Từ vụ camera quay lén người mẫu Châu Bùi: Nên học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ thanh niên 24 tuổi đặt đồng hồ gắn camera để quay lén người mẫu Châu Bùi đã khiến dư luận bức xúc. Nhìn sang Hàn Quốc, nước này đã có những hoạt động khá hữu hiệu để chống lại những kẻ xấu thời công nghệ này.

Đội tình nguyện của Hàn Quốc kiểm tra camera quay lén tại nhà vệ sinh công cộng
Đội tình nguyện của Hàn Quốc kiểm tra camera quay lén tại nhà vệ sinh công cộng

Ba lần một tuần, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, những người phụ nữ mặc áo gi lê xanh nước biển cầm máy phát hiện camera đi kiểm tra các nhà vệ sinh công cộng quanh Seoul. Họ là đội kiểm tra camera quay lén đầu tiên của Hàn Quốc.

Đội này được thành lập từ tháng 8 năm 2016 với số thành viên ban đầu là 50 người, toàn là phụ nữ. Hiện tại, đội gồm 81 tình nguyện viên nữ và nam giới được đào tạo thường xuyên để kiểm tra những địa điểm công cộng, nơi kẻ xấu dễ đặt camera quay lén. chẳng hạn như nhà vệ sinh công cộng, ga tàu điện ngầm và phòng thay đồ.

kiem tra camera quay len Han Quoc.jpg
Đội tình nguyện kiểm tra camera quay lén ở Hàn Quốc

Những chiếc camera quay lén được đặt ở bất kỳ địa điểm công cộng nào của Hàn Quốc đã trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ nước này. Họ luôn sống trong sự lo sợ bị quay lén bởi những chiếc camera tí hon.

Lee, một phụ nữ 25 tuổi cho biết: "Trước khi sử dụng bất kỳ nhà vệ sinh công cộng nào, tôi đều phải kiểm tra mọi ngóc ngách để tìm camera ẩn. Cảm giác như lúc nào cũng có ai nhìn trộm khiến tôi rất lo sợ".

Năm 2017, một nạn nhân nam đã báo cáo với trung tâm rằng anh ta tìm thấy một đoạn băng sex của mình với bạn gái trên một trang web khiêu dâm. Hóa ra đoạn phim đó được quay từ một camera ẩn được lắp trong phòng nhà nghỉ mà họ không hề hay biết.

Năm 2019, một phụ nữ ở Hàn Quốc đã tự sát sau khi phát hiện mình bị quay phim lén trong phòng thay đồ của bệnh viện.

Theo cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, 5.876 tội phạm liên quan đến hành vi quay lén đã được thống kê vào năm 2022. Nhờ sự phổ biến của các thiết bị camera gián điệp mà công cuộc đấu tranh để phòng chống loại tội phạm này ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm quay lén khá cao. Nước này đã thành lập đơn vị điều tra tội phạm tình dục trên mạng ở tất cả các tỉnh thành.

Năm 2020, Hàn Quốc từng gây chấn động châu Á khi triệt phá vụ án "Phòng chat thứ N". Đây là một trang web mà người dùng trả tiền để xem những video khiêu dâm, bạo lực tình dục, xúc phạm thân thể phụ nữ... Trang web này có gần 260.000 tài khoản đăng ký. Nó được xác định là vụ án tội phạm tình dục trực tuyến lớn nhất được triệt phá tại Hàn Quốc. Điều gây sốc hơn là thủ phạm và quản trị viên của phòng chat này chỉ là những thanh niên 22 tuổi.

Một vụ án nổi tiếng khác gây rúng động dư luận chính là trường hợp của nữ diễn viên, ca sĩ Goo Hara bị bạn trai cũ quay lén.

Từ năm 2016 đến năm 2019, trung bình có 5,000 vụ quay lén bị phát hiện mỗi năm. Theo báo cáo những nơi thường bị lắp camera quay lén nhất gồm: ga tàu điện ngầm và phòng chờ (24,2%) Ngoài ra còn có các địa điểm khác như: nhà ở (12,2%), đường phố (10%), cửa hàng (3,6%), trường học (2,4%)...

Ông Son Hae-young, chuyên gia về camera gián điệp, cho biết thiết bị quay lén thường được ngụy trang thành các vật dụng hàng ngày như điều khiển từ xa, chuột máy tính, đồng hồ đeo tay, móc quần áo, bút máy, bức tranh, thậm chí là cả ổ cắm điện, để khiến nạn nhân không nghi ngờ.

Trong trường hợp của người mẫu Châu Bùi, camera quay lén được ngụy trang dưới dạng một chiếc đồng hồ đeo tay, treo trên một cây chổi lau nhà và được giấu trong một chiếc khăn tắm đặt trong phòng vệ sinh.

camera gan trong o cam dien.jpg
Camera siêu nhỏ được đặt trong một ổ cắm điện

Ở Hàn Quốc, phụ nữ đang tự bảo vệ mình bằng cách, khi sử dụng các nhà vệ sinh công cộng, họ sẽ bít kín mọi lỗ nhỏ đáng ngờ trên tường bằng giấy vệ sinh hoặc miếng dán sticker, vì họ lo sợ kẻ xấu có thể đặt camera siêu nhỏ trong đó.

Máy dò camera quay lén là một thiết bị bán chạy ở Hàn Quốc. Trang web thương mại điện tử G-Market của Hàn Quốc cho biết doanh số thiết bị này tăng tới hơn 300% vào năm 2017 so với năm 2016, sau hàng loạt các vụ quay lén bị phanh phui.

Để phát hiện camera ẩn một cách thuận tiện hơn, một số công ty đã tung ra một loại thẻ nhựa có gắn một lớp giấy bóng kính màu đỏ. Người dùng chỉ cần gắn thẻ nhựa này vào điện thoại, phần giấy bóng kính đặt trên camera, bật đèn flash của camera và chụp ảnh điểm đáng ngờ. Bức ảnh thu được sẽ có một chấm sáng nhấp nháy cho biết vị trí của ống kính camera quay lén.

the nhua phat hien camera gian diep.jpg
Tấm thẻ nhựa với lớp giấy kính màu hồng ghi gắn vào điện thoại thông minh có thể phát hiện camera giấu kín

Ngoài đội kiểm tra camera quay lén kể trên, chính quyền thành phố Seoul còn yêu cầu 500 chủ doanh nghiệp và một số công dân làm thành viên danh dự của đội này. Họ có thể phối hợp cùng các đội viên tiến hành kiểm tra mọi địa điểm trong phạm vi pháp luật cho phép.

Ở Việt Nam, thiết bị dò camera quay lén cũng được bán với giá khá rẻ, chỉ từ 100-300 nghìn đồng trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, dường như ít người quan tâm đến việc mình trở thành nạn nhân của quay lén, ngoại trừ giới nghệ sĩ.

Trường hợp một nữ sinh viên thuê trọ vừa lên tiếng tố cáo chủ nhà trọ - một người từng làm trong ngành quân đội - đặt camera quay lén trong nhà tắm của cô và những người cùng thuê trọ, đã cho thấy mọi người, nhất là phụ nữ trẻ, đều có thể trở thành nạn nhân của camera quay lén.

Nhiều ý kiến cho rằng đến lúc cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn việc buôn bán các thiết bị camera gián điệp trên thị trường. Nhà nước cần có những chế tài nặng hơn cho tội phạm quay lén hình ảnh nhạy cảm. Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng phòng ngủ khách sạn, nhà vệ sinh công cộng. Việc thành lập một đội tự nguyện, giống như đội kiểm tra camera quay lén của Hàn Quốc nói trên, cũng là một cách để ngăn chặn vấn nạn này.