Ukraine chật vật tìm đường xuất khẩu lúa mì ra thế giới, lý do vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Nga phong tỏa các tuyến đường biển trên Biển Đen, Ukraine phải tìm các lựa chọn thay thế để cung cấp lúa mì cho thị trường thế giới.
Một xe tải chất đầy hàng nông sản của Ukraine tại khu vực Chernihiv, Ukraine (Ảnh:Reuters)
Một xe tải chất đầy hàng nông sản của Ukraine tại khu vực Chernihiv, Ukraine (Ảnh:Reuters)

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát, khoảng 98% lượng hàng nông nghiệp xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển thông qua các cảng của họ ở Biển Đen. Nhưng các cảng đó giờ đã bị Nga phong tỏa, và nhiều kho dự trữ, cơ sở xuất khẩu quan trọng khác của Ukraine đã trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Nga.

Bất chấp chiến sự, các trang trại ở Ukraine được dự kiến sẽ sản xuất khoảng 30 triệu tấn lúa mì, ngô và các mặt hàng nông sản khác trong năm nay. Thương lái và các trang trại, với sự hỗ trợ của chính phủ Ukraine cùng các nước láng giềng, đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế để xuất khẩu hàng nông sản, xoa dịu tình trạng thiếu lương thực, giúp bình ổn giá cả.

Nhưng cách giải quyết đó lại không hiệu quả. Các tuyến đường mới dài hơn, thường xuyên bị ùn ứ và chi phí cũng đắt hơn. Thách thức này càng thêm lớn do cơ sở hạ tầng của Ukraine bị quá tải, trong khi nhiều cây cầu và tuyến đường sắt ở Ukraine tiếp tục hứng đòn tấn công của Nga.

Những tuyến đường mới

Cảng Constana của nước láng giềng Romania, nằm trên Biển Đen, là một trong số những lựa chọn của Ukraine, nhưng để đến được cảng này hàng nông sản của Ukraine phải được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt với khoảng cách quá xa, hoặc được tải bằng xà lan trên các cảng trên sông của Ukraine và đi theo sông Danube.

Constanta là cảng cỡ lớn, với lưu lượng 27 triệu tấn nông sản được vận chuyển mỗi năm, và nằm sát với biên giới Ukraine. Nhưng từ tháng này, nông sản của Ukraine sẽ phải cạnh tranh với hàng nông sản của Romania. Cơ sở hạ tầng quan trọng dọc tuyến đường vận chuyển này, như một cầu đường sắt ở Zatoka, gần thành phố cảng Odessa của Ukraine, liên tục bị các lực lượng Nga tấn công bằng tên lửa.

Trong những ngày gần đây, Nga nói rằng họ sẽ xem xét gỡ bỏ bớt sự phong tỏa hàng hải trên Biển Đen, cho phép một số tàu chở nông sản nối lại hoạt động, đổi lấy việc họ được gỡ bớt lệnh trừng phạt. Giới chức Ukraine nghi ngờ về đề xuất này, trong khi chính phủ các nước phương Tây nói rằng họ sẽ không gỡ bỏ lệnh cấm vận. Điều này sẽ khiến cho Ukraine tiếp tục phải tìm các tuyến đường thay thế khác.

Đường sắt

Ba Lan và Lithuania đã đề xuất cho Ukraine sử dụng các cảng của họ để xuất khẩu nông sản, nhưng tuyến đường sắt kết nối Ukraine với các cảng của nước này cũng gặp khó khăn do gặp thách thức về khả năng vận chuyển. Ukraine, Nga, Lithuania và một số nước từng thuộc Liên Xô sử dụng các tuyến đường sắt theo tiêu chuẩn của Nga. Ba Lan, Romania và phần lớn các nước còn lại của châu Âu lại sử dụng đường sắt có kích thước nhỏ hơn. Để chuyển nông sản qua biên giới, cấu trúc của các con tàu cần phải được thay đổi hoặc hàng hóa phải được chuyển sang các con tàu mới.

Tại biên giới giữa Ukraine và các nước láng giềng, một cỗ máy được thiết kế đặc biệt để chuyển các thùng hàng nông sản giữa hai tuyến đường sắt đã bị quá tải do lượng hàng tăng đột biến, điều này dẫn tới thời gian chờ đợi lâu hơn và tình trạng ùn ứ.

Đây là một vấn đề lớn đối với cảng Klaipeda của Lithuania. Nước này sử dụng đường sắt cùng kích cỡ với Ukraine. Nhưng nằm giữa hai nước này lại là Belarus, đồng minh của Nga, và các dịch vụ đường sắt của họ với Ukraine đã tạm ngừng do chiến sự. Bởi vậy, hàng nông sản của Ukraine phải chuyển sang Ba Lan, đồng nghĩa với việc các chuyến hàng bị đánh thuế hai lần, lần đầu là tại biên giới với Ba Lan và một lần nữa khi đi vào Lithuania.

An ninh lương thực

Ukraine gặp khó trong việc xuất khẩu nông sản không chỉ là vấn đề của đất nước này hay các hộ trang trại của họ. Trước khi chiến tranh bùng nổ, các hộ trang trại ở Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho thế giới, và Ukraine nằm trong top 10 các nước xuất khẩu lúa mì, ngô và lúa mạch, họ cũng là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn.

Phần lớn nông sản Ukraine đổ sang các nước đang phát triển. Thế phong tỏa của Nga đối với các cảng của Ukraine đang khiến giá lương thực tăng cao, góp phần làm nghiêm trọng tình trạng thiếu lương thực và làm nảy sinh nhiều cuộc biểu tình ở các nước nghèo hơn. Nhiều nước đang phát triển vốn phải dựa vào nguồn cung lương thực giá rẻ và đa dạng của Ukraine giờ đang chật vật tìm nguồn cung mới. Giá các loại hạt tăng cao cũng góp phần gây ra tình trạng lạm phát ở nhiều nước.