TrustBank và cuộc “thay máu” Ngân hàng Xây dựng

Tiền thân của Ngân hàng Xây dựng là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Nhìn lại quá trình tái cơ cấu của ngân hàng này, có thể thấy, đây là ngân hàng có cuộc tái cơ cấu không mấy suôn sẻ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 5/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các Quyết định số 252, 253/QĐ-NHNN về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ giữa các chức danh tại Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng Xây dựng - VNCB). Các Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo các Quyết định này, Thống đốc NHNN điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Xây dựng;

Bổ nhiệm ông Đàm Minh Đức, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng.

Thời hạn giữ chức vụ của các ông có tên trên là 05 năm, kể từ ngày được điều động và bổ nhiệm.

Cũng trong ngày 5/3/2015, Thống đốc NHNN có các Quyết định điều động và bổ nhiệm đối với một số cán bộ thuộc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam giữ các chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Kiểm soát, Thành viên Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng Ngân hàng Xây dựng. Theo đó, ông Phạm Thế Tuân, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP. HCM và ông Trần Trung Tướng, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Sài Gòn, được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV VNCB… 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra 40.000 tỷ đồng để giúp Ngân hàng Xây dựng trở lại hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc Ngân hàng Xây dựng khi ngân hàng này không còn khả năng tăng vốn để khắc phục khó khăn tồn tại. Việc mua lại này của NHNN nhằm đảm bảo lợi ích người gửi tiền. Còn các cổ đông gây thất thoát mất vốn bị mất quyền lợi là đúng theo luật pháp.

Tiền thân của Ngân hàng Xây dựng là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Nhìn lại quá trình tái cơ cấu của ngân hàng này, có thể thấy, đây là ngân hàng có cuộc tái cơ cấu không mấy suông sẻ.

Năm 2012, TrustBank là một trong 9 ngân hàng phải thực hiện tái cấu trúc . Tuy nhiên, phải mất khá nhiều thời gian, TrustBank mới thống nhất được đối tác tham gia tái cơ cấu. Giữa năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới góp vốn vào TrustBank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Trong năm 2014, sau khi xảy ra sự có Chủ tịch Tập đoàn Thiên thanh bị bắt, Ngân hàng Xây dựng đã thực hiện theo chỉ đạo của NHNN, bổ nhiệm các nhân sự lãnh đạo cấp cao thay thế nhân sự đã có quyết định miễn nhiệm. Theo đó, Bà Vũ Bạch Yến, thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam từ tháng 2/2012, đã được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Phó Tổng giám đốc phụ trách VNCB là ông Đàm Minh Đức, trước đó là Phó Tổng giám đốc, phụ trách khu vực Hà Nội.

Cũng trong năm 2014, ngày 1/8, Ngân hàng Vietcombank ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nhằm hỗ trợ ngân hàng này về thanh khoản, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Vietcombank tham gia hỗ trợ VNCB thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, trong đó nội dung quan trọng nhất liên quan tới xử lý nợ xấu và hỗ trợ các vấn đề về thanh khoản. Song song với các hỗ trợ về tài chính đảm bảo khả năng chi trả của VNCB, Vietcombank cũng sẽ cử thêm nhân lực hỗ trợ cho ngân hàng này.

Vietcombank tham gia hỗ trợ cho VNCB được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Ngày 31/1/2015, Ngân hàng Xây dựng đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng và thông qua Phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Ngay sau đó, NHNN đã căn cứ vào Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, tuyên bố quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Theo Vnemdia