Trong những ngày qua, Chính phủ Trung Quốc liên tiếp đưa ra 2 cảnh báo du lịch đối với những công dân của họ đang có ý định đến Mỹ, trong khi hãng truyền thông nhà nước đưa ra giọng điệu chống Mỹ. Những tín hiệu trên cho thấy Bắc Kinh đang dấn sâu vào cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 10/5, sau đó còn treo một lệnh cấm xuất khẩu lơ lửng trên đầu Tập đoàn viễn thông Huawei của nước này. Đáp trả, Trung Quốc tăng thuế với lượng hàng 60 tỷ USD của Mỹ, có hiệu lực từ thứ Bảy tuần trước, và thề sẽ đưa ra thêm "các biện pháp đáp trả cần thiết".
Hôm thứ Ba tuần này, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cảnh báo công dân về những rủi ro khi đến Mỹ, trong đó chỉ ra một số trường hợp mới đây liên quan tới "xả súng, cướp bóc và trộm cắp". Cùng ngày, Bộ Ngoại giao - cùng với Đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ - đưa ra cảnh báo an ninh đối với công dân Trung Quốc, chỉ ra nhiều trường hợp công dân Trung Quốc "liên tiếp bị quấy rối" bởi lực lượng hành pháp địa phương ở Mỹ.
Cả hai cảnh báo đều đưa ra lời khuyên công dân Trung Quốc "nâng cao nhận thức về an toàn" của bản thân khi đến Mỹ, và xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi Bộ Giáo dục nước này cảnh báo học sinh, học giả Trung Quốc về việc bị Mỹ cản trở nhận thị thực.
"Kẻ địch của toàn thế giới"
Khuyến cáo du lịch mới đương nhiên không được phát đi một cách đơn lẻ.
Chính phủ Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch tuyên truyền về chiến tranh thương mại - thông qua kênh truyền thông nhà nước - trong đó tập trung vào cáo buộc Mỹ "bắt nạt" và có tư tưởng "bá quyền". Trong một bài viết đáng chú ý được đăng tải hôm thứ Ba, tờ People's Daily có đoạn viết Mỹ là "kẻ địch của toàn thế giới".
Đưa ra các bài xã luận, bình luận trong đó dẫn lời từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tới triết gia Adam Smith ở thế kỷ 18, kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc thậm chí còn nhắc tới cả một cuộc chiến đẫm máu cụ thể giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Vốn ít được phương Tây biết đến, trận chiến ở Thượng Cam Lĩnh (Triangle Hill) từ lâu đã trở thành niềm tự hào cho người Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ do là một điểm bước ngoặt trong cuộc chiến, khi mà sự kiên cường và hy sinh của binh sĩ Trung Quốc đã dẫn tới thất bại của lực lượng Mỹ.
Dù con số thương vong đến nay vẫn còn gây tranh cãi, nhưng cả quân đội Trung Quốc lẫn các lực lượng LHQ mà Mỹ dẫn đầu đều ghi nhận con số hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng sau 40 ngày chiến tranh căng thẳng. Các bài viết, phim ảnh, sách vở mà Trung Quốc xuất bản nói về trận chiến này đều mô tả binh sĩ của họ là những người thắng cuộc không thể tranh cãi.
"Quân đội Mỹ đã phải trả giá đắt...trận Đồi Tam giác (Triangle Hill) đã trở thành trận "Đồi trái tim tan vỡ" (Heartbreak Hill) của họ" - một bài xã luận đăng tải trong hôm đầu tuần này trên mạng xã hội Trung Quốc, có đoạn - "Đó là khoảnh khắc bước ngoặt, khi mà cả thế giới nhận ra sức mạnh của Trung Quốc và quân đội của nước này".
Trong một bài viết khác, tác giả nói rằng một bộ phim về trận chiến này được sản xuất từ nhiều thập kỷ trước giờ bắt đầu nổi trở lại. Tác giả cũng đăng tải một đoạn video phỏng vấn cựu binh từng tham gia trận chiến Triangle Hill, gọi bà là "xương sống của một đất nước Trung Hoa mới".
Kênh truyền hình nhà nước CCTV cũng đang phát một seri phim tài liệu với tựa đề "Cuộc chiến vĩ đại chống lại Mỹ và viện trợ Triều Tiên", trong đó có nhiều thước phim lịch sử và nhiều biểu ngữ yêu nước.
Trong một bài xã luận rất dài được đăng tải hôm thứ Tư vừa qua trên tờ Study Times, tác giả đã bình luận về các vòng đàm phán Mỹ-Trung trong khoảng thời gian diễn ra Chiến tranh Triều Tiên. "Trong suốt 2 năm đàm phán, thế giới đã nhận thấy: Thứ mà Chính phủ Mỹ đã không thể có được trên bàn đàm phán, họ vẫn không thể có được khi phải sử dụng tới máy bay chiến đấu và đạn pháo" - bài viết có đoạn.
Du học sinh Trung Quốc tới Mỹ có thể giảm mạnh do khó khăn trong việc xin thị thực (Ảnh: NBC)
|
Hậu quả khó lường
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát lại tỏ ra hoài nghi về chiến lược tuyên truyền của Chính phủ nước này, cho rằng nó khó có thể mang lại kết quả tích cực.
"Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể sử dụng kiểu tuyên truyền cay độc này mà không khiến chính quyền Trump tức giận, và thậm chí làm giảm khả năng nối lại các vòng đàm phán hay sao?" - Bill Bishop, biên tập viên của trang Sinocism nổi tiếng ở Trung Quốc, nhận định.
Ngay cả trước khi Bắc Kinh đưa ra các cảnh báo mới về du lịch tới Mỹ, thì các con số mà Chính phủ Mỹ công bố cũng đã cho thấy lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ đã giảm hơn 5%, xuống còn 2,99 triệu lượt trong năm 2018, thời điểm mà cuộc chiến thương mại bắt đầu, gây ra mức giảm lượng du khách Trung Quốc thường niên đầu tiên của Mỹ trong 15 năm qua.
Và trong số tất cả các du học sinh quốc tế đang học tập trong các trường ĐH ở Mỹ - những người đóng góp 39 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ trong niên khóa 2017-2018 - có tới 1/3 là du học sinh Trung Quốc.
Với cảnh báo mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích đã đưa ra dự đoán về mức giảm du học sinh Trung Quốc tới Mỹ học tập, trong khi những người khác bàn về tình trạng hoảng loạn, lo lắng.
"Tôi không thể đoán được Chính phủ hai bên đang suy tính điều gì, hay sắp làm gì, nhưng tôi thấy rằng hàng trăm sinh viên của chúng tôi không nhận được thị thực Mỹ" - Tomer Rothschild, đồng sáng lập Trường Tài năng Trung Quốc, một tổ chức tư vấn giáo dục ở Bắc Kinh giúp khoảng 150 du học sinh nước này nhập học ở ĐH Mỹ mỗi năm, cho hay - "Tôi phải trấn an các bậc phụ huynh".