Tờ Financial Times Anh cho rằng gần đây các chuyên gia hàng không kinh ngạc phát hiện ra rằng Thiên Kiêu - một công ty hàng không chưa có tên tuổi gì của Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn của Công ty động cơ MotorSich, Ukraine.
Công ty động cơ MotorSich là một trong những nhà chế tạo động cơ máy bay vận tải và máy bay trực thăng quân dụng đẳng cấp thế giới, được thành lập từ thời kỳ Liên Xô.
Nhưng một sau khi một quan chức cấp cao Ukraine khen ngợi hợp tác hàng không này được vài tháng, một tòa án ở thủ đô Kiev, Ukraine đã lập tức quyết định đóng băng cổ phần (41%) của công ty Thiên Kiêu trong Công ty động cơ MotorSich.
Tháng trước, phán quyết liên quan của tòa án Ukraine cho rằng giao dịch “động cơ” này với phía Trung Quốc là một "âm mưu muốn làm suy yếu Ukraine".
Hiện còn chưa rõ động cơ áp dụng thủ tục pháp lý nêu trên của phía Ukraine. Đề cập đến nguyên nhân, một số nhà quan sát cho rằng trong thời điểm xung đột giữa Ukraine - Nga kéo dài, chính phủ Ukraine và Mỹ lo ngại giao dịch này có thể khiến cho Ukraine mất đi một tài sản quân sự có giá trị. Một nguyên nhân khác chính là nội bộ Ukraine đang diễn ra cuộc đấu tranh chính trị.
Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine phụ trách điều tra giao dịch này đã tiến hành khởi kiện. Họ lo ngại kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tài sản và năng lực sản xuất của Công ty động cơ MotorSich cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm suy yếu và phá hoại hoạt động sản xuất động cơ hàng không của Ukraine.
Phán quyết của tòa án còn dẫn ra các điều khoản trong Luật hình sự của Ukraine liên quan đến âm mưu phá hoại các tài sản chiến lược - những tài sản rất quan trọng đến lợi ích an ninh quốc gia.
Công ty động cơ MotorSich đã thuê 20.000 nhân viên ở Ukraine, hiện vẫn là nhà chế tạo động cơ hàng không duy nhất của Ukraine.
Mặc dù cơ quan an ninh quốc gia Ukraine từ chối công bố nhiều chi tiết hơn về cuộc điều tra này, nhưng những người trong cuộc tiết lộ hai bên đang đàm phán phương án giải quyết.
Ruslan Pukhov, chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng vấn đề của Công ty động cơ MotorSich hầu như là kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Ukraine.
Phe có ảnh hưởng lớn trong nội bộ ngành công nghiệp quân sự nhà nước Ukraine tìm cách dựa vào vấn đề này để kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Nghê Lạc Hùng cho rằng rất nhiều quốc gia rất nhạy cảm với quyền tài sản của công ty nước ngoài trong những ngành công nghiệp quan trọng. Những giao dịch liên quan đến công nghệ quân sự luôn bị chi phối bởi nhân tố chính trị. Các cường quốc phương Tây có ảnh hưởng rất lớn đối với chính phủ Ukraine.
Trong khi đó, chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng hoạt động làm ăn giữa hai nước gặp một số trở ngại là chuyện bình thường. Sự việc lần này không nên để ảnh hưởng đến xu thế hợp tác lớn giữa Trung Quốc và Ukraine.
Tờ Hoa Nam buổi sáng Hồng Kông cho rằng quyết định lần này của Ukraine sẽ hạn chế quyền kiểm soát cổ phần của công ty Trung Quốc đối với Công ty động cơ MotorSich. Theo thỏa thuận vào tháng 5/2017, công ty Thiên Kiêu rót vốn 250 triệu USD vào MotorSich. Hai bên còn đồng ý xây dựng một nhà máy lắp ráp và sửa chữa động cơ máy bay ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
Động cơ do MotorSich sản xuất được sử dụng cho máy bay vận tải An-124 và máy bay vận tải quân dụng lớn nhất thế giới An-225. Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển động cơ cho máy bay vận tải hạng nặng mới của họ. Hiện nay, máy bay quân sự Trung Quốc lệ thuộc chủ yếu vào động cơ mua của Nga.
Nhà nghiên cứu cao cấp Từ Quang Dụ từ Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc cho rằng tham khảo công nghệ của MotorSich rất có lợi cho công tác nghiên cứu phát triển động cơ máy bay tính năng cao của Trung Quốc. Nhưng cho dù không có công nghệ của MotorSich thì cũng không ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc. Bởi vì, công tác nghiên cứu phát triển của bản thân Trung Quốc đã đạt được "tiến bộ".
Chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin cho rằng Công ty MotorSich đã có nhiều năm hợp tác với phía Trung Quốc trong việc nghiên cứu phát triển, sửa chữa và cung ứng động cơ máy bay vận tải, máy bay huấn luyện và máy bay không người lái. Sau khi Liên Xô giải thể, Ukraine trở thành nguồn cung cấp công nghệ quân sự lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Nga.
Chuyên gia Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng công nghiệp quân sự Ukraine rất toàn diện, có công nghệ sản xuất tên lửa, xe tăng, rocket và động cơ, có ưu thế nhất định về động cơ. Trung Quốc và Ukraine từ lâu đã duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp trong các lĩnh vực như công nghiệp quân sự. Nhưng, công nghiệp quân sự Ukraine không chỉ hướng tới Trung Quốc, mà còn hướng tới các nước khác như Nga.