Theo AFP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo rằng Bắc Kinh đã cho triệu tập đại sứ của các nước liên quan.
“Tôi tin rằng họ không nên có các phát ngôn như vậy” - ông Lục nói.
Trước đó, hôm 12-4, ông Lục cũng nói: “Trung Quốc cực kỳ không hài lòng về các động thái của G7. Chúng tôi kêu gọi các nước G7 không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ”.
Thế nhưng bất chấp Bắc Kinh tìm cách cảnh báo trước đó, trong 2 ngày hội nghị tại Nhật Bản, các ngoại trưởng G7 (không bao gồm Trung Quốc) đã đưa một bản tuyên bố, trong đó có nói: “Chúng tôi quan ngại về tình hình trên biển Đông và biển Hoa Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc gìn giữ hòa bình cũng như giải quyết tranh chấp”.
“Chúng tôi cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành vi đe dọa, cưỡng bức và gây hấn đơn phương để thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng” - tuyên bố nói.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến Philippines hôm nay 13-4 để thảo luận về các mối đe dọa ở khu vực. Tại đây, ông sẽ hoàn tất một thỏa thuận với Manila cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại đây lần đầu tiên kể từ khi căn cứ hải quân ở vịnh Subic đóng cửa năm 1992.
Trên máy bay sang Philippines, như Reuters cho biết, ông Carter trả lời báo giới rằng ngoài 5 căn cứ ở Philippines mà quân đội Mỹ sẽ đồn trú như thỏa thuận ban đầu, sẽ còn nhiều căn cứ tương tự trong tương lai. Giới quan sát nhận định nhiệm vụ của ông Carter là tái đảm bảo với Philippines rằng Manila đang có hậu thuẫn an ninh của Mỹ đối với cách giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Theo Tuổi trẻ