Tuyên buộc Bệnh viện FV xin lỗi bệnh nhân và bồi thường 1.000 đồng

VietTimes – Chiều 11/11, Tòa án Nhân dân (TAND) quận 7, TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ án giữa nguyên đơn là gia đình bệnh nhân quá cố N.T.C và bị đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (BV FV, có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM). HĐXX đã tuyên buộc BV FV phải xin lỗi bệnh nhân và bồi thường 1.000 đồng.
Đại diện HĐXX Tòa án Nhân dân quận 7 tuyên án vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại.
Đại diện HĐXX Tòa án Nhân dân quận 7 tuyên án vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, đại diện Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện Bệnh viện (BV) FV phải xin lỗi bệnh nhân với nội dung:

“Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của BV FV trong quá trình điều trị cho bệnh nhân N.T.C là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong đánh giá và điều trị người bệnh. Cụ thể, Bệnh viện FV đánh giá và điều trị đối với bệnh nhân N.T.C chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo. Chúng tôi chân thành gởi lời xin lỗi đến gia đình của bệnh nhân”.

Đồng thời, HĐXX tuyên buộc BV FV phải bồi thường cho gia đình bệnh nhân 1.000 đồng.

“Bệnh viện FV “chủ động” yêu cầu Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn”

Trong phiên xét xử ngày 24/10, BV FV đã cung cấp công văn 612 của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) với nội dung kết luận BV FV đã thăm khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân không có sai sót. Đồng thời, quá trình chạy chận nhân tạo có ứ dịch nhưng không phải là nguyên nhân gây tử vong.

Nguyên đơn trình bày quan điểm tại phiên tòa chiều nay
Nguyên đơn trình bày quan điểm tại phiên tòa chiều nay

Tại phiên tòa chiều nay, HĐXX đánh giá Công văn 612 của Cục Quản lý khám chữa bệnh được thu thập không đúng trình tự thủ tục luật định. Do đó, không có cơ sở chấp nhận giá trị pháp lý của ông văn này.

Trong quá trình xét xử, Tòa án đã yêu cầu thực hiện 2 lần giám định và 2 kết luận giám định của Sở Y tế và Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM không có sự đồng nhất về nội dung và nguyên nhân tử vong, không nêu cụ thể là do suy thận hay suy đa tạng.

Tuy nhiên, cả 2 kết luận này đều xác định BV FV chạy thận có sai sót, điều trị không hiệu quả. Do BV FV không tiên lượng được hết các khả năng diễn biến của bệnh, sau khi mổ chân, bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ vượt quá khả năng điều trị, dẫn đến các biến chứng nặng dần và tử vong.

Theo đơn kiện, ông L.V.V là con của bệnh nhân quá cố N.T.C (sinh năm 1935) kiện BV FV yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng. Đại diện nguyên đơn cho rằng bà C bị thận mạn tính, việc BV FV chạy thận không hiệu quả đã dẫn đến bị một loạt biến chứng và tử vong.

Cả kết luận giám định của Sở Y tế và Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM đều xác định việc chạy thận có sai sót, điều trị không hiệu quả.

Sau đó, nguyên đơn thay đổi nội dung, nêu yêu cầu buộc bị đơn phải cải chính một phần nội dung trong một bài viết liên quan đến vụ việc đăng trên một tờ báo và bồi thường 1.000 đồng mà không cần phải căn tính trên mức bồi thường thiệt hại cơ bản theo luật định.

Đại diện phía bị đơn trình bày bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gãy xương đùi trái, chấn thương gây đau đớn.

Bác sĩ thăm, khám chỉ định phẫu thuật và thống nhất với gia đình bệnh nhân là chạy thận trước khi mổ để đảm bảo an toàn. Kết quả trong khi mổ và sau khi mổ đều tốt.

Trong quá trình xét xử vụ án, TAND quận 7 đã trưng cầu giám định pháp y về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân. Các kết luận cho thấy BV FV đã có thiếu sót trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 24/10, BV FV đã công bố kết luận của Công văn 612, cho rằng mình không có sai sót trong điều trị và không gây ra cái chết của bệnh nhân.

Do đó BV FV không đồng ý với các yêu cầu của phía nguyên đơn.