TTCK sẽ thế nào nếu GDP quý 3 tăng trưởng âm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những số liệu mà GSO công bố cho thấy kịch bản GDP quý 3 tăng trưởng âm đang hiện hữu. Nhưng đối với TTCK, việc tăng/giảm còn phụ thuộc vào cách nó suy nghĩ về thông tin đó như thế nào…
TTCK sẽ thế nào nếu GDP quý 3/2021 của Việt Nam là con số âm?
TTCK sẽ thế nào nếu GDP quý 3/2021 của Việt Nam là con số âm?

Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua 2/3 chặng đường của quý 3/2021 với nhiều thách thức và khó khăn do tác động của làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Trên trang facebook cá nhân, TS. Quách Mạnh Hào cho biết có thể dự báo tăng trưởng GDP quý 3/2021 nhờ dự báo tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế quan trọng là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong đó, các lĩnh vực có tỉ trọng lớn trong GDP như dịch vụ và công nghiệp có thể đo lường lần lượt bằng các chỉ số “Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng” (RSI) và “Chỉ số sản xuất công nghiệp” (IIP). Còn nông nghiệp thường tăng trưởng khá ổn định ở mức thấp so với GDP bình quân hàng năm và không ảnh hưởng nhiều tới dự báo tăng trưởng GDP.

Lưu ý rằng, chỉ số RSI trong tháng 7 và tháng 8 giảm lần lượt 19,8% và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, chỉ số IIP đã giảm lần lượt 0,3% và 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu hai chỉ số này còn tiếp tục suy giảm trong tháng 9, theo TS. Quách Mạnh Hào, GDP quý 3/2021 của Việt Nam có thể là con số âm.

Các chỉ số RSI và IIP của Việt Nam đã ở mức âm nhiều tháng liên tiếp

Các chỉ số RSI và IIP của Việt Nam đã ở mức âm nhiều tháng liên tiếp

Chứng khoán vẫn ‘sống’ khoẻ?

TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, để tránh tình trạng GDP tăng trưởng âm, Chính phủ có 2 lựa chọn hoặc làm cả hai: (i) nới lỏng tiền tệ; (ii) mở rộng tài khóa.

Cả hai tình huống này đều dẫn tới mở rộng cung tiền – giảm lãi suất, và như thường lệ, tiền sẽ đổ vào thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán.

Ở một tình huống khác, Chính phủ có thể sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tìm cách thúc đẩy tín dụng bằng biện pháp hành chính, nhưng sẽ đẩy mạnh mở rộng tài khóa (cứu doanh nghiệp, người lao động và người nghèo một cách trực tiếp). Tình huống này cũng có lợi cho kênh đầu tư chứng khoán.

“Nói chung, vĩ mô xấu. Nhưng không giống quá khứ, nó có vẻ không xấu cho chứng khoán”, TS. Quách Mạnh Hào cho hay.

Nhóm FIDT mới đây cũng đưa ra dự báo rằng GDP Việt Nam có thể tăng trưởng âm từ 1,2-1,5% trong quý 3/2021. Tuy nhiên, trao đổi với VietTimes, nhà sáng lập FIDT Huỳnh Minh Tuấn vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế. “GDP Việt Nam cả năm sẽ tăng khoảng 4%”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng không nên quá lo lắng về việc GDP tăng trưởng âm. Bởi nó giống như một khoản ‘write-off’, không phải là xu hướng chung, và nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau dịch.

“Thị trường chứng khoán đã thấy được việc này nên đã hồi phục trở lại sau nhịp giảm điểm vừa qua”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo TS. Đỗ Thái Hưng – nhà sáng lập Finpros, nhiều nước đã gặp tình trạng GDP tăng trưởng âm khi áp dụng các biện pháp phong toả, giãn cách để phòng, chống dịch bệnh. Sẽ không quá ngạc nhiên nếu Việt Nam cũng rơi vào tình trạng này khi áp dụng giãn cách ở nhiều địa phương.

“Thị trường chứng khoán dường như đã phản ánh vấn đề này, khi đã có đợt điều chỉnh mạnh từ 1.420 điểm về tới 1.225 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền tham gia thị trường đã suy giảm khoảng 30% so với thời điểm tháng 5-6, khi dịch bệnh chưa diễn biến mạnh”, ông Hưng chia sẻ.

TS. Đỗ Thái Hưng cho rằng không nên bi quan hay lạc quan quá sớm khi yếu tố dịch bệnh chưa rõ ràng và tiền vẫn còn nằm ở tài khoản của nhà đầu tư.

“Thanh khoản giảm không có nghĩa là tiền đã rút ra khỏi thị trường. Lượng tiền lớn vẫn đang nằm trong tài khoản của nhà đầu tư và chờ đợi khi thị trường thuận lợi hơn sẽ giao dịch. Song, nó cũng sẽ không giao dịch nếu thị trường diễn biến xấu hơn”, ông Hưng nói.

Với mức độ thận trọng như hiện tại, nhà sáng lập Finpros dự báo thị trường sẽ khó tăng/giảm mạnh. Lý do là bởi nhóm ảnh hưởng lớn tới chỉ số là nhóm ngân hàng đã giảm khoảng 20% từ đỉnh trong thời gian qua nên khả năng giảm sốc khá thấp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã giảm tỉ trọng từ giai đoạn giảm sốc trước đó nên sẽ khó có tình trạng bị ‘call margin’.

Trong thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ phục thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh ở phía Nam và tình hình dịch bệnh tại miền Bắc.

“Nếu các tỉnh miền Bắc cũng bùng phát dịch, thì hiện tượng bán tháo mới có thể diễn ra. Hoặc áp lực bán ở mức nào đó khiến bên cầu không chịu nổi nữa mới khiến thị trường giảm mạnh”, ông Hưng chia sẻ./.