Theo Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi Mỹ hãy “thôi cường điệu hóa và thổi phồng» vấn đề Biển Đông. Trung Quốc tỏ ý phẫn nộ trước các cuộc tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên không và trên biển do Mỹ tiến hành gần các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ, nơi mà các cơ sở quân sự chỉ có mục tiêu tự vệ.
Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt như trên sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc về những hành động «hiếu chiến» ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tên lửa địa đối không và chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp với Việt Nam.
Khi được hỏi hậu quả cụ thể có thể là những gì, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết là Mỹ đã tăng cường việc triển khai lực lượng qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ chi 425 triệu USD từ nay đến đến năm 2020 để gia tăng các cuộc tập trận và các khóa huấn luyện cho các nước trong khu vực đang quan ngại trước các hành vi của Trung Quốc. Đối với ông Carter, các hành động mà Bắc Kinh đang làm tại Biển Đông đã thúc đẩy sự hình thành của các thỏa thuận ba bên mà chỉ cách đây vài năm thôi còn là điều không ai dám tưởng tượng ra.
Trong vài tháng gần đây, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do lưu thông ở Biển Đông ngay bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Trung Quốc cho lãnh thổ của họ tại Trường Sa và Hoàng Sa. Quan chức Hải quân Mỹ khẳng định sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra khác trong tương lai, với quy mô ngày càng lớn hơn và tinh vi hơn trong tương lai.
Ông Carter cũng tiết lộ rằng Lầu Năm Góc dự định chi 8 tỷ USD trong tài khóa 2017 để tăng cường hạm đội tàu ngầm và tàu lặn không người lái vốn đã rất hùng hậu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết luận: «Không có gì phải nghi ngờ về những hậu quả bắt nguồn từ những hành động đó của Trung Quốc».
Trong một động thái khác, hải quân Trung Quốc vừa hạ thủy một bến tàu nổi tự hành đầu tiên. Đây là một phương tiện sẽ được sử dụng để làm nơi sửa chữa chiến hạm ngay trên biển. Theo các nhà quan sát, đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa hải quân, vào lúc Bắc Kinh không che giấu tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông.
Bến tàu nổi vừa hạ thủy mang tên Hoa Xuyên số 1. Bến tàu này sẽ cho phép các lực lượng hải quân đưa chiến hạm bị hư hỏng về sửa chữa, để khôi phục năng lực tác chiến của các chiếc tàu trong một thời hạn rất nhanh chóng. Loại bến tàu nổi này đã được thiết kế để có thể được đưa đến những khu vực có chiến sự.
Reuters cho biết, phương tiện vừa được hạ thủy cho phép sửa chữa các chiến hạm lớn của hải quân Trung Quốc ngay tại những điểm di động cách xa bờ, thay vì phải dựa vào những điểm cố định trên bờ biển như trước đây.
Các loại tàu như tuần dương hạm, khu trục hạm, thậm chí tàu ngầm đều có thể là được sửa chữa tại bến tàu nổi này, được thiết kế để có thể chống chọi với sóng cao đến 2m. Tờ báo cũng không quên nêu bật nhiều lợi ích khác của loại phương tiện mới này như giúp cho các tàu bị hư hỏng nhẹ tiếp tục chiến đấu, trong khi những chiếc bị hư hại nặng nề hơn không nhất thiết phải được đưa về sửa chữa trong một nhà máy đóng tàu.
Theo các nhà quan sát, có rất nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ đưa chiếc bến tàu nổi tự hành vừa hạ thủy xuống hoạt động tại khu vực Biển Đông để tăng cường tiềm lực của Hải quân Trung Quốc trong việc khống chế khu vưc.
Những chiếc bến tàu nổi này bổ sung vào màng lưới các cơ sở quân sự cố định mà Trung Quốc đang cấp tốc xây dựng và hoàn thiện tại cùng quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông, và quần đảo Trường Sa ở phía nam, bao gồm các sân bay, các bến cảng, các bãi đáp trực thăng ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các đài radar, nhà kho, cơ sở truyền tin trên toàn bộ các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bối đắp trong Biển Đông.
Sự kiện Trung Quốc phô trương chiếc bến tàu nổi đầu tiên nằm trong cả một chiến dịch dùng các kênh thông tin báo chí để tuyên truyền cho các thiết bị mới mà chính Trung Quốc chế tạo ra. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc tuần trước khoe khoang hải quân nước này vừa tiến hành một tập trận bắn đạn thật trong khu vực, và dự trữ đạn dược và đang có kế hoạch đưa vào hoạt động một chiếc máy bay vận tải quân sự do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó, theo báo Singapore The Straits Times vào trung tuần tháng 1/2016, Trung Quốc hoàn thành việc đóng một chiếc tàu tuần tra biển cực lớn, và có thể triển khai chiếc tàu này xuống Biển Đông. Đây là một chiếc tàu có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, còn lớn hơn cả khu trục hạm USS Lassen từng được Mỹ cử vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.