Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra mắt tờ báo Thanh Niên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 99 năm, nền báo chí cách mạng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng.
Các nhà báo với "tâm sáng, lòng trong, bút sắc" - như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, VietTimes đã có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT), nguyên Trưởng ban Nhân dân điện tử, về quyền và nghĩa vụ của nhà báo khi tác nghiệp, tiếp nhận thông tin từ cơ quan hành chính nhà nước.
- Nói về quyền của nhà báo, thì quyền quan trọng nhất là tiếp cận thông tin. Xin ông chia sẻ đôi điều về quyền này?
Nhà báo Lê Nghiêm: Có thể nói nhà báo Việt Nam có quyền tiếp cận thông tin khá rộng theo quy định của luật pháp.
Để nói về quyền tiếp cận thông tin của nhà báo thì phải bắt đầu từ Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà Thủ tướng chính phủ ban hành lần đầu tiên vào năm 2007. Đến năm 2013, quy chế này được bổ sung, sửa đổi và đến năm 2017 thì Chính phủ ban hành Nghị định 09 về trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Như vậy là có 3 văn bản quy định về quyền tiếp cận thông tin của báo chí Việt Nam. Cùng với Luật báo chí 2016, các văn bản pháp lý nói trên quy định quyền tiếp cận thông tin của nhà báo là khá rộng, cởi mở và tiến bộ.
- Trên thực tế, nhiều nhà báo khi làm việc với các địa phương hoặc cơ quan nhà nước vẫn gặp phải những khó khăn. Nguyên nhân có phải vì các bên chưa hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình?
Nhà báo Lê Nghiêm: Có thể nói bên cạnh những kết quả đạt được của việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo thì vẫn có những vướng mắc, khó khăn. Khi tiếp cận được nguồn thông tin rồi thì việc có được thông tin lại tương đối chậm.
Nhiều cơ quan nhà nước cũng còn lúng túng, không rõ ai là người có trách nhiệm phát ngôn với nhà báo trong từng thời điểm. Tiếp theo là quy trình, thủ tục thực hiện trách nhiệm phát ngôn như thế nào cho kịp thời, đầy đủ, bảo đảm chất lượng.
Để khắc phục hạn chế này, cần phải xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo khảo sát của tôi thì rất nhiều nhà báo cũng như cơ quan nhà nước, địa phương không hiểu rõ ai là người chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin với báo chí.
Luật đã quy định rất rõ là người phát ngôn trong cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam phải là người đứng đầu cơ quan. Trên thực tế, trong nhiều cơ quan hành chính, đặc biệt là cấp sở và cấp quận, huyện, các giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện thường nghĩ rằng mình không cần phải làm công tác phát ngôn, mình có thể giao cho một người khác thực hiện. Đấy là một sai lầm. Họ không thể giao việc lại cho người khác được, chỉ được ủy quyền thôi. Mà ủy quyền là tạm thời chứ không thể làm thay.
Hầu hết các tỉnh trên cả nước cứ 1-2 năm lại tổ chức tập huấn về công tác phát ngôn với báo chí. Nhưng tôi theo dõi hàng trăm cuộc tập huấn như thế thì tuyệt đại đa số các giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện vắng mặt, không tham gia tập huấn mà giao cho một người khác. Như thế là trong nhận thức của họ đã có sự nhầm lẫn rồi.
Về phía các nhà báo cũng không nắm rõ ai là người có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho mình. Cho nên khi giám đốc sở cho một cán bộ cấp dưới làm việc với nhà báo, thì như vậy báo chí đã làm việc với người không có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin.
Người phát ngôn của cơ quan nhà nước là người duy nhất phát ngôn nhân danh cơ quan nhà nước. Thông tin do người phát ngôn đó cung cấp mới là thông tin chính thức, còn khi giao cho cán bộ khác phát ngôn thì không thể đại diện cho cơ quan đó được. Cho nên thông tin do cán bộ khác cung cấp cho nhà báo có thể coi là thông tin không chính thức.
Nhà báo khi có được thông tin rồi thì vẫn phải kiểm chứng thông tin. Bởi vì thông tin này mà chưa đúng thì nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm. Nhà báo kiểm chứng thông qua ai? Vẫn phải kiểm chứng qua người phát ngôn - người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Cho nên tôi muốn nhấn mạnh là những vướng mắc ban đầu trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo có nguyên nhân từ cả hai bên. Cơ quan nhà nước và nhà báo cần xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm phát ngôn ở từng thời điểm. Trong từng trường hợp thì người nào chịu trách nhiệm phát ngôn và có thẩm quyền phát ngôn nhân danh cơ quan nhà nước.
- Có trường hợp nào người phát ngôn hợp pháp không phải là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không, thưa ông?
Nhà báo Lê Nghiêm: Có chứ. Đó là người được giao nhiệm vụ phát ngôn thường xuyên. Tức là bên cạnh người phát ngôn chính chủ (người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước) thì có quy định về người được giao nhiệm vụ phát ngôn thường xuyên. Trong một số cơ quan nhà nước thì nhà báo làm việc và nhận thông tin từ người được giao nhiệm vụ phát ngôn thường xuyên. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với một số cơ quan quản lý cấp nhà nước.
Chẳng hạn Chính phủ thì có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người được giao nhiệm vụ phát ngôn thường xuyên. Thủ tướng không trực tiếp phát ngôn và cung cấp thông tin cho nhà báo. Nhà báo phải làm việc qua người phát ngôn thường xuyên.
Thứ hai là ở cấp Bộ, nhà báo cũng không làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, rất ít khi, thay vào đó là Chánh văn phòng Bộ. Ở cấp Tổng cục trưởng cũng như thế và ở cấp tỉnh cũng như thế. Nhà báo sẽ tiếp nhận thông tin từ Chánh văn phòng UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương, chứ không làm việc trực tiếp với Chủ tịch tỉnh.
Ngoài ra, nhà báo cũng có thể làm việc với người được ủy quyền phát ngôn. Có hai cơ chế ủy quyền. Cơ chế thứ nhất là thủ trưởng cơ quan nhà nước ủy quyền cho một cán bộ cấp phó để phát ngôn thay mình trong từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ như Thủ tướng ủy quyền cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng, Tổng cục trưởng ủy quyền cho Tổng cục phó. Chủ tịch tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tỉnh để phát ngôn thay mình trong từng trường hợp cụ thể.
Cơ chế thứ hai là ủy quyền cho cấp dưới trực tiếp. Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Bộ trưởng phát ngôn thay. Bộ trưởng và Tổng cục trưởng có thể ủy quyền cho một Vụ trưởng hay một Cục trưởng phát ngôn thay trong từng trường hợp. Chủ tịch tỉnh cũng có thể ủy quyền cho một Giám đốc Sở để phát ngôn thay mình trong từng trường hợp cụ thể.
3 trường hợp cần phát ngôn, cung cấp thông tin nhanh
- Nhà báo có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin nhanh nhất có thể không, thưa ông?
Nhà báo Lê Nghiêm: Luật quy định là trong trường hợp đột xuất nhà báo có quyền tiếp cận thông tin ngay lập tức và cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho nhà báo. Đây là đặc quyền của nhà báo Việt Nam.
Có 3 trường hợp cơ quan nhà nước phải thực hiện việc phát ngôn đột xuất:
Trường hợp thứ nhất là khi xảy ra sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn đến xã hội thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
Trường hợp thứ hai là khi có nhiều ý kiến không thống nhất, khi dư luận tranh cãi về một vấn đề, sự việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước thì cơ quan nhà nước phải lên tiếng, phải phát ngôn đột xuất.
Trường hợp thứ ba là khi cơ quan nhà nước bị báo, đài phản ánh về sự việc của mình thì cơ quan nhà nước cũng phải lên tiếng.
Nhà báo cần phải biết được những trường hợp nào mình có quyền tiếp cận thông tin nhanh, còn những trường hợp nào thì luật không quy định quyền này.
Luật Tiếp cận thông tin ban hành năm 2016 (có hiệu lực từ 1/7/2018) quy định quyền tiếp cận thông tin nhanh của mọi công dân chứ không phải chỉ có các nhà báo, nhưng các nhà báo lại không biết sử dụng quyền của mình theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin để có được thông tin nhanh trong mọi trường hợp.
Luật Tiếp cận thông tin quy định: Khi nhà báo cần có thông tin, có thể liên hệ thẳng với cơ quan nhà nước. Nhà báo đề nghị cơ quan nhà nước cung cấp phiếu để điền vào mình cần thông tin gì, tài liệu gì.
Thông tin mà có sẵn thì cơ quan nhà nước sẽ cung cấp cho nhà báo ngay tại chỗ. Nhà báo được xem, đọc tài liệu đó và có thể sao chụp tài liệu để sử dụng.
Trong trường hợp khác thì nhà báo với tư cách là một công dân cũng có thể tiếp cận thông tin nhanh từ cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Quy định này rất nhiều nhà báo không biết.
Khi nhà báo đến và yêu cầu cung cấp thông tin, nếu thông tin có sẵn họ sẽ được cung cấp ngay. Những thông tin không có sẵn thì luật quy định là sau 3 ngày trả kết quả. Có những loại thông tin phải tổng hợp lại thì luật quy định là 7 ngày.
Có thể thấy Luật Tiếp cận thông tin là một công cụ rất quan trọng để giúp nhà báo thực hiện quyền tiếp cận thông tin nhanh.
- Liệu nhà báo có quyền được cung cấp mọi loại thông tin không thưa ông, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước?
Nhà báo Lê Nghiêm: Điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin có liệt kê danh mục 45 loại thông tin, tài liệu mà các cơ quan nhà nước phải chủ động công khai cho dân biết kể từ lúc ban hành văn bản đó, hoặc nhận được văn bản đó từ cấp trên.
Qua khảo sát của tôi, kể từ khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thì nói chung các cơ quan nhà nước chưa công khai kịp thời và đầy đủ tất cả những loại thông tin được quy định trong luật. Những cơ quan chủ động công khai thông tin theo quy định gần như rất ít.
Ngược lại, người dân cũng không biết được mình có quyền tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước. Theo khảo sát, 95% người dân Việt Nam không biết mình có quyền tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước theo Luật Tiếp cận thông tin.
Như vậy một quy định của luật pháp rất hay nhưng người dân nói chung không biết, rất nhiều nhà báo cũng không biết mình rằng có 45 loại thông tin họ quyền tiếp cận nhanh từ cơ quan nhà nước.
5 trường hợp từ chối phát ngôn và từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
- Vậy những trường hợp nào mà người phát ngôn có thể từ chối cung cấp thông tin cho báo chí?
Nhà báo Lê Nghiêm: Nhà báo cũng cần phải biết bên phía cơ quan nhà nước có những quyền nhất định mà nhà báo phải tôn trọng. Có một số vụ tranh cãi giữa nhà báo và cơ quan nhà nước vì bản thân nhà báo không hiểu hết quyền của người phát ngôn của cơ quan nhà nước. Ví dụ quyền từ chối phát ngôn và từ chối cung cấp thông tin cho nhà báo.
Điều 38 Luật báo chí 2016 quy định có 5 trường hợp người phát ngôn cơ quan nhà nước có quyền từ chối phát ngôn và từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ nhất, đó là khi nhà báo yêu cầu cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước và các loại bí mật khác.
Thứ hai là nhà báo yêu cầu cung cấp thông tin về vụ việc đang trong quá trình điều tra. Thứ ba là nhà báo yêu cầu cung cấp thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra, chưa kết thúc.
Thứ tư là thông tin về vụ việc đang giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thứ năm là những văn bản đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của luật pháp thì chưa được phép công bố.
- Ngoài gặp gỡ với người phát ngôn, nhà báo còn có thể tiếp cận nguồn tin ở đâu thưa ông?
Nhà báo Lê Nghiêm: Người phát ngôn có quyền lựa chọn một hoặc một số trong 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin. Nói cách khác nhà báo có 6 cách tiếp nhận thông tin từ cơ quan nhà nước, chứ không phải lúc nào cũng phải gặp gỡ người phát ngôn.
Hình thức thứ nhất là cơ quan hành chính nhà nước chủ động công bố công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử đối với 45 loại thông tin theo quy định của pháp luật. Chính quyền trên khắp thế giới đều áp dụng hình thức này rất hiệu quả, tiện lợi, đơn giản, không cần thiết phải đón các nhà báo, không cần phải trả lời phỏng vấn gì cả.
Hình thức thứ hai là cơ quan nhà nước chủ động gửi thông cáo báo chí cho cơ quan báo chí. Hình thức thứ ba là cơ quan nhà nước tiếp nhận câu hỏi của nhà báo và gửi lại câu trả lời cho nhà báo.
Hình thức thứ tư mới là tiếp đón phóng viên trực tiếp và trả lời phỏng vấn trực tiếp. Việc tiếp đón phóng viên và trả lời phỏng vấn thì người phát ngôn có quyền lựa chọn. Còn khi cùng một lúc có nhiều cơ quan báo, đài yêu cầu phỏng vấn thì họ sẽ tổ chức họp báo để cùng một lúc đáp ứng yêu cầu thông tin của nhiều cơ quan báo chí.
Hình thức thứ sáu là cung cấp thông tin tại giao ban báo chí. Giao ban báo chí định kỳ ở Trung ương thì một tuần một lần, ở địa phương thì một tháng một lần. Tại giao ban báo chí, người phát ngôn có thể trả lời câu hỏi của phóng viên tại chỗ.
Như vậy có 6 hình thức tiếp cận thông tin của nhà báo và đồng nghĩa người phát ngôn có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin. Cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn hình thức nào để thực hiện trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
- Những thông tin nào bị hạn chế theo quy định của pháp luật?
Nhà báo Lê Nghiêm: Có một số loại thông tin mà nhà báo không được tiếp cận. Thứ nhất, chắc chắn rồi, đó là thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, những văn bản của nhà nước được đóng dấu tối mật, tuyệt mật.
Thứ hai là bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh thì nhà báo cũng không được tiếp cận. Nhà báo muốn tiếp cận các thông tin này thì phải có điều kiện, tức là có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu những thông tin đó thì cơ quan nhà nước mới cung cấp.
Có một số cơ quan đặc thù có quy định về bí mật công tác, ví dụ như quân đội, công an, thanh tra tòa án có những bí mật công tác theo quy định của luật pháp thì nhà báo cũng không được tiếp cận.
Thứ ba là thông tin bí mật theo quy định và nguyên tắc của Đảng, không phải bí mật Nhà nước.
Thứ tư là những thông tin nhạy cảm. Thông tin nhạy cảm là loại thông tin không phải bí mật nhưng nó rất hấp dẫn, người dân rất muốn biết. Vì là những vấn đề nhạy cảm nên việc khai thác và công bố thông tin của nhà báo cần phải được cân nhắc.
Tư duy Chính phủ mở
- Ông có muốn chia sẻ thêm điều gì về quyền tiếp cận thông tin của báo chí không?
Nhà báo Lê Nghiêm: Quyền tiếp cận thông tin của báo chí được luật pháp quy định rất đầy đủ, rõ ràng và rất tiến bộ. Luật pháp Việt Nam bây giờ thể hiện một tư duy chính phủ mở đối với xã hội, đối với báo chí. Tư duy Chính phủ mở là tư duy tiến bộ, văn minh trên thế giới. Nó khác với tư duy Chính phủ đóng.
Tư duy Chính phủ đóng thì coi tất cả những thông tin mà cơ quan nhà nước nắm giữ thuộc quyền sở hữu của chính quyền. Chính quyền thấy cần phải mở, cung cấp, công bố công khai thông tin cho dân biết thì do tùy tâm.
Về tổng thể mọi thông tin do chính quyền nắm giữ là đều là bí mật, chính quyền đều phải giữ lại. Đấy là sở hữu của chính quyền, chính quyền công bố một số thông tin cho người dân biết thôi. Việt Nam ngày xưa đã tư duy theo kiểu chính phủ đóng, nhưng hiện tại Việt Nam được coi là một thành viên của câu lạc bộ các chính phủ mở trên thế giới.
Tư duy chính phủ mở coi tất cả những thông tin, tài liệu mà chính quyền nắm giữ là tài sản của dân, là tài sản của xã hội. Về mặt nguyên tắc, mọi thông tin, tài liệu của chính quyền Việt Nam đều mở cho xã hội, bởi vì đó là nguồn lực phục vụ sự phát triển của xã hội.
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!