chiến đấu thay mặt cho chính phủ Ukraine ở phía Đông.

Vào tháng 7/2015, họ cũng tham gia vào cuộc chiến ở phía tây, gần biên giới Hungary, chống lại quân đội chính phủ và cảnh sát trong tranh chấp đường dây buôn lậu thuốc lá. Cánh Hữu sau đó tiếp tục cuộc chiến bằng cách thiết lập một rào chắn bên ngoài Kiev, yêu cầu lật đổ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và các thành viên của Cánh Hữu cũng thường xuyên đe dọa cộng đồng LGBT ở Ukraine.Tổng thống Petro Poroshenko yêu cầu Cánh Hữu phải giải giáp vũ khí sau cuộc đối đầu năm 2015. Nhưng đến giữa năm 2017, Cánh Hữu lại tiếp tục phối hợp với lực lượng an ninh chính phủ hòng mưu cầu sáp nhập chính thức.

Một cuộc biểu dương lực lượng của Right Sector (Cực Hữu)
Một cuộc biểu dương lực lượng của Right Sector (Cực Hữu)

Trong khi đó các nhóm quân tình nguyện hợp pháp khác lại che đậy các hoạt động chính trị và sự tự trị của mình. Một trong số đó là tiểu đoàn Azov. Tiểu đoàn này liên kết với nhà nước từ năm 2014, và hiện nay là một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine. Azov khuyến khích các ứng viên mới tham gia vào Bộ Quốc phòng rồi sau đó chuyển sang Azov.

Người sáng lập và cũng là chỉ huy tiểu đoàn này là Yuri Bereza của Dnipro-1, cũng là một thành viên trong Quốc hội. Trang web của Dnipro-1 luôn tích cực tuyển thêm thành viên mới. Tiểu đoàn Aidar nay đã thành tiểu đoàn tấn công số 24 của Lực lượng vũ trang Ukraine, cho dù cựu chỉ huy của tiểu đoàn này đang phải đối mặt với cáo buộc tội phạm.

Và Tổ chức Organization of Ukrainian Nationalists (OUN), đã sáp nhập một phần vào Lữ đoàn cơ giới 93 của Lực lượng vũ trang Ukraine, dưới sự lãnh đạo của Andriy Pastusheno. OUN cũng duy trì trang web và các trang truyền thông xã hội để gây quỹ và hoạt động chính trị.

Tiểu đoàn Donbass, hiện nay thuộc Bộ Quốc phòng vẫn duy trì các trang web để gây quỹ. Người sáng lập, Semen Semenchenko, cũng là một thành viên của quốc hội.

Tiểu đoàn Aidar lúc đầu được nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky công khai tài trợ. Ihor Kolomoisky cũng được cho là đã tài trợ cho các quân đoàn Donbass và Dnipro-1. Hiện nay nhân vật này đang đứng đầu Hiệp hội yêu nước Ukraine, một đảng dân tộc chủ nghĩa có hai ghế trong Quốc hội.

(còn tiếp)