Báo chí “đau đầu” lo kinh tế và công nghệ AI

E-magazine Báo chí “đau đầu” lo kinh tế và công nghệ AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến báo chí như thế nào, có khiến nhà báo mất việc không? Đó là vấn đề mà GS.TS Nguyễn Đức An, Đại học Bournemouth (Anh quốc), chia sẻ với VietTimes.

tit phu 1 bai nda.jpg

- Nhiều nhà báo đang cảm thấy lo bị mất việc khi AI đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào quy trình tác nghiệp của báo chí, đặc biệt là sự ra đời của ChatGPT. Theo GS, có phải đây là nỗi lo hiện hữu?

- GS Nguyễn Đức An: Tôi nghĩ ngược lại: cần phải xem AI như là cơ hội để nhà báo được xã hội ghi nhận nhiều hơn nữa, chứ không phải là mối đe doạ về sự tồn vong.

Nỗi lo AI sẽ thay thế con người phổ biến trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng nhìn chung đó là nỗi lo thái quá, không đáng có, nhất là với những ngành nghề chuyên nghiệp đòi hỏi tư duy sáng tạo, chuyên môn sâu và phản biện như báo chí.

Về bản chất, AI dựa trên việc sử dụng máy tính để xử lý các nguồn dữ liệu thô sẵn có, nhằm giúp cho máy móc có thể “tư duy” và tự động làm – và làm rất hiệu quả – một số công việc của con người. Tôi nhấn mạnh là chỉ một số, chứ không phải tất cả, mọi công việc của con người.

Với báo giới, lo lắng về việc bị AI thay thế bắt đầu lan rộng khi OpenAI ra mắt ChatGPT hồi tháng 11/2022. Đùng đùng xuất hiện một công cụ máy tính có thể tự phác thảo ý tưởng, tự phân tích dữ liệu, tự tạo hình ảnh, âm thanh, tự lên kịch bản và bố cục, tự sắp đặt mọi thứ thành tin bài trong vài giây. Cho nên, một số nhà báo “phát hoảng”, tưởng như họ sắp trở nên thừa thải trong dây chuyền sản xuất báo chí.

Nhưng nếu lùi lại một bước để nhìn lại, bạn sẽ dễ nhận ra ChatGPT – và các công cụ AI tạo sinh nói chung – chỉ là những sản phẩm học máy (machine learning), dựa trên dữ liệu sẵn có. Khi người dùng đưa câu lệnh (prompt), các công cụ này sử dụng thuật toán và mô hình được đào tạo trên các bộ dữ liệu khổng lồ, để mô phỏng và tạo nội dung “mới” theo những gì đã có trước đó.

Thiết kế chưa có tên (22).jpg

Mặc dù điều này khiến chúng trở thành một công cụ tạo sinh văn bản, hình ảnh, âm thanh… rất hiệu quả, chúng sẽ chẳng bao giờ thay nhà báo trong công việc trọng yếu nhất của nghề. ChatGPT hay Gemini không thể hóng tai, mở mắt trước dòng chảy xã hội, không thể đi quan sát hiện trường, tìm nguồn tin, phán đoán và xử lý tình huống phức tạp, khai thác câu chuyện theo bối cảnh, điều tra và kiểm chứng thông tin… Những thứ đó đòi hỏi cái căn cơ nhất làm nên xã hội loài người – sự tương tác giữa người với người – cũng như nền tảng cơ bản nhất làm nên nhà báo là khả năng săn lùng và kiểm chứng thông tin.

Ở đây, cũng xin nhắc rằng các công cụ AI tạo sinh tuy hiệu quả và ấn tượng vậy đó, nhưng không dựa trên khả năng thẩm định thông tin như nhà báo. Chúng chỉ được đào tạo để kết nối hàng tỉ tỉ điểm dữ liệu khác nhau, mô phỏng theo đó để đưa ra phiên bản cuối cho người dùng, nhưng hãy coi chừng. Trong kho dữ liệu khổng lồ đó, có đủ thứ thượng vàng hạ cám, kể cả các loại tin vịt, tin giả, những thông tin mang tính phân biệt về chủng tộc, giới tính, thành phần xã hội, và rất nhiều nội dung phản cảm xã hội và nguy hiểm khác.

quote 1 gs nda.jpg

Chưa kể, các mô hình phỏng đoán nhiều lúc cho ra nhiều nội dung mô phỏng sai lệch đến buồn cười. Cuộc bầu cử Anh quốc sẽ diễn ra vào ngày 4/7 tới, nhưng bây giờ (đầu tháng sáu), nếu bạn hỏi, ChatGPT sẽ trả lời ngay (ở thì quá khứ) là Đảng Lao động đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Anh, với những dòng mô tả rất tỉ mỉ họ thắng thế nào và vì sao.

Trên thực tế, giới công nghệ AI thấy điều đó, cho nên họ đã và đang tìm cách kéo báo giới về cùng mình, để báo giới cho phép họ sử dụng các cơ sở dữ liệu báo chí trong việc đào tạo các nền tảng AI tạo sinh. Chẳng hạn, OpenAI đã thỏa thuận với Associated Press để được phép vào kho lưu trữ tin tức của AP từ năm 1985 – ngược lại AP lấy quyền truy cập về sản phẩm và công nghệ của OpenAI. OpenAI cũng đã bỏ ra nhiều tiền vào dự án hỗ trợ tin tức phi lợi nhuận, để sử dụng tin bài từ các dự án này trong việc đào tạo ChatGPT.

Đó là tôi mới nói về bề mặt. Đi sâu thêm vào thế giới “học sâu” (deep learning) của AI tạo sinh, ta sẽ nhận ra rằng nhiều tác nhân xấu, các chiến dịch PR bẩn, đang càng ngày càng tinh vi tận dụng AI để tạo ra những nội dung làm nhiễu loạn dư luận, đổi trắng thành đen, gieo rắc sự nghi kỵ, chia rẽ các cộng đồng vì mục đích ý thức hệ, chính trị, tài chính-thương mại và/hoặc văn hoá. OpenAI đã phát triển công cụ Sora biến từ ngữ thành video rất “khủng” nhưng ngần ngại tung ra thị trường ngay, vì những lo ngại về an toàn, nhất là trong năm nhiều cuộc bầu cử quan trọng này.

Ngay cả khi chưa có Sora, mọi thứ đã bắt đầu hỗn loạn rồi! Trong cuộc bầu cử ở Ấn Độ vừa rồi chẳng hạn, người ta dùng AI để giả giọng nói, hình ảnh các chính trị gia thật đến nỗi ngay những người thẩm định hình ảnh-âm thanh chuyên nghiệp cũng không thể phát hiện được bằng những công cụ điều tra truyền thống. Các nhà báo Ấn Độ phải tìm đến các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước để lấy lửa chữa lửa, tức là phối hợp với giới khoa bảng phát triển công cụ AI nhằm phát hiện và phơi bày những cái giả do chính “AI xấu” tạo ra.

Tôi nói vài khía cạnh như thế thôi, chứ còn nhiều thứ để khẳng định rằng, trong một thế giới đang ngày càng dựa vào AI tạo sinh, nhà báo – nếu vượt qua khó khăn để tiếp tục theo đuổi những chuẩn mực đạo đức nghề, kết hợp tư duy AI và bề dày kinh nghiệm hằng trăm năm trong phân định trắng đen, phải trái, tốt xấu – có lẽ còn quan trọng hơn chứ không phải thừa thải đi.

- Tuy vậy, giới báo chí cũng không thể phủ nhận khả năng AI thay thế rất nhiều việc quan trọng trong quy trình làm báo, thưa Giáo sư!

- GS Nguyễn Đức An: Chính xác – và cần xem đó như một cơ hội có một không hai cho nghề báo, để tự động hoá nhiều việc trong quy trình tác nghiệp, cũng như phương thức truyền tải, phân phối tin bài đến độc/khán/thính giả.

Chẳng hạn, với các loại tin đơn giản, hoặc tin có tính thông báo, lặp đi lặp lại về bản chất (chẳng hạn như tin tài chính, kết quả thể thao, thời tiết..), nhà báo không còn cần hằng giờ để viết, chỉ cần nhập dữ liệu cần thiết để công cụ AI làm trong vài giây. Hay thay vì bỏ cả ngày để lên ý tưởng rồi tạo infographics, làm các sản phẩm âm thanh-hình ảnh, hay xử lý số liệu, toà soạn có thể nhờ AI hỗ trợ trong chớp mắt, đôi khi với nhiều sản phẩm thượng hạng, vượt trí tưởng tượng.

anh minh hoa bai nda.jpg

Rồi nhiều đoạn việc nhỏ khác như tìm ý tưởng, nguồn tin, phác thảo nội dung, lên câu hỏi phỏng vấn, dịch thuật tư liệu, chỉnh sửa bản thảo… Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng AI trong báo chí có thể giúp tự động hóa công việc của biên tập viên tới 9% và công việc của phóng viên lên 15%. Một tờ báo Thuỵ Sĩ dùng AI tạo ra được nhiều bản tin địa phương diện hẹp (hyperlocal newsletters), nhưng cắt đi 80% thời lượng sản xuất chúng.

Nói chung, nếu biết tận dụng AI, nhà báo có thêm nhiều thời gian để tập trung vào các bài có chiều sâu, những nội dung đòi hỏi chuyên môn và sự tập trung cao hơn. Tuy nhiên, khảo sát gần đây do Cision thực hiện ở 19 quốc gia cho thấy hơn một nửa nhà báo vẫn chưa hề sử dụng AI tạo sinh trong tác nghiệp.

- Còn ở Việt Nam thì sao, theo Giáo sư?

GS Nguyễn Đức An: Ở Việt Nam, tôi chưa có nhiều dữ liệu về vấn đề này, nhưng được biết, AI đã được một vài tòa soạn sử dụng từ khá sớm, trước ChatGPT khá lâu. VietnamPlus thử ứng dụng công cụ Wochit để sản xuất video ngắn vào năm 2016. Năm 2019, tờ Dân Trí tiên phong sử dụng AI để nhúng thêm giọng đọc vào tất cả các bài báo, cho người đọc thêm lựa chọn, nếu không muốn hoặc không tiện đọc toàn bộ văn bản như trước thì có thể nghe trực tiếp nó. Mô thức “báo nói AI” thô sơ này đang dần phổ dụng trên báo số, và một số nhà công nghệ Việt như Trung tâm Không gian Mạng Viettel đã hợp tác với nhiều báo để tích hợp các công cụ AI từ văn bản đến giọng nói (Text To Speech) vào các trang tin bài.

Một số báo cũng đã bắt đầu ứng dụng AI vào phân phối nội dung. VietnamPlus hợp tác chiến lược với một công ty công nghệ nhằm sử dụng AI để đẩy nội dung thích hợp đến người đọc, tăng lưu lượng truy cập, gợi ý các nội dung theo hành vi tin tức của người dùng, gửi các bản tin email cá nhân hoá (với tin tức chọn lọc tự động theo các nhu cầu khác nhau)… Tờ Thanh Niên đã sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả. Nhiều báo như VnExpress, Nhân Dân… gần đây cũng đã đẩy mạnh ứng dụng AI theo các hướng đó.

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mọi thứ còn chậm, thiếu sự chuẩn bị, làm kiểu ngẫu nhiên, sự vụ (cái gì dễ, tiện thì làm), chứ không theo chiến lược bài bản. Có thể tôi sai – và tôi mong là tôi sai khi nói điều này – nhưng chừng như mọi thứ vẫn chỉ mang tính phong trào. Cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối và kinh doanh tin bài, rà soát đến từng chi tiết để xác định rõ cái nào tự động hoá được, cái nào cần hoặc nên tự động, cái nào cần được đầu tư thêm về công nghệ, cần phát triển nhân sự…

Đồng thời, cũng cần định rõ chiến lược để đối đầu với các mối nguy tiềm ẩn mà AI mang lại cho môi trường tin tức, như đã nói ở trên. Chẳng hạn, nhà báo làm gì khi vừa đầu tư công sức làm một bài báo đàng hoàng, lại bị ngay ai đó sử dụng công cụ AI để “vặn bẻ”, xuyên tạc nội dung đó theo một hướng ngược lại?

Cuối cùng, cũng cần hoạch định và minh bạch hoá các chính sách và chuẩn mực sử dụng AI cho tòa soạn, để nhà báo luôn ý thức đâu là điểm dừng trong việc dùng AI tạo sinh. Những công cụ đó đầy mãnh lực, nên cũng rất cám dỗ – và chỉ có ý thức đạo đức nghề và trách nhiệm xã hội với công chúng mới có thể giúp nhà báo không lạm dụng AI, đứng vững trước những lằn ranh mong manh giữa thực tại và trí tưởng tượng, cũng như hạn chế những mặt trái đằng sau trang báo của AI.

Làm được những việc đó cần năng lực số vững chắc, nhưng đây lại là một điểm yếu, vì báo chí ta có một quá khứ chậm chạp trong chuyển đổi số, lại đang phải đối đầu với các nguy cơ sinh tồn trước mắt, nhất là sự khủng hoảng mô hình kinh doanh.

tit phu 2 bai nda.jpg

- Lâu nay ta hay nói đến chuyển đổi số báo chí. Vậy chuyển đổi số báo chí cụ thể chuyển đổi cái gì và nên bắt đầu từ đâu, nhất là trong bối cảnh việc xây dựng tòa soạn hội tụ ở Việt Nam vẫn còn khó khăn?

- GS Nguyễn Đức An: “Chuyển đổi số” là khái niệm nổi lên gần đây ở ta, nhưng là người nghiên cứu báo chí trực tuyến từ những năm đầu thập niên 2000, tôi nghĩ tiến trình chuyển đổi số đã bắt đầu từ cuối thế kỷ trước, khi Internet bắt đầu xâm nhập nhanh chóng vào đời sống con người.

Báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng đều rơi vào cái bẫy tự mãn và trì trệ của người khổng lồ. Ban đầu họ xem nhẹ Internet. Đến khi di cư lên mạng, họ cải tiến nửa vời, lập website để làm rào cản bảo vệ thị trường truyền thống, hơn là để dấn thân cùng công nghệ mới, tận dụng những tính năng ưu việt của Internet để tạo nên những sản phẩm tin tức mới. Nhiều người chắc còn nhớ báo mạng thời đó đều chỉ là tập hợp các tin bài đã đăng phát trên phiên bản truyền thống, ít có nội dung riêng hay mang đặc trưng số.

Mãi đến nửa cuối thập niên 2000, và nhất là trong 10 năm trở lại đây, báo chí mới có những chuyển biến tích cực. Nhưng trừ vài trường hợp, phần lớn đã chậm chân so với các gã khổng lồ sinh ra và lớn lên như Thánh Gióng trong thế giới số như Google, Facebook, Twitter, Amazon… Tin số ăn mòn dần tin truyền thống, chia vụn thị trường và từ lâu đã không còn là “độc quyền” của báo chí chuyên nghiệp. Việc phân phối/phát hành tin lệ thuộc rất nhiều vào các nền tảng công nghệ lớn (big tech).

trich dan 2b.jpg

Mô hình kinh doanh truyền thống (dựa trên lợi thế về quy mô) không còn thích hợp. Quảng cáo đại trà từ trên xuống dần nhường chân cho quảng cáo cá nhân hoá, dựa trên dữ liệu tiêu dùng từ dưới lên. Google, Facebook, Instagram… vẫn thống lĩnh thị trường quảng cáo số trong khi các tờ báo thì vẫn phải loay hoay tìm lối ra cho bài toán doanh thu. Cho tới nay, số tờ báo sống được nhờ bán nội dung trên thế giới vẫn còn đếm trên đầu ngón tay.

Báo chí ta cũng vậy, thực tế là chậm trễ và thiếu tinh thần cách tân hơn trong chuyển đổi số. Nếu tôi nhớ không nhầm thì phải đến năm 2003 các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… mới lên mạng và họ cũng chỉ làm chiếu lệ, bê nguyên xi những gì từ báo phiên bản in lên mạng, làm cái gì cũng theo tư duy, logic truyền thông cũ. Cho nên, họ không theo kịp các báo sinh thành trong thế giới số như VnExpress hay VietnamNet.

Và điều đó vẫn tiếp diễn đến bây giờ. Các báo đài gần đây đầu tư nhiều vào sản phẩm số, cải tiến công nghệ và quy trình làm báo nhưng dường như vẫn chưa thể dứt khỏi sức ì nội tại, khỏi sự giằng co giữa bảo vệ cái cũ và phát triển cái mới. Hơn nữa, họ thực sự thiếu kinh nghiệm và chuyên môn để khai thác số trong khi vòng vây kinh tế ngày càng thắt chặt hầu bao phát triển.

Ngay cả việc xây dựng toà soạn hội tụ, hiện cũng chỉ có vài báo đài làm được, còn lại vẫn theo mô hình phòng ban cũ, “mỗi bên hùng cứ một phương” thì làm sao xây dựng thành những tổ hợp truyền thông số, đa phương tiện, đa nền tảng và đa chức năng được? Chưa làm được những việc này thì chưa thể nghĩ đến việc thu phí nội dung như một số báo đang thử nghiệm, càng không thể bảo đảm sự phát triển bền vững về lâu dài.

Tôi muốn nói rằng chuyển đổi số không phải bắt đầu từ công nghệ mà từ việc chuyển đổi tư duy triệt để, chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công” trong công cuộc cách tân, rồi xây dựng con người, tổ chức, mô thức hoạt động và văn hóa toà soạn theo các xu hướng công nghệ tương lai. Trong mọi hành động đổi mới, phải theo sát bước chân công chúng và thị trường, lấy đọc/khán/thính giả, chứ không phải nhà báo, là trọng tâm trong chiến lược phát triển. Làm được điều đó rồi thì mới tính được bước tiếp theo là đa dạng hoá nguồn thu thế nào, làm sao để tồn tại.

Phải biết chịu đau thì mới lột xác được. Các báo thành công nhất trong thế giới số là những tờ từng chịu đau như thế. Tôi còn nhớ hồi năm 2007, khi BBC quy tụ các nhánh phát thanh, truyền hình từ nhiều nơi về thành một mối để xây dựng toà soạn hội tụ ở Broadcast House bây giờ, một không khí căng thẳng và ảm đạm bao trùm và một nhà báo kỳ cựu BBC lúc đó mô tả với tôi “như là một đám tang”.

- Có một điểm yếu cố hữu là giới báo chí Việt Nam ít có cơ hội tiếp xúc các nghiên cứu về truyền thông và được công bố trên các tạp chí có uy tín về lĩnh vực này cũng như tại các diễn đàn khoa học lớn. Lời khuyên của GS là gì?

- GS Nguyễn Đức An: Tôi nghĩ đây là một điểm yếu không chỉ trong giới hành nghề mà cả giới nghiên cứu báo chí-truyền thông ở ta hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng nghiên cứu học thuật chỉ là một trong nhiều kênh thông tin để các nhà truyền thông chuyên nghiệp cập nhật tri thức. Trên thực tế, ở các nước Âu Mỹ, nhà báo dễ dàng tiếp cập nghiên cứu học thuật hơn ta, nhưng không phải ai cũng mặn mà với nó, vì thường nghiên cứu học thuật thiên về khám phá và giải thích xã hội, hơn là ứng dụng.

Tôi không có ý nói là giới nghiên cứu học thuật không đủ sức đáp ứng yêu cầu từ giới hành nghề. Nhưng cần một sự chủ động tìm đến với nhau và bắt tay hợp tác giữa hai bên. Viện Reuters thuộc Đại học Oxford nhờ nguồn tài trợ dồi dào từ các công ty công nghệ và báo chí mà hàng chục năm nay liên tục sản xuất nhiều công trình và ấn phẩm nghiên cứu báo chí rất thiết thực. Tôi ước mong một ngày, các báo đài và doanh nghiệp truyền thông Việt Nam cũng hợp sức tài trợ cho một tổ chức nghiên cứu tương tự như thế để ta có thể chuyển đổi số truyền thông một cách có cơ sở khoa học hơn.

Sẵn tiện, tôi thấy cũng cần nêu bật vai trò của công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) như một phần tất yếu trong chuyển đổi số. Rất tiếc là báo chí Việt Nam, vì lý do lịch sử, rất lơ là mảng này. Tôi nhớ chừng năm 2005-2006, từng thúc đẩy lãnh đạo một tờ báo hàng đầu Việt Nam, lúc đó còn đang rất mạnh về tài chính, về việc xây dựng bộ phận này. Tôi nói, thay vì đem hết lợi nhuận ra chia sẻ hết với anh em, chỉ cần giữ một vài phần trăm để làm R&D thì mới có cơ hội phát triển bền vững. Các anh chị ấy cũng lắng nghe, nhưng hình như gặp nhiều trở lực trong việc thực hiện.

Hiện nay, ta cứ thấy báo chí Âu Mỹ làm thế nào thì bắt chước theo, nhưng tôi xin nói ngay, không phải cái gì bên Tây cũng khôn ngoan, hữu ích hay hợp lý với ta. Phải có hàm lượng nghiên cứu nội địa cao trong mọi sản phẩm, qua R&D cũng như qua hợp tác với giới khoa bảng. Muốn khai thác AI tốt chẳng hạn, không thể cứ làm theo phán đoán và ý chí mà phải thử nghiệm, thử nghiệm và thử nghiệm.

tieu su nda.jpg

Lê Thọ Bình

Đồ họa: Đăng Khoa