Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
Trường Đại học Tôn Đức Thắng khởi đầu là Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh làm hồ sơ xin thành lập.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg thành lập trường ngày 24/9/1997.
Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 18/QĐ-TTg chuyển loại hình tổ chức và đổi tên Trường Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 2006, theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường học bán công, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển 6 trường đại học và cao đẳng bán công thành đại học tư thục, trong đó có Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng.
Theo nguyện vọng của nhà trường và tổ chức Công đoàn, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-TTg, đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng; chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hoạt động theo mô hình đại học công lập tự chủ tài chính.
Ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2015 - 2017.
Vì có một xuất phát điểm thấp nên từ 1997 - 2007, sau 10 năm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn không giành được sự chú ý của xã hội, của truyền thông chứ chưa nói đến sự chú ý của giới khoa học và các đại học danh tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, chỉ từ năm 2007 đến nay, trường đã trở thành biểu tượng cho đổi mới, cho sự hiện đại, chất lượng của giáo dục Việt Nam, là thực tiễn sinh động để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về tự chủ giáo dục đại học.
Năm 2007 được xem là dấu mốc bắt đầu những chuyển biến quan trọng của nhà trường khi Hội đồng Quản trị thông qua đề nghị của Hiệu trưởng ban hành Kế hoạch 30 năm (2007 - 2037) phát triển Đại học Bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay) thành đại học nghiên cứu nằm trong top 60 đại học tốt nhất châu Á.
Năm 2008, trường được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao khu đất hơn 10 ha tại phường Tân Phong, quận 7.
Ngày 27/7/2008, trường bắt đầu khởi công Dự án Xây dựng Trụ sở chính tại phường Tân Phong.
Sau khi ban hành Kế hoạch 30 năm, trường có kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và tập trung xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Nguyên tắc “làm đúng ngay từ đầu”; và “học và làm đúng theo những đại học nổi tiếng nhất thế giới ngay từ đầu” được truyền thông rộng rãi cho từng giảng viên, viên chức và là một trong các nguyên tắc cơ bản để xây dựng chính sách phát triển và các kế hoạch hành động cho từng giai đoạn và từng kế hoạch.
Đặc biệt, trường đã xây dựng được Hệ thống Giá trị cốt lõi: Với sinh viên là Chương trình Giáo dục 03 nội dung đạo đức: “Học tập đạt kết quả tốt để báo hiếu cho cha mẹ; tôn trọng luật pháp, quy định của nhà trường, sống vì cộng đồng, không ích kỷ” . Với giảng viên, viên chức là 03 nguyên tắc: “Không gì quan trọng hơn việc đảm bảo hiệu quả trong mọi hành động; không gì đáng quý hơn sự công bằng trong mọi ứng xử; không có gì đạo đức hơn tinh thần phụng sự đất nước”.
Trải qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn:
Phát triển đội ngũ nhân sự hơn 1.420 người với lực lượng chuyên môn hơn 50% có trình độ tiến sĩ (và đang học tiến sĩ); trong số đó có 224 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài; quy mô sinh viên, học viên đến nay là 27.000 người.
Chương trình, giáo trình, tài liệu đã hội nhập theo top 100 đại học tốt nhất thế giới.
Tất cả các ngành học đều có phòng thí nghiệm hiện đại, phòng mô phỏng thực tiễn, xưởng thực hành (một số phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại nhất thế giới như Phòng Thí nghiệm cơ xương, Phòng Thí nghiệm quan trắc môi trường...).
Sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; được báo cáo điển hình vào tháng 8/2014. Từ thực tiễn hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Đại học Tôn Đức Thắng là hình mẫu về quản trị đại học hiệu quả và chất lượng; là một môi trường văn minh, lịch sự, công bằng, và ổn định. Đến nay đã có hơn 300 đại học trong và ngoài nước, hơn 1.000 trường trung học phổ thông đến học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình quản trị trường học và cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Về giáo dục: Số liệu của trường cho thấy, sinh viên ra trường có việc làm đạt tỷ lệ 100%; được doanh nghiệp tín nhiệm và nổi tiếng về “đạo đức nghề nghiệp”: Lễ phép, kỷ luật, trách nhiệm với công việc, phối hợp tốt với mọi người; kỹ năng nghề nghiệp tốt (với IELTS 5.0, Tin học Văn phòng theo chuẩn MOS: 750/1000; chơi tốt thể thao và bơi lội...), hiệu quả công việc cao. Hầu hết các em đều có thu nhập khởi điểm cao hơn thị trường.
Về khoa học - công nghệ: Trường đã có 6.492 bài công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus (gấp 20 lần thời điểm cuối năm 2015).
Trường cũng là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được cấp Bằng Sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ năm 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng Sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng Sáng chế là của Đại học Tôn Đức Thắng
Trường đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng bằng nguồn tài chính tự tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất đại học hiện đại nhất Việt Nam; sánh ngang với các đại học tiên tiến.
Đến nay Đại học Tôn Đức Thắng đã có trên 100 ha đất với 6 cơ sở; đạt tiêu chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế.
Thư viện
|
Khu học xá
|
Nhà thi đấu
|
Ký túc xá
|
Hồ bơi
|
Ngoài ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học các tổ chức quốc tế uy tín nhất công nhận:
Hội đồng Cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCÉRES) kiểm định và công nhận đại học đạt chuẩn đại học Cộng hòa Pháp (và cũng là đạt chuẩn Châu Âu).
Mạng lưới Bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network-Quality Assurance) kết nạp làm thành viên.
Liên hiệp UNESCO Việt Nam chứng nhận là đại học đạt chuẩn “khuôn viên học đường thân thiện môi trường”.
Tổ chức Xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU) xếp Đại học Tôn Đức Thắng là số 1 Việt Nam và thuộc top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2019.
Tổ chức Xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP) xếp Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 1 Việt Nam và thứ 960 thế giới.
Tổ chức Xếp hạng các đại học phát triển bền vững nhất thế giới (UI Metric) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thứ 165 thế giới.
Tổ chức Xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất thế giới đến sự phát triển kinh tế xã hội (THE Impact Rankings) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thuộc top 301-400 thế giới; và là đại học thuộct 200 trường có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới.
Cơ sở Dữ liệu khoa học thế giới (Web of Science: ISI) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thứ 7 trong top 10 đại học hàng đầu Đông Nam Á (ASEAN).
Tháng 12/2019, US News and Global Report xếp Đại học Tôn Đức Thắng là đại học top 400, 500, 600 và 900 của thế giới theo ngành/nhóm ngành trong 1.500 đại học tốt nhất thế giới.
Tháng 4/2020, URAP xếp Đại học Tôn Đức Thắng vào top 400 và 500 thế giới theo ngành.
Tháng 8/2020, được ARWU xếp số 1 Việt Nam và top 800 thế giới, tăng ít nhất 200 bậc so với năm 2019.
Ảnh trong bài: https://incos.tdtu.edu.vn/gioi-thieu/co-so-vat-chat
Bài: Hà Chi
Theo Báo Thanh tra