Vũ khí mới này được đưa tin là do Ả rập Xê-út tài trợ. Hệ thống này được thiết kế để cạnh tranh với hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander tiên tiến của Nga. Phát biểu trước truyền thông Ukraine, các nhà phân tích đã khoe khoang về hệ thống vũ khí mới này và cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ sớm được triển khai trong tháng tới. Và loại tên lửa trên có khả năng cạnh tranh với tên lửa của Nga nhưng có chi phí thấp hơn nhiều.
Theo nguồn tin trên Apostrophe của Ukraine, Grom-2 tiên tiến đến mức nó có thể thay đổi cân bằng sức mạnh giữa Ukraine và Nga và cho phép quân đội Ukraine đè bẹp các nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass. Trang này trích dẫn lời các chuyên gia trong nước và nhấn mạnh rằng tầm bắn của Grom-2 sẽ cho phép các tên lửa tấn công vào Matxcơva và hệ quả là bất kỳ nỗ lực nào gây ra cuộc tấn công toàn diện với Ukraine sẽ kết thúc bằng việc Ukraine sẽ tấn công vào các mục tiêu trên đất Nga.
Theo hãng tin Nga Sputnik, lập luận như thế là khó hiểu vì hiện không có cuộc chiến nào giữa Nga và Ukraine. Khoảng cách từ Matxcơva đến biên giới Ukraine hơn 500 km, và các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn bố trí trên đất liền (với tầm bắn hơn 500 km) đều bị cấm ở châu Âu. Và nếu Ukraine rất sốt sắng tự coi mình là một bộ phận của châu Âu, thì Kiev cũng phải tuân thủ Hiệp định này. Nếu Kiev vi phạm hiệp định thì sẽ có các hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Sputnik muốn tìm hiểu về loại vũ khí mới có thể sớm xuất hiện ở Ukraine. Chủ tịch Viện hàn lâm các vấn đề địa chính trị, TSKH quân sự Nga Konstantin Sivkov nói: "Tôi không nghĩ rằng Ukraine có khả năng tạo ra bất kỳ siêu vũ khí mới. Trước hết vì lý do đơn giản: Ngay cả nước Mỹ cũng chưa có được loại vũ khí như vậy. Quá trình tạo ra một loại vũ khí siêu mới là rất khó khăn về mọi mặt. Còn Ukraine đến nay thì một xe bọc thép mới vẫn không tạo ra nổi".
Tuy nhiên, có một quốc gia thể hiện sự quan tâm đến dự án phát triển mới của Ukraine. Ảrập Xê-út đã đặt mua và tài trợ đầy đủ cho dự án này (40 triệu USD). Các chuyên gia tự hỏi tại sao một quốc gia đang có vũ khí hiện đại của Mỹ và các tên lửa đạn đạo "Đông Phong của Trung Quốc với tầm bắn đến 2.800 km, bây giờ lại muốn có cả hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật của Ukraine?
Sputnik giả định rằng, dự án tên lửa Grom không phải là một đơn đặt hàng của Riyadh về hệ thống tên lửa mà là cách che dấu viện trợ quân sự cho Kiev từ phía bên thứ ba trong cuộc đối đầu tiềm ẩn với Matxcơva nhằm dùng Ukraine như phương án của kế hoạch "đòn tấn công toàn cầu".
Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov chia sẻ quan điểm: "Vấn đề là ở chỗ, Nga đang làm giảm mạnh khả năng của Ảrập Xê-út về thiết lập sự kiểm soát trên toàn bộ khu vực Trung Đông. Có vẻ là chính bởi vậy họ muốn gây khó cho Nga. Tuy nhiên, Ảrập Xê-út không bao giờ hành động trực tiếp. Họ có tiềm lực tài chính lớn và tìm kiếm các dự án để đầu tư. Vì vậy, rất có thể dự án Grom chỉ là cách che dấu sự thâm nhập vào Ukraine để chống lại Nga".
Xét theo mọi việc Ảrập Xê-út muốn hành động theo nguyên tắc "kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta". Trong mọi trường hợp, hệ thống tên lửa Grom phải đi qua rất nhiều thử nghiệm trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt. Ukraine chưa hề phát triển và sản xuất các loại vũ khí như vậy. Do đó, rất có thể hàng triệu đô la dầu mỏ của Ả Rập Xê-út có thể "sẽ đổ xuống sông xuống biển”.
Và kích bản tồi tệ nhất sẽ là gì? Giả sử Kiev thử nghiệm Grom và định lấy đó để hăm dọa Matxcơva, sau đó đưa vào vận hành? Sputnik dẫn một vài số liệu: Khoảng cách từ thành phố Bryansk của Nga (thủ phủ của một trong những khu vực giáp với Ukraine) đến Kiev là 407 km. Tầm bắn tối đa của hệ thống tên lửa Nga Iskander-M là hơn 450 km, của Iskander-K đạt 500 km, của tên lửa chiến thuật và tên lửa hành trình là 2.000 km.
Khoảng cách theo đường thẳng từ Sevastopol - căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga - đến Kiev là 686 km. Khoảng cách tối thiểu từ biển Caspia đến Kiev là1.377 km. Còn tầm bắn thực tế đã được khẳng định của tên lửa hành trình Kalibr-NK bố trí trên tàu biển là 1.500 km. Những con số cũng nói lên nhiều điều.