Các nước châu Á nên đầu tư vào chip bán dẫn với sự trợ giúp từ ngân quỹ nửa tỉ USD của chính phủ Hoa Kỳ - Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu tại Hà Nội chiều 21/7.
Bà Yellen thừa nhận Hoa Kỳ không thể độc quyền ngành công nghiệp chip, mặc dù đã thông qua "Đạo luật Khoa học và Chip" vào năm ngoái để đầu tư cho các công ty xây dựng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ. Hàng tỉ USD đã được phân bổ cho hoạt động sản xuất ở Mỹ, nhưng bà Yellen lưu ý rằng chương trình này còn bao gồm 500 triệu USD cho các khoản đầu tư tương tự trên phạm vi toàn cầu.
“Quỹ này có thể giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn đa dạng và linh hoạt của riêng họ” - Bộ trưởng Tài chính Yellen nói trong bài phát biểu tại Hà Nội, đồng thời, cho biết thêm rằng điều này có lợi cho nền kinh tế Mỹ. "Không quốc gia nào có thể hoặc nên thực hiện điều này một mình."
Bà Yellen lấy ví dụ ở Việt Nam, tại một địa điểm cách cách nơi bà đứng chưa đầy một giờ lái xe (Bắc Ninh-PV), Amkor Technology đã sẵn sàng mở một “siêu nhà máy hiện đại để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn”.
Việt Nam là nơi lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất toàn cầu của Intel, một phần của quan hệ thương mại song phương đang phát triển mà bà Yellen cho rằng chỉ có thể thực hiện được sau khi hai nước khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Bà có bài phát biểu tại khách sạn Metropole - khách sạn do Pháp xây dựng và là nơi trú ẩn tránh bom từng được những người nổi tiếng phản chiến Hoa Kỳ là diễn viên Jane Fonda và ca sĩ Joan Baez đến thăm.
"Tôi tin rằng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được phát triển dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Nó bắt nguồn từ công việc của chúng tôi để giải quyết các di sản của chiến tranh" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.
Thương mại Việt - Mỹ đã bùng nổ. Viện Brookings tính toán rằng việc chuyển hướng kinh doanh sang quốc gia Đông Nam Á này đã giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng hơn gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2021, đạt 100 tỉ USD.
Điều đó được thúc đẩy bởi hàng hóa như đồ nội thất và điện thoại di động, Viện Brookings cho biết. Nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Samsung Electronics, vốn tập trung vào thiết bị di động, nhưng năm ngoái đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất chất nền chip tại một nhà máy phía bắc.
Gần một nhà máy khác của Samsung Việt Nam, Amkor Technology dự kiến sẽ mở rộng cơ sở đóng gói chip tiên tiến với chi phí 250 triệu USD. Tại tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác là Onsemi đang sản xuất chip được sử dụng cho xe điện.
Trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Tổng thống Joe Biden theo đuổi cách tiếp cận gọi là "friendshoring" - xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và đáng tin cậy với các quốc gia bằng hữu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rằng sự vững vàng kinh tế trong dài hạn sẽ cần đến chuỗi cung ứng đa dạng hóa. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia đáng tin cậy, trong đó có Việt Nam.
"Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", bà Yellen khẳng định.
Mặc dù thúc đẩy việc mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong khu vực, bà Yellen cũng bày tỏ lo ngại rằng "hầu như tất cả hoạt động sản xuất chip tiên tiến nhất đều tập trung ở Đông Á."
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang tìm cách khai thác các khoản trợ cấp của Đạo luật Khoa học và Chip để xây dựng một nhà máy chế tạo ở Arizona, nhưng đã bị trì hoãn do thiếu công nhân có trình độ.