Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho hay, vào ngày 2/4, Tổng thống Trump đã nói với Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman rằng, trừ khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng, ông sẽ không thể ngăn giới lập pháp Mỹ thông qua đạo luật rút hết binh sĩ Mỹ khỏi vương quốc này.
Lời đe dọa chấm dứt khối đồng minh tồn tại 75 năm nay – trước đó chưa từng được công bố - được xem là tâm điểm của chiến dịch gây sức ép của Mỹ mà cuối cùng đã dẫn tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm cắt giảm nguồn cung dầu khí trong bối cảnh lượng cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19. Thỏa thuận đó được xem là thắng lợi ngoại giao của Nhà Trắng.
Theo Reuters, ông Trump đã đưa ra cảnh báo trên với Hoàng thái tử Salman 10 ngày trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu được công bố. Sau đó vị Hoàng thái tử đã phải nhượng bộ trước lời đe dọa, yêu cầu các cố vấn của mình ra khỏi phòng để có thể tiếp tục cuộc thảo luận một cách kín đáo.
Lời cảnh báo trên cũng cho thấy nỗ lực của ông Trump trong việc bảo vệ ngành công nghiệp dầu khí của nước Mỹ khỏi đợt sụt giảm giá lịch sử, trong lúc nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa để chống COVID-19. Nó cũng cho thấy sự thay đổi quan điểm rõ rệt của ông Trump – người trước đây ra sức chỉ trích việc các nước OPEC cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu, gây thêm gánh nặng tài chính cho người dân Mỹ.
Giờ thì ông Trump lại muốn OPEC cắt giảm sản lượng.
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Trump nói rằng, Mỹ đã thông báo với giới lãnh đạo Arab Saudi rằng nếu không cắt giảm sản lượng “sẽ không có cách nào để ngăn Quốc hội Mỹ áp đặt các hạn chế mà cuối cùng có thể dẫn tới việc rút hết binh sĩ Mỹ”. Theo vị quan chức này, Washington đã nói với giới lãnh đạo Arab Saudi rằng: “Chúng tôi đang bảo vệ ngành công nghiệp của các ông, trong khi các ông lại hủy hoại nền công nghiệp của chúng tôi”.
Reuters đã đề cập tới vấn đề này trong buổi phỏng vấn tối ngày 29/4 với ông Trump tại Nhà Trắng. Khi được hỏi có phải ông đã nói về việc Mỹ có thể rút binh sĩ khỏi Arab Saudi hay không, ông Trump trả lời: “Tôi không phải nói với ông ấy như vậy”.
“Tôi nghĩ ông ấy (Hoàng thái tử Salman) và Tổng thống Putin, Vladimir Putin, hành động rất hợp lý” – ông Trump nói thêm – “Họ biết rõ là họ có một vấn đề, và rồi điều này diễn ra”.
Khi được hỏi rằng ông đã nói gì với Hoàng thái tử Salman, ông Trump trả lời: “Họ đã trải qua khoảng thời gian khó khăn để đạt được thỏa thuận. Tôi đã có cú điện đàm với ông ấy, và chúng tôi đã có thể đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng”.
Chính quyền Arab Saudi hiện chưa đưa ra bình luận gì về sự việc này. Một quan chức giấu tên của Arab Saudi nói với Reuters rằng thỏa thuận trên (cắt giảm sản lượng dầu) đại diện cho ý chí của tất cả các nước trong nhóm OPEC+, tức các thành viên OPEC và một liên minh do Nga dẫn đầu.
Được biết, chỉ một tuần trước cú điện đàm giữa ông Trump và Hoàng thái tử Arab Saudi, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Cramer và Dan Sullivan đã dưa ra một dự luật nhằm rút hết binh sĩ, các hệ thống tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khỏi Arab Saudi, trừ khi nước này cắt giảm sản lượng. Sự ủng hộ đối với dự luật này ngày càng gia tăng, do Quốc hội Mỹ tỏ rõ sự tức giận trước cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga.
Vào ngày 12/4, dưới sức ép của ông Trump, các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trừ Mỹ đã nhất trí cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay. OPEC, Nga và các đồng minh đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% sản lạn dầu toàn cầu. Một nửa trong mức giảm này đến từ Nga và Arab Saudi – mỗi nước cắt giảm 2,5 triệu thùng/ngày.
Nhưng bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu vẫn tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Giá dầu Mỹ giao trong tương lai còn hạ xuống dưới 0 USD trong tuần trước, do các bên mua tránh nhận thêm dầu vì không còn kho chứa. Giá dầu Brent giao trong tương lai giảm xuống còn 15 USD/thùng, từ mức 70 USD/thùng hồi đầu năm nay.
Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Arab Saudi đã được thiết lập từ năm 1945, khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt gặp gỡ Quốc vương Arab Saudi Abdul Aziz Ibn trên tàu USS Quincy. Họ đạt được một thỏa thuận: Quân đội Mỹ bảo vệ Arab Saudi, đổi lấy việc Mỹ được tiếp cận nguồn dầu khí của nước này.
Hiện nay, Mỹ đang đồn trú khoảng 3.000 binh sĩ ở Arab Saudi, trong khi Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ bảo vệ lượng dầu xuất khẩu từ khu vực này.
Arab Saudi dựa vào Mỹ để sở hữu vũ khí cùng sự bảo vệ khỏi các thế lực thù địch trong khu vực, như Iran. Tuy nhiên, sự dễ tổn thương của vương quốc này đã bị phơi bày sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các cơ sở dầu quan trọng của họ trong năm ngoái. Washington cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công, Tehran bác bỏ.