Trung Quốc: tranh cãi xung quanh “thuyết 1.000 vũ khí hạt nhân” đối phó Mỹ của Hồ Tích Tiến

VietTimes – Vào ngày 8/5, nhân kỷ niệm 21 năm ngày Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tạp chí Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, đã gây tranh cãi khi chủ trương Trung Quốc phải tăng thêm số lượng vũ khí hạt nhân để đối phó Mỹ.
Tên lửa liên lục địa Dongfeng-41, loại vũ khí chiến lược có uy lực lớn của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa liên lục địa Dongfeng-41, loại vũ khí chiến lược có uy lực lớn của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hồ Tích Tiến đăng bài trên tài khoản Twitter cá nhân, cho rằng Trung Quốc cần tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 trong một thời gian ngắn, trong đó có ít nhất 100 tên lửa chiến lược liên lục địa Dongfeng-41 để “kiềm chế dã tâm chiến lược và ý đồ chống lại Trung Quốc của Mỹ”.

Vào ngày 9/5, Hồ Tích Tiến lại viết thêm bài nữa, nói rằng quy mô vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là đủ trong quá khứ và có thể tạo ra khả năng răn đe hạt nhân, nhưng điều này không có nghĩa là chúng sẽ đủ trong tương lai và sự răn đe của chúng đủ để kìm chế dã tâm của Mỹ.

Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến, người được coi là thường có những phát biểu đậm sắc thái chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Ảnh: VCG).
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến, người được coi là thường có những phát biểu đậm sắc thái chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Ảnh: VCG).

Hồ Tích Tiến nói: “Tôi nghe các chuyên gia nói vũ khí hạt nhân đủ dùng là được. Tôi thấy họ ngây thơ như trẻ con”. Hồ Tích Tiến nói rằng một số người sẽ gọi ông là kẻ cuồng chiến vì bài báo này, nhưng họ nên dành những lời chửi bới đó cho các chính trị gia người Mỹ công khai chống lại Trung Quốc. Ông nói mình luôn mong muốn Trung Quốc và Mỹ sẽ hữu hảo với nhau, “nhưng sự chung sống hòa bình giữa các quốc gia không phải cầu là có được, nó cần định hình bởi các công cụ chiến lược”.

Cuối cùng Hồ Tích Tiến cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với những tương tác khó khăn với nước Mỹ ngày càng không biết điều, và đối phương chỉ tin vào sức mạnh thực tế.

Theo trang tin Đa Chiều, Hồ Tích Tiến là người thường xuyên đưa ra các bình luận cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ngay sau khi “Thuyết ngàn vũ khí hạt nhân” của Hồ Tích Tiến ra đời, ông đã ngay lập tức giành được sự ủng hộ của nhiều cư dân mạng Trung Quốc, nhưng cũng gây ra nhiều lời chỉ trích.

Ngày 11/5, ông Dương Thừa Quân, một chuyên gia chiến lược hạt nhân Trung Quốc và là nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu của Bộ Tham mưu quân chủng Tên lửa chiến lược Trung Quốc đã viết bài, cho rằng việc cường điệu số lượng vũ khí hạt nhân “chỉ tổ làm hại mà không hề có lợi cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ngay cả việc tăng thêm số lượng đầu đạn hạt nhân theo con số do Hồ Tích Tiến đưa ra cũng sẽ không thể tạo thành sự răn đe mới đối với Mỹ, mà sẽ chỉ khơi dậy sự cảnh giác cao độ của Mỹ đối với Trung Quốc và cung cấp cơ sở mới cho “Thuyết về mối đe dọa Trung Quốc”, đồng thời đẩy Trung Quốc sa vào bẫy chạy đua vũ trang hạt nhân.

Chuyên gia về chiến lược hạt nhân của Trung Quốc Dương Thừa Quân, người phê phán mạnh mẽ luận điểm của ông Hồ Tích Tiến (Ảnh: Đa Chiều).
Chuyên gia về chiến lược hạt nhân của Trung Quốc Dương Thừa Quân, người phê phán mạnh mẽ luận điểm của ông Hồ Tích Tiến (Ảnh: Đa Chiều).

Ngoài ra, Dương Thừa Quân cho rằng, việc cường điệu số lượng vũ khí hạt nhân sẽ khơi dậy sự lo ngại của các nước láng giềng Trung Quốc và đẩy các nước này sang phía Mỹ để tìm kiếm ô bảo vệ hạt nhân; sẽ khơi dậy sự bất bình của người dân Trung Quốc và cư dân mạng đối với nhà nước và quân đội; cũng sẽ gây ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế quốc gia. Các lĩnh vực nóng cần đầu tư, như xóa đói giảm nghèo, nhà ở, chăm sóc y tế, học hành và trợ cấp người già không còn tiền để giải quyết.

Dương Thừa Quân nói: liên quan đến kế hoạch quy hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, “đã có các học giả và chuyên gia chuyên ngành luôn thực hiện theo dõi, nghiên cứu, luận chứng và tính toán cực kỳ nghiêm ngặt và tỉ mỉ; Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cũng đã có quyết sách và kế hoạch triển khai”, “hoàn toàn không cần đến sự can thiệp của những người không liên quan”.

Ông Quân nói, chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là “tinh cán hữu hiệu”. Trong những năm qua, ở trong và ngoài nước đã có những lời bàn tán và nghi ngờ về chính sách và chiến lược hạt nhân của Trung Quốc; sau nhiều cuộc luận chứng, “Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã xác định rõ: chính sách hạt nhân của Trung Quốc sẽ không thay đổi!”.

Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh bị người biểu tình Trung Quốc tấn công sau sự kiện Sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị máy bay NATO ném bom (Ảnh: AFP).
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh bị người biểu tình Trung Quốc tấn công sau sự kiện Sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị máy bay NATO ném bom (Ảnh: AFP).

Đa Chiều cho rằng, điều đáng chú ý là “Thuyết ngàn vũ khí hạt nhân” của ông Hồ Tích Tiến đã đi ngược lại chính sách quốc phòng phòng ngự của Trung Quốc. Tháng 7/2019, Sách Trắng về “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” do chính phủ Trung Quốc phát hành đã tuyên bố rõ: “Trung Quốc luôn theo đuổi không sử dụng vũ khí hạt nhân trước mọi lúc và trong mọi trường hợp; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia và khu vực không có vũ khí hạt nhân; chủ trương cuối cùng cấm toàn diện và phá hủy triệt để vũ khí hạt nhân; sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đua vũ khí hạt nhân với bất kỳ quốc gia nào và luôn duy trì sức mạnh hạt nhân của mình ở mức tối thiểu theo nhu cầu của an ninh quốc gia”.

Hồ Tích Tiến từng làm phóng viên Nhân dân Nhật báo ở Nam Tư từ năm 1993 đến năm 1996. Đây có lẽ là lý do tại sao ông chọn đề xướng thúc đẩy mở rộng hạt nhân vào dịp kỷ niệm vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc năm 1999. Ngày 8/5/2019, nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện này, Hồ Tích Tiến cũng đã xuất bản một bài báo tự tiết lộ ông là người đầu tiên ở Trung Quốc biết tin tức về vụ đánh bom đại sứ quán. Thì ra vào sáng sớm hôm đó, Lã Nham Tùng, người kế nhiệm ông làm phóng viên thường trú của Nhân dân Nhật báo tại Nam Tư, đã gọi cho ông để báo tin. Hồ Tích Tiến ngay lập tức gọi cho một người bạn là Lý Mãn Trường, khi đó là Trưởng phòng Nam Tư của Bộ Ngoại giao. Sau đó, “chỉ trong vài phút, toàn bộ máy móc của đất nước đã hoạt động, thậm chí các hãng truyền thông lớn của phương Tây như CNNBBC đều còn chưa kịp đưa tin”.

Đại sứ quán Trung Quốc bị Mỹ ném bom, dẫn đến cái chết của ba nhà báo Trung Quốc, Lữ Nham Tùng là người duy nhất chạy khỏi đại sứ quán đã sống sót. Nếu Hồ Tích Tiến vẫn còn ở Nam Tư vào thời điểm đó, ông ta có thể đã chết.

Vào tháng 7/2005, Thiếu tướng Chu Thành Hổ, Viện trưởng Quốc phòng thuộc Đại học Quốc phòng PLA, tuyên bố công khai rằng cần sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ. Vào thời điểm đó, Chu Thành Hổ nói với phóng viên nước ngoài tại một cuộc họp báo chính thức do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức: “Nếu giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột quân sự do vấn đề Đài Loan, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Chu Thành Hổ còn nói: “Người Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc tất cả các thành phố ở phía đông Tây An đều bị phá hủy. Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng phải chuẩn bị cho việc hơn một trăm hoặc hơn hai trăm thành phố ở bờ Tây Hoa Kỳ, thậm chí nhiều hơn có thể bị Trung Quốc hủy diệt”.

Cũng có nhiều người nghi ngờ về số lượng vũ khí hạt nhân được Hồ Tích Tiến đề cập. Lý Bân, Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nói thẳng thừng: “Hồ Tích Tiến không giải thích cách ông ta tính toán. Tôi nghi ngờ  rằng ông ta tính toán nó bằng logic của đồng tiền”.

Ông cũng chỉ ra rằng cách tính của Hồ Tích Tiến có 4 điểm không chuyên nghiệp: Thứ nhất, một số lý do có thể khiến số vũ khí hạt nhân ban đầu sau đó không đủ, Hồ Tích Tiến cần chỉ rõ nguyên nhân của sự thay đổi này; Thứ hai, Hồ Tích Tiến không chấp nhận vị trí ban đầu của Trung Quốc về vai trò của vũ khí hạt nhân, nhưng lại nói không rõ cách điều chỉnh vị trí này; Thứ ba, trong cách tính toán số lượng vũ khí hạt nhân của Hồ Tích Tiến, trong tổng số 1.000 vũ khí hạt nhân, chỉ 10% là loại Dongfeng-41 tiên tiến nhất, khiến người ta không hiểu.

Tên lửa chiến lược Julang-2 phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu binh 1/10/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa chiến lược Julang-2 phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu binh 1/10/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Về vấn đề này, Hồ Tích Tiến thừa nhận rằng tuyên bố của ông không chuyên nghiệp, nhưng ông cũng nhấn mạnh, “Tôi không kém gì một chuyên gia kiểm soát vũ khí trong việc hiểu rõ ý chí của đất nước. Ý của tôi là, rõ ràng tôi có quyền tham gia vào cuộc thảo luận như vậy”.

Ngoài ra, Hồ Tích Tiến nói rằng việc răn đe hạt nhân của Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược mơ hồ, và ông không nên làm rõ Trung Quốc cần có bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Nếu Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục cho rằng Trung Quốc chỉ có “mấy trăm” đầu đạn hạt nhân, thì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Trung Quốc.

Hồ Tích Tiến nhấn mạnh cho dù Trung Quốc muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cũng không nên chỉ làm mà không nói gì và Trung Quốc không nên gây ồn ào, nhưng nên lặng lẽ tăng số đầu đạn hạt nhân. Ở một giai đoạn thì được, nhưng  làm như thế trong một thời gian dài thì ông phản đối. “Vũ khí hạt nhân được dùng để răn đe. Chúng hoàn toàn bị ẩn giấu và cất đi thì còn cần gì đến chúng nữa?”.

Theo quan điểm của Hồ Tích Tiến, Trung Quốc không cần tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, nhưng khi ý chí chiến lược đàn áp Bắc Kinh của Washington trỗi dậy, khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc cần phải được gia tăng.