Ukraine đe dọa triển khai NMD chống “mối đe dọa từ Nga”
Trong một phát biểu ngày 20-5 tại Kiev, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov cho biết, Kiev không loại trừ khả năng tham vấn về kế hoạch bố trí trong nước này các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) để “bảo vệ đất nước trước mối đe dọa hạt nhân từ phía Nga”.
"…Ukraine sẽ khôi phục lá chắn tên lửa của chúng tôi mà nhiệm vụ chính là phòng thủ đất nước trước sự ‘xâm lăng hiếu chiến của Liên bang Nga", cũng không loại trừ là để bảo vệ trước mối nguy hiểm hạt nhân. Điều này hoàn toàn không vi phạm các thoả thuận quốc tế - ông Turchinov nói.
Ông này cho rằng, chính quyền Kiev sẽ xem xét bố trí các hệ thống lá chắn tên lửa trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tính nhân văn của hành động này là “không để xảy ra chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân là trách nhiệm chung của những con người có thiện chí trên hành tinh này".
Ngoài ra, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Turchinov một lần nữa cáo buộc Nga "triển khai vũ khí hạt nhân ở Crimea". Để chống lại tình trạng đó, theo quan điểm của ông, cần phối hợp tương tác và nỗ lực chung có hệ thống của tất cả các quốc gia hàng đầu trên thế giới.
Bàn luận về tuyên bố của Kiev, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Putin - ông Dmitry Peskov nói rằng, Điện Kremlin không thể tiếp nhận tuyên bố kể trên một cách chính thức và coi đây là ví dụ điển hình về chuyện tiếp diễn “cơn thần kinh của lãnh đạo Ukraine”, muốn vu vạ đất nước Nga.
Ông Peskov cáo buộc giới chức lãnh đạo Kiev tự mình tung ra thông tin này mà không hề nắm được chứng cứ gì cụ thể, rồi sau đó bản thân họ lại hoảng sợ những gì chính họ đã tưởng tượng ra. Hiển nhiên, Nga không thể coi những lời lẽ như vậy là nghiêm túc.
Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD của Mỹ
Đòn đáp trả của Nga còn đáng sợ hơn nhiều
Ngày 20-5, Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm phân tích địa chính trị Nga Leonid Ivashov cho biết, nếu Ukraine triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa (của Mỹ) nhằm vào nước này, Moscow có thể sẽ đưa ra 3 biện pháp đáp trả “thích đáng”.
Thứ nhất là Nga có thể xem xét công nhận chủ quyền của là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) - 2 nước cộng hòa ly khai đông nam Ukraine đã nhiều lần đề nghị Nga sáp nhập vùng đất kiểm soát thực tế của họ vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Từ trước đến nay Nga đều lảng tránh trả lời trực tiếp về vấn đề này, ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã từng nói, Nga chưa từng nghĩ tới việc sáp nhập 2 nước cộng hòa ly khai thuộc vùng Donbass, mọi việc “phải tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà quyết định”.
Nếu Ukraine mang các hệ thống vũ khí của NATO đến sát nách Nga, mặc dù chưa chắc Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ của mình, nhưng Nga hoàn toàn có thể sẽ công nhận quyền độc lập và dang tay bảo hộ cho DPR và LPR giống với các vùng lãnh thổ ly khai khác như Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia.
Thứ 2 là Nga sẽ xem xét mở rộng thành phần cụm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đây là một hành động nhằm nâng cao khả năng xuyên phá qua các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ, nếu nó được triển khai ở Ukraine, bởi Kiev không có khả năng xây dựng các hệ thống như vậy.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga
Đây là điều mà Nga thường tuyên bố khi đề cập đến mối đe dọa của các hệ thống NMD Mỹ triển khai tại châu Âu nhằm vào Nga. Tuy nhiên, nếu Ukraine mang hệ thống NMD của Mỹ đến sát nách lãnh thổ Liên bang Nga, rất có thể Moscow sẽ thẳng tay làm thật chứ không còn dọa nữa.
Nga có thể triển khai tới Crimea các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, máy bay ném bom Tu-22M3 với tên lửa chống hạm “sát thủ tàu sân bay” Kh-22 Raduga hoặc thậm chí là cả Tu-160 và Tu-95MS với tên lửa hành trình Kh-101/101 có tầm phóng lên tới 10.000km. Hơn thế nữa, tất cả các tên lửa đạn đạo và hành trình này đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thứ 3 là Nga sẽ siết chặt công tác quản lý và thẳng tay “trừng trị” việc chiến hạm NATO từ Địa Trung Hải vi phạm các quy định ra vào và lưu trú trong Biển Đen, thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, theo tinh thần và những điều khoản quy định của Công ước Montreux 1936.
Theo quy định trong Công ước này, tàu thuyền có lượng giãn nước quá 45.000 tấn sẽ không được phép đi qua eo biển Bosphorus. Một vấn đề khác là các tàu chiến không thuộc các nước khu vực biển Đen sẽ không được lưu trú quá 21 ngày.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhiều lần cáo buộc tàu chiến NATO thường xuyên vi phạm quy định về thời gian lưu lại biển Đen hoặc “chống đối” bằng cách ra lấy lệ rồi lại vào ngay. Trước đây, các quan chức quốc phòng Nga đã từng tuyên bố, nếu tàu chiến NATO vi phạm, nước này có quyền bắn chìm.
Ông Ivashov kết luận, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, Hoa Kỳ đã muốn chiếm căn cứ của Hạm đội biển Đen và âm mưu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Crimea và miền đông Ukraine để uy hiếp lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Moscow sẽ đáp trả xứng đáng những mối đe dọa đến an ninh của Liên bang Nga.
Theo: An ninh Thủ đô