Đằng sau việc máy bay Mỹ liên tục xuất hiện xung quanh Đài Loan và bố trí lại không quân chiến lược

VietTimes -- Gần đây, không quân Mỹ có các hoạt động bất thường xung quanh Đài Loan, đặc biệt lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B tiếp cận Đài Loan. Những động thái này đã gây nên sự chú ý của giới quan sát quốc tế.
Mỹ đã đột ngột bố trí máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B tại căn cứ Andersen trên đảo Guam thay cho loại B-52 từ trung tuần tháng 4 (Ảnh: CNA).
Mỹ đã đột ngột bố trí máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B tại căn cứ Andersen trên đảo Guam thay cho loại B-52 từ trung tuần tháng 4 (Ảnh: CNA).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 5/5, Aircraft Spots, một tài khoản Twitter chuyên theo dõi động thái của máy bay, cho biết ngày 4/5 hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B của quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Andersen trên đảo Guam đã bay về phía Biển Hoa Đông. Theo bản đồ đường bay, các máy bay ném bom này của Mỹ đã bay ngang qua vùng biển phía đông bắc Đài Loan .

Aircraft Spots cũng đề cập một máy bay tiếp dầu trên không KC-135R có số hiệu LIVID-11 đã tiếp nhiên liệu cùng một lúc cho tốp B-1B trên.

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông, đây là lần đầu tiên máy bay ném bom B-1B của quân đội Mỹ xuất hiện ở vùng biển xung quanh Đài Loan.

Từ trung tuần tháng 4, quân đội Mỹ đã rút các máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress bố trí ở Guam về lục địa Mỹ, thay vào đó là các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer. Ngày 22/4, 1 chiếc B-1B đổ đầy dầu đã bay thẳng từ lục địa Mỹ tới Nhật Bản, sau khi đổ dầu lại cất cánh bay lượn trên vùng trời đảo Okinawa gần Trung Quốc rồi quay về lục địa Mỹ. Chuyến bay này nhằm tỏ rõ khả năng tấn công toàn cầu của không quân chiến lược Mỹ.

Đường bay của máy bay B-1B từ Guam tới gần Đài Loan hôm 4/5 (Ảnh: CNA).
Đường bay của máy bay B-1B từ Guam tới gần Đài Loan hôm 4/5 (Ảnh: CNA).

Theo Aircraft Spots, ngày 1/5, vào các lúc 16h33 và 16h55, không quân Mỹ đã phái 4 chiếc B-1B xuất phát từ lục địa Mỹ chia làm 2 tốp, một tốp bay đến vùng biển Hoa Đông gần Okinawa rồi tới căn cứ Andersen trên đảo Guam; tốp thứ hai bay thẳng từ Mỹ tới căn cứ Andersen.

Theo Đa Chiều, điều đáng chú ý là tính năng của máy bay ném bom B-1B tốt hơn nhiều so với loại máy bay ném bom B-52 đã triệt thoái khỏi căn cứ ở đảo Guam gần đây. Nó có thể bay với tốc độ siêu thanh và độ cao thấp, xuyên qua mạng lưới phòng không của đối phương để thực hiện đòn tấn công hạt nhân chiến lược, tạo thành “Bộ ba răn đe chiến lược” cùng tên lửa liên lục địa và tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Đặc biệt, vào ngày 30/4, 2 chiếc B-1B đã cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở bang South Dakota trên lục địa Mỹ sau đó tới Biển Đông “làm nhiệm vụ” rồi lại quay về Mỹ, tổng cộng thời gian đi và về là 32 tiếng.

Lần thực hiện nhiệm vụ kéo dài liên tục 32 giờ này cho thấy quân đội Mỹ có thể phát huy tính cơ động tiến công cao trong việc đối phó với mối đe dọa chiến lược hạt nhân của Trung Quốc.

Hãng Thông tấn trung ương Đài Loan CNA cho biết, theo thông tin công khai của bộ quốc phòng Đài Loan và trang Aircraft Spots, hoạt động của tốp B-1B ngày 4/5 đã là lần thứ 15 máy bay quân sự của Mỹ bay quanh Đài Loan kể từ tháng 4/2020. Trước thông tin này, “Bộ Quốc phòng” Đài Loan tuyên bố lực lượng quân sự của họ đều nắm chắc tình hình vùng biển và không phận xung quanh eo biển Đài Loan.

Sơ đồ hoạt động của máy bay trinh sát điện tử Mỹ (Ảnh: Aircraft Spots ).
Sơ đồ hoạt động của máy bay trinh sát điện tử Mỹ (Ảnh: Aircraft Spots ).

Theo tiết lộ công khai của quân đội Đài Loan và Aircraft Spots, lần xuất hiện đầu tiên của máy bay quân sự Mỹ trên không phận quanh Đài Loan là máy bay trinh sát điện tử RC-135U vào ngày 8/4. Lần thứ 2 cũng là máy bay trinh sát điện tử RC-135U vào ngày 10/4; lần thứ 3 là máy bay trinh sát điện tử EP-3E vào ngày 11/4; lần thứ 4 là máy bay trinh sát điện EP-3E vào ngày 12/4; lần thứ 5 và thứ 6 vào ngày 13/4, lần lượt là máy bay trinh sát điện RC-135W và máy bay chống ngầm P-3C Orion; lần thứ 7 vào ngày 14/4, cũng là máy bay chống ngầm P-3C; lần thứ 8 là máy bay trinh sát điện RC-135W vào ngày 15/4; lần thứ 9 là máy bay trinh sát điện tử RC-135U vào ngày 17/4; lần thứ 10 là máy bay chống ngầm P-3C vào ngày 18/4; lần thứ 11 là máy bay trinh sát điện tử EP-3E vào ngày 21/4; lần thứ 12 là máy bay chống ngầm P-3C vào ngày 25/4; lần thứ 13 là máy bay trinh sát điện tử EP-3E ngày 30/4; lần thứ 14 là máy bay trinh sát điện tử EP-3E vào ngày 2/5.

Vào ngày 23/4, quân đội Đài Loan đã thông báo tàu sân bay Liêu Ninh của PLA và biên đội của nó bao gồm các tàu hộ vệ 542, 598, tàu khu trục 117,119 và tàu tiếp tế hậu cần chiến đấu nhanh 965 đã tiến vào Biển Đông qua eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines vào ngày 12/4; sau khi kết thúc huấn luyện trên Biển Đông, ngày 22/4, biên đội tàu Liêu Ninh đã đi qua eo biển Bashi một lần nữa và tiếp tục đi về phía đông.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập phi pháp hai cái gọi là khu vực hành chính cấp quận “Nam Sa” và “Tây Sa” gồm vùng biển trong cái gọi là "Đường biên giới 9 đoạn" mà họ tùy tiện vạch ra chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nơi nhiều quốc gia có tranh chấp chủ quyền. Đa Chiều cho biết, đến nay Đài Loan, Việt Nam và Philippines đã lên tiếng phản đối động thái này của Bắc Kinh. Hải quân Mỹ từ ngày 28/4 trong hai ngày liên tiếp đã cho các tàu chiến thực thi “quyền tự do các nhiệm vụ hàng hải” để thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh liên tiếp hoạt động gần Đài Loan (Ảnh:NDNB).
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh liên tiếp hoạt động gần Đài Loan (Ảnh:NDNB).

Theo phân tích của ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện nghiên cứu Tài nguyên và Công nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nhiệm vụ của máy bay trinh sát điện tử quân sự của quân đội Mỹ, ngoài việc trinh sát nắm mọi động thái quân sự của Trung Quốc đại lục, còn bao gồm chuẩn bị cho chiến tranh điện tử, nắm trước các trạm radar và tìm hiểu các tín hiệu điện từ của đối phương để tạo điều kiện cho việc áp chế, gây nhiễu, phản áp chế khi xảy ra chiến tranh, hoặc ngăn chặn bên kia nắm bắt chính xác các động hướng của mình. Trong khi đó, quân đội Đài Loan công khai tuyên bố nắm chắc tình hình trên không phận quanh eo biển Đài Loan.

Về hoạt động của các máy bay quân sự Mỹ trên vùng biển xung quanh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói, Trung Quốc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không được mọi quốc gia hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối các quốc gia có liên quan giương chiêu bài ‘tự do hàng hải và bay qua’ để gây tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển và gây nhiễu loạn hòa bình và ổn định khu vực”.

Với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay B-1B đã thực hiện phi vụ kéo dài liên tục 32 giờ từ lục địa Mỹ tới Biển Đông rồi quay về (Ảnh: Aircraft Spots).
Với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay B-1B đã thực hiện phi vụ kéo dài liên tục 32 giờ từ lục địa Mỹ tới Biển Đông rồi quay về (Ảnh: Aircraft Spots).

Các chuyên gia Trung Quốc đại lục cho rằng đối với các hành động của máy bay quân sự Mỹ họ vẫn phải “coi thường về chiến lược và coi trọng về chiến thuật”. Gọi là coi thường chiến lược, là không cần quá lo lắng về việc quấy rối của máy bay quân sự Mỹ. Ví dụ, máy bay trinh sát điện tử của Mỹ đến để thu thập thông tin tình báo điện tử, như tín hiệu radar và liên lạc vô tuyến. Tại thời điểm đó, các hoạt động điện tử phải được giảm, chứ không thể máy bay đối phương đến là như gặp kẻ thù, tất cả các radar tiên tiến đều được mở máy.

Coi trọng về chiến thuật tức là có các phương án và biện pháp đối phó. Trong trường hợp này, chỉ một số trạm radar thường xuyên mở máy, nắm vững đường bay của máy bay quân sự Mỹ và tùy tình hình tiến hành ngăn chặn từ bên ngoài khi thích hợp.

Trước đó, liên quan đến tình huống máy bay và tàu quân sự của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, Cảnh Sảng nói: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và là vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ tuân thủ nghiêm nguyên tắc một Trung Quốc và các điều khoản của ba Thông cáo chung Trung-Mỹ và xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn để không làm tổn hại đến quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Việc triển khai B-1B tại Guam đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Lầu Năm Góc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ảnh: DJY).
Việc triển khai B-1B tại Guam đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Lầu Năm Góc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Ảnh: DJY).

CNA đưa tin quân đội Mỹ đột ngột triệt thoái các máy bay ném bom B-52 được triển khai tại căn cứ Andersen ở đảo Guam mà không dự báo trước vào giữa tháng 4, đã chấm dứt “Continuous Bomber Presence Mission” (Nhiệm vụ hiện diện máy bay ném bom liên tục) không bị gián đoạn kể từ năm 2004. Kate Atanasoff, người phát ngôn của Bộ chỉ huy chiến lược quân đội Mỹ (STRATCOM), cho biết hiện nay cách tiếp cận của Mỹ đã được chuyển thành khi cần thiết máy bay ném bom có khả năng xuất phát từ một căn cứ xa hơn, cụ thể là ở lục địa Mỹ đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để thực thi nhiệm vụ.

Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại công ty tư vấn Rand Corp của Mỹ gần đây đã nói với CNN rằng chiến lược mới của Lầu Năm Góc là “chiến lược có thể dự đoán nhưng hành động không thể đoán trước”.

Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng Đài Loan, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Báo cáo quốc phòng năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập đến nguyên tắc “chiến lược rõ ràng, chiến thuật linh hoạt”, thay đổi sự hiện diện quân sự cố định trước đây và sử dụng các phương pháp triển khai linh hoạt hơn để kẻ thù tiềm năng không thể đoán biết, tạo ra hiệu ứng răn đe chiến lược lớn hơn. Đây cũng là nguyên nhân tại sao quân đội Mỹ đã điều chỉnh “Nhiệm vụ hiện diện máy bay ném bom liên tục” theo chiến lược “triển khai về phía trước” sau khoảng hai năm chuẩn bị.