Tại hội thảo chuyên đề “Dữ liệu số - Thách thức và Định hướng” do TP Đà Nẵng và Bộ TT&TT tổ chức ngày 26/5 tại Đà Nẵng, các chuyên gia về chuyển đổi số đã có những trao đổi thẳng thắn về tiến trình chuyển đổi số của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đà Nẵng đã đi rất xa và rất nhanh
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam – khẳng định: Đà Nẵng đang là đơn vị đi đầu cả nước về chuyển đổi số, bằng chứng là rất nhiều danh hiệu, giải thưởng đã trao cho địa phương về lĩnh vực này. Có thể nói, Đà Nẵng hiện là số một, nhưng TP vẫn chưa dừng lại, vẫn muốn định hướng và tiếp tục đi lên.
“Câu hỏi đặt ra là Đà Nẵng tiến lên thì sẽ đi về đâu khi đang ở vị trí dẫn đầu?”- TS. Nguyễn Nhật Quang đặt vấn đề.
Và chính TS. Nguyễn Nhật Quang đã đưa ra câu trả lời: “Tôi nghĩ, tiến lên nữa chắc chắc sẽ đụng “bờ rào”! Tôi nói “bờ rào” là vì chúng ta đang làm chuyển đổi số kiểu vừa làm vừa điều chỉnh, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, trong khi Đà Nẵng đã đi rất xa và rất nhanh”.
Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, tiến trình Chuyển đối số Quốc gia đang không theo kịp tiến trình chuyển đổi số của Đà Nẵng và sẽ khiến Đà Nẵng vướng vào những rào cản. Điều này thể hiện rõ ở việc mỗi Bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số mỗi cách khác nhau, quy chuẩn khác nhau và sự đồng bộ cũng khác nhau.
“Chuyển đổi số không có nghĩa là cứ đẩy lên cổng dữ liệu dùng chung là xong, mà cần có sự chia sẻ, sử dụng và khai thác dữ liệu số. Vấn đề thực tế hiện nay là mỗi bộ ngành đều cát cứ mỗi kho dữ liệu riêng và đây chính là rào cản trong khai thác và vận hành dữ liệu" - TS.Nguyễn Nhật Quang nêu quan điểm.
Vì vậy, theo TS. Nguyễn Nhật Quang, Đà Nẵng cần chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành không nên cát cứ, độc quyền dữ liệu, mà phải chia sẻ và đồng bộ với nhau.
Ví dụ về sự độc quyền dữ liệu, TS. Nguyễn Nhật Quang ví cơ thể con người có 2 bàn tay, nhưng mỗi bàn tay được điều khiển bởi 1 bộ não, thì chắc chắn không thể ra cơ thể. Vậy nên, trong quy mô của mình, các sở, ngành của Đà Nẵng cần chia sẻ dữ liệu với nhau.
“Một ý kiến nữa tôi muốn chia sẻ là để có chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chúng ta cần có công dân số. Do đó, Đà Nẵng cần tái tạo lại nguồn nhân lực phù hợp với môi trường chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực. Có như vậy, chuyển đổi số mới đem lại kết quả tối ưu”- TS. Nguyễn Nhật Quang tư vấn.
GS.TS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của ĐH Quốc gia TP HCM - thì cho rằng Đà Nẵng cần quan tâm hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bởi đây là nguồn lực để Đà Nẵng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Phải đặt Đà Nẵng ở tầm quốc tế
Còn TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam - nhấn mạnh: Đà Nẵng đạt được những thành tựu về chuyển đổi số là điều không cần bàn cãi, cũng như Đà Nẵng đang là số một Việt Nam về chuyển đổi số. Không những vậy, Đà Nẵng còn là thành viên của Liên minh các TP thông minh ASEAN. Vì vậy, chúng ta cần phải so với liên minh ASEAN, với Singapore, Đà Nẵng đang như thế nào?
TS.Võ Trí Thành cũng đặt vấn đề: Đà Nẵng là số một Việt Nam, thì Đà Nẵng đang là số mấy của ASEAN? Tầm của Đà Nẵng là phải so sánh với quốc tế”.
Về vấn đề khai thác, sử dụng dữ liệu vào quản lý điều hành, TS.Võ Trí Thành lấy ví dụ thực tiễn từ hệ thống camera giám sát của Thừa Thiên Huế: Theo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống camera có rất nhiều sự cố, thì việc chuyển đổi số đã giảm được bao nhiêu? Số liệu đưa ra là có hơn 2 triệu trường hợp vi phạm giao thông/tháng và nếu 2 năm qua số liệu vẫn vậy thì đây chính là vấn đề của khai thác và sử dụng dữ liệu. Dữ liệu cần được thu thập, phân tích để ra quyết định phục vụ quản lý điều hành và xây dựng chính sách, nhằm giảm thiểu vi phạm”- TS.Võ Trí Thành phân tích.
TS.Võ Trí Thành lưu ý Đà Nẵng cần quan tâm đến bước đột phá về ngành. Hiện Đà Nẵng dựa vào 2 lĩnh vực tạo bứt phá là du lịch và logistics, nên công nghiệp đang rất mờ.
Do vậy, ông Thành cho rằng Đà Nẵng cần chú ý phát triển công nghiệp và công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là vấn đề này đang bắt đầu hình thành với nhiều tiêu chí thế nào là công nghiệp trọng điểm. Với Đà Nẵng thì giá trị gia tăng, sáng tạo, hoặc cái gì về công nghiệp cũng rất quan trọng và cần lưu ý.
Để tạo ra sự bứt phá cho Đà Nẵng, TS. Võ Trí Thành đưa ra một loạt định hướng: Chúng ta đang nói khá nhiều về Việt Nam bứt phá, phát triển công nghiệp và đổi mới sáng tạo và chúng ta cũng nên đặt Đà Nẵng vào phát triển công nghiệp. Đà Nẵng nên chú trọng những xu hướng, lĩnh vực trọng điểm này.
"Một vấn đề nữa trong tiến trình chuyển đối số là không phải đào tạo bao nhiêu kỹ sư IT, bao nhiêu kỹ sư CNTT, công nghệ số… mà phải quan tâm đến sự dịch chuyển của họ” - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu quan điểm.
Theo TS.Võ Trí Thành, Đà Nẵng cần xem có bao nhiêu nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi số dịch chuyển về địa phương làm việc, cũng như bao nhiêu nhân tài dời đi, để thấy rằng môi trường rất quan trọng. Thực tế hiện nay, môi trường của Việt Nam đang thua Thái Lan, thua Malaysia. Trong khi Đà Nẵng ở tầm quốc tế thì phải thu hút được chuyên gia giỏi và người giàu.
"Môi trường số phải là môi trường xanh tốt nhất, các dịch vụ cao cấp phải tốt nhất và có môi trường xử lý sự cố nhanh, chính xác nhất… Khi đó, công nghệ số phải có vai trò quan trong tất cả các lĩnh vực, từ đó tạo ra môi trường tốt nhất cho chuyên gia giỏi và người giàu đến Đà Nẵng. Ngoài dịch vụ, chúng ta cần thu hút chất lượng, không chỉ dừng ở đào tạo"- TS.Võ Trí Thành nói.
Với tinh thần so sánh quốc tế, TS.Võ Trí Thành đề xuất Đà Nẵng cần nghiên cứu kỹ vấn đề hợp tác quốc tế, kinh tế số, thương mại số, cũng như sự dịch chuyển của dữ liệu xuyên biên giới. Hiện nay, ở khu vực chỉ có Singapore và một số nước mới có những điểm đầu tiên về kinh tế số và đây là bài học cho Đà Nẵng.
Góp ý cho Đề án chuyển đổi số của Đà Nẵng, TS.Võ Trí Thành cho rằng Đà Nẵng phải hướng đến và chuẩn bị cho những hoạt động liên kết, cũng như thỏa thuận hợp tác quốc tế về số hoá, thương mại điện tử, trong khi TP lại chưa đề cập đến nội dung này.
Rõ ràng, Đà Nẵng cần phải chú ý đến những vấn đề đang diễn ra và thế giới đang cải thiện, để xem xét cơ hội tham gia vào tiến trình đó. Đà Nẵng đang vừa học, vừa làm, nhưng không nên chờ Trung ương mà cần chủ động, mới đạt được kết quả mong muốn, đó là quy hoạch, chiến lược, khát vọng và đột phá, lan toả tại khu vực.
Khó mà làm chậm sẽ kéo lùi quá trình phát triển
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp thu các góp ý, tư vấn, đề xuất và tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời, lưu ý: Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định chuyển đổi số là động lực mới và xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị.
Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Hiện chưa có mô hình kiểu mẫu, điển hình và có điều kiện tương tự để Đà Nẵng học tập, tham khảo, nhất là trong bối cảnh thành phố đang vừa triển khai song song mô hình thành phố chuyển đổi số và mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, không phải vì khó mà không làm, không vì phức tạp mà làm chậm tiến độ và kéo lùi quá trình phát triển của TP.