Chính phủ Trung Quốc hôm cuối tuần trước đã công bố Sách Trắng, tuyên bố rằng tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. "Các biện pháp thuế của Mỹ không thể giúp thúc đẩy đà tăng trưởng nền kinh tế của họ. Ngược lại, chúng chỉ gây ra những tổn hại nghiệm trong cho nền kinh tế Mỹ" - Sách Trắng nêu rõ, chỉ ra cái mà họ mô tả là tăng chi phí sản xuất, tăng giá cả tiêu dùng ở Mỹ.
"Áp thuế không giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại" - Trung Quốc nêu rõ, ám chỉ tới khẩu hiệu tranh cử mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong chiến dịch năm 2016.
Trong một động thái đáp trả mới đây, Trung Quốc cũng áp đặt hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Hôm thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh nói rằng họ sẽ tạo một danh sách các công ty và cá nhân nước ngoài "không đáng tin", đánh dấu sự gia tăng căng thẳng lên một mức độ mới trong tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Động thái này được xem là đòn đáp trả đối với quyết định liệt Tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen của Mỹ, từ chối cho Tập đoàn này tiếp cận các thị trường nội địa và hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với Tập đoàn này.
Ông Trump bắt đầu áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái, phàn nàn về các hoạt động thương mại của Bắc Kinh như ép buộc chuyển giao công nghê, đánh cắp tài sản trí tuệ và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan với các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư phương Tây từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc vì gây khó khăn cho các công ty nước ngoài cạnh tranh bình đảng trong thị trường khổng lồ của họ.
Các đòn thuế và căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra làn sóng hoang mang trên toàn cầu. Nhiều người lo ngại rằng tầm ảnh hưởng của cuộc thương chiến này không chỉ gây tổn hại cho 2 nước trên, mà còn đối với cả đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
"Về vấn đề xung đột thương mại mà Mỹ gây ra: Nếu Mỹ muốn đàm phán, chúng tôi sẽ để cánh cửa mở. Nếu họ muốn chiến đấu, chúng tôi sẵn sàng" - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm Chủ nhật.
Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng "Trung Quốc không mong muốn một cuộc thương chiến, nhưng cũng không ngại nếu có, và sẽ chiến đấu nếu cần thiết". Họ cũng khẳng định luôn tôn trọng các cam kết trong suốt 11 vòng đàm phán thương mại, nhưng chính Washington đã 3 lần thoái lui khỏi đàm phán để rồi đưa ra thêm các điều kiện mới.